Thứ sáu 13/12/2024 19:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Cát tự nhiên thiếu nhưng cát nhân tạo thay thế vẫn “ế”

09:12 | 22/11/2024

Trong khi cát tự nhiên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt do khai thác, sử dụng quá mức nên thời gian qua, việc dùng cát nhân tạo được xay từ đá dần thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là cần thiết.

Cát tự nhiên thiếu nhưng cát nhân tạo thay thế vẫn “ế”
Cát tự nhiên được khai thác. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Cả nước hiện có trên 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng gần 2.100 triệu m3 nhưng nguồn cung từ cát tự nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.

Xu thế sản xuất và sử dụng cát nghiền trong xây dựng là cần thiết vì lượng cát thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Đồng thời, nếu đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng cát nghiền tái chế từ các nguồn phế thải sẽ càng có ý nghĩa hơn nữa về mặt môi trường.

Theo Tiến sỹ Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, ngành xây dựng thường sử dụng hai loại cát. Loại thứ nhất dùng cho bêtông và vữa với công suất tiêu thụ khoảng hơn 100 triệu m3/năm. Loại thứ hai là cát dùng cho san lấp hạ tầng công trình xây dựng và giao thông có khối lượng tiêu thụ rất lớn.

Hiện cát nghiền chủ yếu được sử dụng để thay thế cát thiên nhiên dùng cho bê tông, vữa và có thể được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau như khoáng sản đá, sỏi thiên nhiên; phế thải của ngành khai thác than, khoáng sản; phế thải phá dỡ các công trình xây dựng; phế thải của các ngành công nghiệp

Trong khi cát tự nhiên là tài nguyên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt khi khai thác, sử dụng quá mức. Bởi vậy, thời gian qua, việc sử dụng cát nhân tạo được xay từ đá dần thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là cần thiết và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn triển khai.

Mặc dù được khuyến khích nhưng đưa cát nhân tạo sử dụng phổ biến trong xây dựng không hề dễ dàng. Theo Sở Xây dựng Thanh Hóa, hiện địa phương này có 18 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ đá với tổng công suất 1.390.000 m3/năm; trong đó có một số doanh nghiệp sở hữu dây chuyền có công suất lớn như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Tuấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tân Thành 2, Công ty Cổ phần Nghi Sơn 36, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Hà Liên...

Những doanh nghiệp này đều có dây chuyền sản xuất với công suất đăng ký là 150.000 m3/năm và được cấp phép khai thác mỏ đá, hoặc sản xuất bê tông tươi thương phẩm. Mức đầu tư mới mỗi dây chuyền có công suất lớn (trên 100.000 m3/năm) dao động từ 10 đến 20 tỷ đồng và chủ yếu nhập từ nước ngoài. Sản phẩm cát nhân tạo được nghiền từ đá cũng đã được cấp có thẩm quyền công nhận hợp quy theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên các doanh nghiệp phản ánh, dù chất lượng cát nhân tạo được đánh giá là hạt đồng đều hơn, đảm bảo cường độ đá, không có tạp chất vì quá trình nghiền đã được sục rửa nhiều lần, giúp tiết kiệm ximăng và rút ngắn thời gian thi công, tăng tuổi thọ công trình nhưng hiện việc tiêu thụ sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở mức độ nội bộ doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nghi Sơn 36 Trịnh Đình Sáng chia sẻ dây chuyền của đơn vị có thể sản xuất đạt 90-120 m3/giờ nhưng trung bình mỗi ngày chỉ vận hành máy khoảng 8 tiếng, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu sản xuất bêtông tươi thương phẩm của mình. Bởi nếu sản xuất thêm, nguồn vật liệu xây dựng này sẽ dư thừa.

Cát tự nhiên thiếu nhưng cát nhân tạo thay thế vẫn “ế”

Hiện doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng mua cát nhân tạo để sản xuất gạch không nung hay cát xây dựng công trình. Chắc do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại cát nhân tạo, thiên nặng về cát tự nhiên. Trong khi đó, sản phẩm bê tông tươi thương phẩm của Công ty Cổ phần Nghi Sơn 36 được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, ông Sáng phân bua.

Tương tự, ông Hồ Anh Bảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phát triển Trường Sơn - doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế, cho biết dự án trạm nghiền của đơn vị có công suất thiết kế khoảng 100.000 m3/năm cát nhân tạo và sản phẩm bán chủ yếu theo đơn đặt hàng ở các phường, xã làm bêtông hóa nông thôn, còn lại một ít dùng đúc bêtông ống cống.

Do khối lượng tiêu thụ ra thị trường khá khiêm tốn, chỉ khoảng dưới 10.000 m3/năm nên doanh nghiệp phải đưa ra sản phẩm mới ra thị trường là cát thô chưa qua tuyển rửa dùng để nong nền và san lấp chống lún cho công trình với giá thành rẻ hơn.

Theo ông Bảo, nhu cầu tiêu thụ thấp là do thị hiếu, thói quen của người sử dụng. Để xây dựng dự án trạm nghiền cát nhân tạo tốn rất nhiều kinh phí, máy móc nhưng nhu cầu sử dụng ít, tiêu thụ khó khăn nên doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Ngoài ra, chưa có cơ chế ưu đãi từ vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp cùng các chính sách khuyến khích khác để hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh nên sản phẩm khó tiếp cận thị trường. Hiện doanh nghiệp đang đề xuất các sở, ban ngành nên mở rộng phạm vi sản xuất cát nhân tạo cho các đơn vị mua lại phụ phẩm từ đá, nhằm tăng lượng cung và giảm giá thành. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các nhà đầu tư và người dân tích cực sử dụng cát nghiền trong lĩnh vực xây dựng nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ.

Các chuyên gia của Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) nhận định để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa xây dựng, Nhà nước cần tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ để giải quyết khó khăn về khâu kỹ thuật trong sản xuất và sử dụng cát nghiền. Việc nghiên cứu, sản xuất cát nhân tạo được xem là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn cung cho thị trường trong tương lai gần.

Tiến sỹ Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), cho rằng cần giải quyết “nút thắt” để đưa cát nhân tạo phổ biến rộng rãi hơn trong xây dựng; trong đó các cơ quan Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Trước tiên, cần rà soát bổ sung, sửa đổi, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích có hiệu quả việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo như: ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ, vốn vay… cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo.

Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, kinh doanh, sử dụng cát tự nhiên trái pháp luật, có các chế tài đủ mạnh để hạn chế việc khai thác, kinh doanh, sử dụng cát tự nhiên. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao mức thuế tài nguyên đối với cát tự nhiên; quy định các loại công trình phải sử dụng cát nghiền; có các chế tài đủ mạnh để quản lý, xử phạt các vi phạm về sản xuất và sử dụng cát xây dựng.

Đặc biệt, thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, bộ định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với các loại cát nhân tạo trong xây dựng cần được tập trung hoàn thiện. Bởi đây chính là cơ sở pháp lý đầy đủ để các địa phương, tổ chức cá nhân thúc đẩy sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi tư duy, thói quen sử dụng cát tự nhiên tăng cường sử dụng cát nhân tạo cũng rất quan trọng./.

Theo Thu Hằng/(TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

    (Xây dựng) - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) có điều kiện đặc thù là vùng đất yếu, nguồn vật liệu sử dụng đắp nền cho các dự án giao thông là cát sông. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hệ thống đập thuỷ điện tại thượng nguồn từ nhiều năm trở lại đây đã khiến việc bồi lắng phù sa tại khu vực BĐSCL giảm đáng kể và có xu hướng ngày càng khan hiếm. Vì vậy, lựa chọn nguồn cát biển thay thế cát sông đang được nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

  • Quảng Nam: Đấu giá mỏ đất trữ lượng 650.000m3 tại huyện Hiệp Đức

    (Xây dựng) – Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đã có thông báo đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình điểm mỏ HĐ-BS03 khu vực đồi Tranh, khối phố An Nam, thị trấn Tân Bình.

  • Minh An Window - Cửa nhôm Maxpro làn gió mới cho ngành nhôm kính

    (Xây dựng) - Minh An Window là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng và phân phối cửa nhôm Maxpro cao cấp tại Việt Nam. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa thiết kế hiện đại, chất lượng vượt trội và dịch vụ chuyên nghiệp, Minh An Window đã mang đến một làn gió mới cho ngành nhôm kính, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành gốm sứ và đá tự nhiên

    (Xây dựng) - Sáng 11/12, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Triển lãm quốc tế về máy móc, nguyên liệu sản phẩm ngành gốm sứ và đá tự nhiên (ASEAN Ceramics & ASEAN Stone 2024). Triển lãm do Messe Muenchen GmbH - một trong những tập đoàn tổ chức hội chợ thương mại hàng đầu thế giới tổ chức.

  • Bắc Giang: Xử phạt một doanh nghiệp 635 triệu đồng do vi phạm về khoáng sản, môi trường

    (Xây dựng) - Công ty Cổ phần Khoa học sản xuất mỏ Bắc Giang có địa chỉ trụ sở chính tại tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường với tổng số tiền 635 triệu đồng.

  • Thanh Hóa: Cho phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp

    (Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa ký và ban hành Giấy phép số 236/GP-UBND, về việc cho phép Công ty TNHH MTV Trường Tuấn được khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load