Thứ hai 25/11/2024 17:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Hà Tĩnh: Vì sao để tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đất san lấp dự án… bị “đánh cắp”?

Bài 3: Vai trò của Ban Giám sát chuyên đề trong thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP

14:56 | 25/11/2024

(Xây dựng) - Ban Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hà Tĩnh ra đời với mục tiêu triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số địa phương trong tỉnh, làm tăng chi phí xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Bài 3: Vai trò của Ban Giám sát chuyên đề trong thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP
Tổ tham mưu, giúp việc khảo sát thực tế tại mỏ đá xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên.

Xác định nguyên nhân tài nguyên khoáng sản bị “đánh cắp”

Sau khi Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 17/6/2024 về thành lập Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023” có hiệu lực, ngay lập tức Đoàn Giám sát đã đi thị sát một số huyện như Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thị xã Kỳ anh, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn...

Đoàn đã rút ra một số nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản như: Công tác đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đặc biệt là cát xây dựng) chưa đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản cát xây dựng không có sự đồng thuận của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã và nhân dân sống gần khu vực mỏ. Mặt khác, phạm vi lòng sông trên địa bàn tỉnh hẹp, 2 bên bờ sông có các công trình đê, kè, cho nên việc lựa chọn phạm vi, diện tích để đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản bảo đảm khoảng cách an toàn đến các công trình là rất khó để thực hiện.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số tổ chức, cá nhân được cấp phép đã hết hạn khai thác theo giấy phép nhưng chưa thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Các mỏ khoáng sản đến nay chưa thực hiện công tác đóng cửa mỏ chủ yếu là cấp phép theo Luật Khoáng sản cũ (Luật Khoáng sản 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2005); thẩm quyền phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường là UBND cấp huyện, công tác thẩm định, tính toán tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường chưa lường hết được các nội dung, hạng mục công việc phải thực hiện sau khi kết thúc khai thác, nên số tiền ký quỹ phục hồi môi trường là rất ít, không đủ để thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ. Do vậy, các đơn vị chịu mất số tiền đã ký quỹ và không thực hiện nghĩa vụ về đóng cửa mỏ sau khai thác.

Qua rà soát thì hầu hết các đơn vị có giấy phép khai thác hết hạn chưa giải thể, phá sản, nên không thực hiện được việc lựa chọn đơn vị khác thay thế để đóng cửa mỏ.

Điển hình, trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có một số doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (đá xây dựng) nhưng đang tạm dừng hoạt động khai thác và còn nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn, kéo dài.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các tổ chức được cấp phép một số nơi thực hiện còn chậm; vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép vẫn xảy ra tại một số địa phương nhưng việc phát hiện, ngăn chặn chưa kịp thời và xử lý chưa nghiêm, gây thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách. Một số doanh nghiệp sản xuất chủ yếu chạy theo sản lượng, lợi nhuận nên chưa thực sự chú trọng về kỹ thuật khai thác theo thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ, chưa quan tâm đến việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân khách quan việc nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kéo dài là do: Tiền cấp quyền được tính theo trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt, cấp phép và thu hằng năm, liên tục. Trong khi đó, nhu cầu thị trường không tiêu thụ được.

Do không hoạt động sản xuất nên các doanh nghiệp không có nguồn kinh phí để nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan. Nguyên nhân chủ quan là do doanh nghiệp không chủ động được nguồn tài chính để thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Tuy vậy, qua rà soát, các mỏ đang nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có khối lượng thực tế khoáng sản đã khai thác đến thời điểm hiện nay nhỏ so với khối lượng số tiền cấp quyền doanh nghiệp đã nộp.

Không chỉ vậy, lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, quản lý Nhà nước về khoáng sản các cấp còn ít và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu trang thiết bị cần thiết; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương chưa đồng bộ và thường xuyên.

Hơn thế, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và các pháp luật có liên quan trong hoạt động khai thác khoáng sản của một số đơn vị chưa cao. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chủ yếu chạy theo sản lượng, lợi nhuận nên chưa thực sự chú trọng về kỹ thuật khai thác theo thiết kế mỏ, chưa đầu tư công nghệ, tổ chức khai thác khoáng sản đạt hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Giám sát chuyên đề cho biết: “Tổ tham mưu giúp việc đã tiến hành kiểm tra các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc chấp hành một số quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng tại các mỏ đá như công tác đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản, việc chấp hành pháp luật về đất đai và môi trường, công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nghĩa vụ tài chính, an toàn lao động trong khai thác khoáng sản, trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khoáng sản… Ngoài ra, còn tiến hành khảo sát thực tế hiện trường khu vực hoạt động khoáng sản. Qua khảo sát, các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Tổ sẽ tổng hợp, phân loại và gửi đến Đoàn Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh”.

Cần giám sát chặt chẽ để bảo vệ tài nguyên

Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023” để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đồng thời kiểm soát tốt hơn việc tài nguyên khoáng sản đang bị “đánh cắp”.

Được biết, phương án thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2021.

Bài 3: Vai trò của Ban Giám sát chuyên đề trong thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP
Tổ tham mưu giúp việc khảo sát tại mỏ đá phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh.

Được biết, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 191 khu vực mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, đá làm vật liệu xây dựng: 39 khu vực, tổng diện tích 738,6ha, tài nguyên dự báo 119.170.000m3; Đất làm vật liệu san lấp: 94 khu vực, tổng diện tích 1.083,1ha, tài nguyên dự báo 132.267.000m3; Cát, sỏi xây dựng: 37 khu vực, tổng diện tích 382,5ha, tài nguyên dự báo 14.735.000m3. Đất, sét gạch ngói: 21 khu vực, tổng diện tích 170,5ha, tài nguyên dự báo 7.381.000m3.

Phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền 124 khu vực, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và một số mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác đến nay đã hết hiệu lực, không gia hạn thời gian khai thác, nên Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh 69 khu vực mỏ ra khỏi khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 23 mỏ theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, có 03 mỏ không thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng nên đơn vị trúng đấu giá không tổ chức thực hiện được. UBND tỉnh cấp 25 giấy phép thăm dò khoáng sản và phê duyệt trữ lượng tại 24 mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền.

Việc chấp thuận khu vực đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù, chấp thuận cho phép các nhà thầu thi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh khai thác tại 13 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (10 mỏ đất san và 03 mỏ cát lòng sông) và 05 khu vực khai thác đất, đá trên tuyến.

Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được các đơn vị hoạt động khoáng sản quan tâm thực hiện, các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; giấy phép môi trường; giấy phép môi trường thành phần.

Tại khu vực mỏ, nhà điều hành và nhà ở công nhân, các đơn vị đã có ý thức trồng cây xanh; tại khu vực chế biến đá xây dựng đã lắp đặt hệ thống phun sương; tại các tuyến đường vận chuyển thường xuyên bố trí xe tưới nước nhằm giảm độ bụi, nhất là vào mùa hè; thực hiện quan trắc định kỳ về môi trường, nộp phí bảo vệ môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; thực hiện xây dựng công trình thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn, nước thải; báo cáo định kỳ; thực hiện cải tạo phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo quy định.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị khai thác khoáng sản sau cấp phép, hàng năm Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan đối với các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả kiểm tra giai đoạn 2020-2023, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính 31 đơn vị, với tổng số tiền xử phạt 1.748,6 triệu đồng.

Từ năm 2020 đến nay, có 62 mỏ khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác đóng cửa mỏ; 12 mỏ chưa hoàn thành đề án đóng cửa mỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt; 30 mỏ chưa lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát cho biết: Việc ban hành và triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và thất thoát tài nguyên khoáng sản. Từ đó, các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thủy Linh – Trần Minh

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load