Thứ năm 28/11/2024 13:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Sản xuất cát nhân tạo với công nghệ xanh

16:00 | 25/04/2024

(Xây dựng) – Đây là một nội dung được đề cập tại Hội thảo về sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên do Công ty Nguyễn Vinh - nhà thầu cung cấp dây chuyền thiết bị, dịch vụ và giải pháp công nghệ mới trong các ngành công nghiệp xây dựng và khai khoáng tại Việt Nam, phối hợp cùng Tập đoàn Terex - một trong 3 tập đoàn lớn nhất thế giới trong ngành thiết bị và công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng tổ chức, ngày 25/4.

Sản xuất cát nhân tạo với công nghệ xanh
Lãnh đạo của Công ty Nguyễn Vinh giới thiệu về các hệ thống thiết bị sản xuất cát nhân tạo thương hiệu Terex do Công ty cung cấp đang hoạt động hiệu quả tại nhiều địa bàn ở Việt Nam.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về công nghệ khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng tại Việt Nam, diễn ra trong các ngày 24 – 26/4, tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, cát tự nhiên ngày càng khan hiếm do việc bồi lắng, việc tái tạo các mỏ cát cần trải qua rất nhiều năm. Ông Lương Văn Hùng – Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nguồn cung cát tự nhiên chỉ đáp ứng được xấp xỉ 40% nhu cầu…

Từ những năm 80 thế kỷ trước, các nước phương Tây đã sử dụng cát nhân tạo trong các dự án lớn ở châu Âu, như đập French Alps tại Pháp (năm 1980), đập Ataturk Turkey ở Thổ Nhĩ Kỹ (năm 1986)... với công nghệ làm cát nhân tạo giai đoạn đầu bằng sự kết hợp côn – nghiền bi…

Ngay nay, việc phát triển sản xuất cát nhân tạo với công nghệ tiên tiến, dùng cho bê tông mác cao (có phân loại cát modul thô và tinh) với các tiêu chuẩn chất lượng phụ gia đòi hỏi phải đạt mức chuẩn quốc tế.

Các chuyên gia chia sẻ: Cát nhân tạo tận thu, chế biến (lọc, rửa, phân ly…) từ mỏ đá, sỏi cuội sông, rác phế thải xây dựng, công nghiệp, khoáng sản đi kèm... sẽ loại bỏ được khoáng chất sét và nhiều tạp chất khác tránh gây hậu quả tiêu cực cho bê tông.

Cát nhân tạo được sản xuất từ các nguồn gốc nêu trên sẽ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với khai thác cát lòng sông. Cát nhân tạo hình dạng kết cấu góc cạnh hạt tròn, khối, cấp độ liên tục, modul mịn tăng khả năng làm việc, độ kết dính và độ bền của bê tông. Tỷ lệ % cỡ hạt trong khoảng150 micron - 600 micron cao, hạn chế lượng hạt mạt (<75 micron) dưới 9%, tạo ra cát sạch, tăng cường độ kháng nén của bê tông. Độ rỗng của cát nhân tạo thích hợp (thấp) dẫn đến tiêu thụ ít nước và xi măng.

Sản xuất cát nhân tạo với công nghệ xanh
Các chuyên gia của Tập đoàn Terex và Công ty Nguyễn Vinh giới thiệu về các công nghệ hiện đại, công nghệ xanh trong sản xuất cát nhân tạo.

Tại Việt Nam, trong định hướng phát triển vật liệu xây dựng, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, đã có chủ trương phát triển vật liệu cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên, cũng như nâng cao chất lượng cốt liệu bê tông.

Năm 2008, tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng yêu cầu: Phát triển sản xuất cát nghiền với công nghệ tiên tiến, công suất từ 50.000 m3/năm trở lên để thay thế cát tự nhiên sử dụng cho bê tông.

Tiếp đó, năm 2014, tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục: Khuyến khích các cơ sở khai thác, sản xuất đá phối hợp đầu tư hoặc liên kết với cơ sở sản xuất cát nghiền… nhằm tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn vật liệu xây không nung ở địa phương; Khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cát nghiền để đạt tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt khoảng 10 triệu m3/năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các cơ sở sản xuất đá vật liệu xây dựng của Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc hoặc sử dụng máy cũ với phí đầu tư thấp nhưng chi phí sản xuất lại rất cao.

Yếu tố này khiến cho giá thành sản phẩm cao, thậm chí không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ tròn khối, tỷ lệ % độ thoi dẹt cao, khiến cho cường độ đá không đảm bảo cho chất lượng công trình, nhất là những công trình lớn có yếu tố nước ngoài.

Sản xuất cát nhân tạo với công nghệ xanh
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đại diện các nhà thầu, chủ đầu tư, các chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Xuất phát từ nhu cầu hiện trạng nêu trên và thực tế của thị trường, với tiềm lực công nghệ cao, Công ty Nguyễn Vinh đã kết hợp cùng Tập đoàn Terex cung cấp dây chuyền và thiết bị sản xuất cát xây dựng chất lượng cao cho hàng chục đơn vị tại Việt Nam và các Tập đoàn toàn cầu.

Tại hội thảo, Công ty Nguyễn Vinh và Tập đoàn Terex đã giới thiệu về công nghệ sản xuất (nghiền và rửa) cát nhân tạo hiện đại nhất.

Theo đó, các công nghệ này đảm bảo điều chỉnh được phân cấp dải hạt liên tục sản xuất được các sản phẩm cát cao cấp với mức độ đồng đều cao, hình dạng tròn khối nhiều góc cạnh, giảm độ rỗng, giúp bê tông giảm độ co ngót, giảm lượng nước, tăng khả năng bơm và khả năng làm việc, cũng như độ kết dính, độ bền (kháng nén và uốn), chịu lực của bê tông. Từ đó, cho phép sản xuất được bê tông chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế như ASTM C-33 (Mỹ); JS A 5004 (Nhật), BS 882 (Anh), Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9205:2012 về cát nghiền cho bê tông và vữa (Việt Nam).

Đặc biệt, Công ty Nguyễn Vinh và Tập đoàn Terex đã đưa ra giải pháp tổng thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm tiêu hao năng lượng và tài nguyên khoáng sản và biện pháp bảo đảm môi trường do tuần hoàn nước (tái sử dụng lên đến hơn 90%).

Sản xuất cát nhân tạo với công nghệ xanh
Tại Triển lãm Quốc tế về công nghệ khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và xây dựng tại Việt Nam, Công ty Nguyễn Vinh đã giới thiệu các giải pháp nghiền, sàng, rửa của Tập đoàn Terex hướng tới sản xuất xanh.

Công ty Nguyễn Vinh cũng đưa ra các giải pháp công nghệ loại sulfur (SO2) - FGD từ các nhà máy đốt nguyên liệu hóa thạch tránh mưa axit và thu hồi khí CO2 để sản xuất bột nhẹ giảm lượng các bon trong không khí… Đây chính là những công nghệ xanh trong sản xuất cát nhân tạo.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load