(Xây dựng) - Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) lần thứ 28 và Giải thưởng WIPO 2022 được tổ chức tối 31/5 tại Hà Nội. Năm nay, Ban Tổ chức Giải thưởng vinh danh 43 công trình tiêu biểu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát động mùa giải 2023. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, trong 28 năm qua giải thưởng đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học trên cả nước. Hàng nghìn công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học được triển khai trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Ông mong muốn giải thưởng sẽ tiếp tục khơi dậy đam mê nghiên cứu, say mê sáng tạo với thế hệ trẻ cả nước.
Trong số 128 công trình tham dự, Hội đồng giải thưởng lựa chọn 43 công trình tiêu biểu, trao 4 giải nhất (80 triệu đồng), 9 giải nhì (60 triệu), 15 giải ba (40 triệu) và 15 giải khuyến khích (20 triệu đồng). Ngoài phần thưởng tiền mặt, tác giả công trình đoạt giải nhất, nhì được tặng bằng khen của Thủ tướng.
Cụ thể, 4 giải Nhất gồm: Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị chiên chân không liên tục, ứng dụng trong chế biến sản phẩm snack chiên từ nguồn nông thủy sản Việt Nam” của nhóm tác giả: PGS. TS Phạm Anh Tuấn, ThS Nguyễn Tiến Khương, ThS Tạ Phương Thảo và các cộng sự Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - lĩnh vực cơ khí tự động hóa đoạt giải nhất lĩnh vực Cơ khí Tự động hóa.
Công trình "Nghiên cứu chương trình bảo trì tiên đoán và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác mỏ khí condensate Hải Thạch - Mộc Tinh lô 05-2 và 05-3 trên Biển Đông Việt Nam" của tác giả TS Ngô Hữu Hải, TS Trần Vũ Tùng, TS Trần Ngọc Trung và các cộng sự Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) - lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Các nhóm tác giả nhận giải Nhất. |
Công trình “Cải tiến kết cấu giá thể sinh học bằng nhựa PET phế liệu để nâng cao hiệu quả xử lý nước thải trong sản xuất ngành đồ uống" của nhóm tác giả: Thạc sỹ Trần Văn Trà, Kỹ sư Phạm Duy Nhật, Kỹ sư Hà Văn Kiên Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, tỉnh Thái Bình - lĩnh vực công nghệ vật liệu.
Công trình “Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp và phát triển, ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho đối tượng trầm tích lục nguyên của các mỏ dầu tại Bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” của nhóm tác giả: Tiến sỹ Nguyễn Minh Quý, Thạc sỹ Phạm Trường Giang, Thạc sỹ Hoàng Long và các cộng sự Viện Dầu khí Việt Nam(Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) - lĩnh vực công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, hai công trình đoạt giải Nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu và cơ khí tự động hóa được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới trao giải WIPO 2022.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chúc mừng tác giả đoạt giải, khẳng định giải thưởng ghi nhận vinh danh nỗ lực không ngừng nghỉ của các tác giả trong nhiều năm qua. Cuối buổi lễ, Thứ trưởng Giang phát động Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2023, Thứ trưởng tin tưởng Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục được các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như những cá nhân đam mê sáng tạo trong cả nước nhiệt tình ủng hộ và tham gia.
Mùa giải 2023, Ban tổ chức bổ sung các nội dung của lĩnh vực công nghệ sinh học với hy vọng các nhà khoa học có điều kiện tham gia, hướng tới thực hiện nghị Nghị quyết 36 NQ /TW ngày 30/01/2023 của Bộ chính trị về phát triển ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Giải thưởng Vifotec do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức thường niên. Trong nhiều năm qua đã có khoảng gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình được tôn vinh. Nhiều công trình đoạt giải đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Kim Oanh
Theo