Thứ ba 07/01/2025 23:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Thông tư số 10/2024/TT-BXD: Tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

07:55 | 27/11/2024

(Xây dựng) – Đó là kỳ vọng của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại Việt Nam khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD ngày 01/11/2024 về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD (Thông tư số 10).

Thông tư số 10/2024/TT-BXD: Tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa đang gây khó khăn cho ngành Xi măng.

Sự cạnh tranh không lành mạnh gây ra tác động tiêu cực

Ngành Xi măng Việt Nam có lịch sử lâu dài và đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đất nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng trong 2 năm gần đây, ngành Xi măng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản xuất và tiêu thụ xi măng trong năm 2023 sụt giảm mạnh với mức khai thác công suất của các nhà máy cũng giảm đáng kể. Cụ thể, cả nước sản xuất và tiêu thụ gần 88,6 triệu tấn xi măng và clinker, đạt gần 79% năng lực sản xuất của 83 dây chuyền, khoảng 70% năng lực thực tế. Có thể nói, năm 2023 là “năm đáy” của ngành Xi măng Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượng tiêu thụ xi măng chỉ đạt 99% so với năm trước. Mặc dù tháng 10/2024 có phần cải thiện, nhưng tổng thể năm 2023 và 2024 đều là hai năm rất khó khăn trong việc tiêu thụ xi măng tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu khiến ngành Xi măng gặp khó khăn không phải do vấn đề kỹ thuật hay công nghệ sản xuất, bởi ngành Xi măng Việt Nam có trình độ công nghệ khá cao và năng lực sản xuất rất tốt, đứng đầu trong khu vực ASEAN và cả châu Á.

“Vấn đề lớn nhất chính là thị trường tiêu thụ. Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước đã giảm mạnh. Trong các yếu tố tác động tiêu cực đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xi măng thì vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa cũng là một yếu tố gây khó khăn cho Ngành. Hiện nay, có rất nhiều nhà sản xuất không đủ điều kiện về trang thiết bị và nhân lực nhưng vẫn đưa ra các sản phẩm xi măng không đạt chuẩn, nhất là ở khu vực phía Nam. Điều này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xi măng uy tín, ảnh hưởng xấu đến Ngành”, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ.

Tương tự, ngành Kính xây dựng cũng gặp rất nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm kính nhập khẩu không rõ nguồn gốc và không đạt chất lượng.

Thông tư số 10/2024/TT-BXD: Tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Ngành Kính cũng gặp khó khăn vì sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.

Ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cho biết, do Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm VLXD nên các sản phẩm kính xây dựng và kính gia công nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc xuất khẩu sang các nước ASEAN) tràn vào Việt Nam mà không có sự kiểm soát chất lượng.

Điều này dẫn đến tình trạng tồn kho cao, giảm công suất sản xuất. Thậm chí có những doanh nghiệp không thể chịu được áp lực và phải giảm sản lượng hoặc bán hàng dưới giá thành.

Trong khi đó, mặc dù sản lượng tồn kho dư thừa cao, sản phẩm chất lượng tốt nhưng các nhà máy sản xuất kính tại Việt Nam lại rất khó xuất khẩu kính ngược sang nước bạn do vướng hàng rào kỹ thuật với các thủ tục phức tạp, tốn kém tốn nhiều thời gian, chi phí để thực hiện…

Một số nhà máy còn phải dừng sản xuất, chỉ duy trì công suất rất thấp, khoảng 60% - 70%. Mặc dù đã giảm công suất, nhưng các nhà máy vẫn không thể tiêu thụ hết sản phẩm, gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong Ngành.

Sự cạnh tranh không lành mạnh cũng đang diễn ra trên thị trường vật liệu xây không nung. Ông Phùng Văn Thắng, Phụ trách Phòng Phát triển thị trường, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết, Công ty đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển công nghệ hiện đại, phát triển đội ngũ nghiên cứu và sáng tạo để cho ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và các chủ đầu tư.

Thông tư số 10/2024/TT-BXD: Tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Sản phẩm tấm tường của Xuân Mai đã bị một số đơn vị sao chép nhưng chất lượng không ổn định.

Sản phẩm tấm tường của Xuân Mai ra đời từ năm 2015 với dây chuyền được nhập khẩu đồng bộ từ Phần Lan. Chất lượng tấm tường có độ chính xác cao, có độ phẳng có thể sơn bả trực tiếp mà không phải trát, được hợp chuẩn hợp quy theo đúng quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, khi một số đơn vị khác sử dụng dây chuyền sản xuất không đạt chuẩn, họ có thể giảm giá thành sản phẩm. Mặc dù sản phẩm của họ có vẻ giống với sản phẩm của chúng tôi, nhưng chất lượng lại không ổn định và thấp hơn hẳn. Thậm chí, trong giai đoạn đầu, một số đơn vị còn sao chép thương hiệu hoặc kiểu dáng gần giống sản phẩm của chúng tôi, gây rối loạn thị trường và làm mất lòng tin của các chủ đầu tư.

Chúng tôi phải mất thời gian để lấy lại lòng tin của các chủ đầu tư, cũng như phối hợp với đơn vị cung cấp công nghệ để yêu cầu các đơn vị cung cấp sản phẩm tương tự không được sử dụng thương hiệu tấm tường”, ông Phùng Văn Thắng chia sẻ thêm.

Thông tư số 10 sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp

Để tăng cường kiểm soát chất lượng VLXD, giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị sản xuất uy tín và phát triển ngành VLXD bền vững, các doanh nghiệp sản xuất VLXD đã đưa ra nhiều kiến nghị như thường xuyên cập nhật danh mục sản phẩm, hàng hóa VLXD; ban hành chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại, giảm phát thải carbon; kiểm soát chặt việc nhập khẩu VLXD; xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa là VLXD; tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hoá VLXD có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…

Trong bối cảnh này, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10 đã mang đến rất nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD tại Việt Nam. Ông Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam đánh giá, Thông tư số 10 đã quy định rõ về việc quản lý chất lượng từ khâu sản xuất, lưu thông cho đến việc đưa vật liệu vào công trình xây dựng và xuất, nhập khẩu. Vì vậy, kỳ vọng Thông tư 10 sẽ giúp thị trường xi măng trong nước minh bạch hơn, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà sản xuất thiếu chuyên nghiệp.

Thông tư số 10/2024/TT-BXD: Tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Thông tư số 10 được kỳ vọng sẽ tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam Nguyễn đánh giá việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10 là một hành động rất kịp thời và cần thiết.

Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam nhận định: “Thông tư này sẽ giúp tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất kính chất lượng, giúp phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm chất lượng và sản phẩm kém chất lượng, từ đó đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong Ngành. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành Kính nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng khỏi những sản phẩm không an toàn”.

“Tôi hy vọng rằng việc áp dụng Thông tư số 10 sẽ là bước tiến quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy ngành Kính phát triển bền vững và nâng cao chất lượng công trình xây dựng, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế”, ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Phùng Văn Thắng, Phụ trách Phòng Phát triển thị trường, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, một khung quản lý rõ ràng và nghiêm ngặt sẽ tạo ra sân chơi công bằng, giúp các doanh nghiệp có năng lực sản xuất thực sự khẳng định vị thế, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm.

Thông tư số 10/2024/TT-BXD: Tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Thông tư số 10 đi vào thực tế sẽ yêu cầu các doanh nghiệp VLXD phải chú trọng đầu tư để cung cấp các sản phẩm chất lượng cao.

Thông tư số 10 có hiệu lực sẽ giúp phân biệt rõ ràng giữa các sản phẩm VLXD chất lượng và những sản phẩm kém chất lượng, từ đó giúp các chủ đầu tư dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp cho các công trình.

Ông Phùng Văn Thắng, Phụ trách Phòng Phát triển thị trường, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai Phùng Văn Thắng chia sẻ: “Với vai trò của chúng tôi, vừa là doanh nghiệp sản xuất, vừa là chủ đầu tư, việc lựa chọn sản phẩm tốt sẽ đảm bảo an toàn cho các công trình, giảm thiểu rủi ro trong quá trình bảo hành, bảo trì và gia tăng tuổi thọ của công trình sau này”.

“Thông tư số 10 không chỉ là cơ hội để nâng cao chất lượng ngành Xây dựng mà còn giúp khẳng định vị thế của các doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm VLXD chất lượng cao”, ông Phùng Văn Thắng khẳng định.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
  • Vụ mỏ cát 370 tỷ: Hủy kết quả đấu giá, phạt Công ty MT Quảng Đà 17 triệu đồng

    (Xây dựng) – UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vừa đưa ra quyết định hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B tại xã Điện Thọ được tổ chức vào ngày 19/10/2024. Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (Công ty MT Quảng Đà) cũng bị xử phạt 17 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá này.

  • Quảng Nam: Đề xuất đấu giá 7 điểm mỏ khoáng sản ở huyện Đại Lộc

    (Xây dựng) – Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết đề xuất danh mục đầu tư các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc.

  • Chống lãng phí tài nguyên khoáng sản: Tạo hành lang pháp lý toàn diện

    Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đã kế thừa nhiều nội dung của Luật Khoáng sản; đồng thời bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn, đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội.

  • Nâng cao chất lượng công trình, cần xây dựng hệ sinh thái giải pháp toàn diện

    (Xây dựng) - Nâng cao chất lượng vật liệu xây dựng (VLXD) không chỉ dừng lại ở việc cải tiến sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết sâu sắc của chuyên gia về kỹ thuật, địa chất, công nghệ, cùng chuỗi cung ứng hiệu quả để gia tăng tính bền vững cho công trình.

  • Quảng Nam: Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất đưa khu vực vàng gốc Hố Ráy vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản

    (Xây dựng) – Trên cơ sở ý kiến các Sở, ngành và UBND huyện Phú Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh đưa khu vực Hố Ráy, mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc tổ chức lựa chọn các đơn vị có năng lực khai thác và chế biến để nhiều nhà đầu tư được tiếp cận theo nguyên tắc cạnh tranh và góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

  • Doanh nhân 29 tuổi trúng đấu giá 2 mỏ cát trăm tỷ đồng ở Quảng Ngãi

    (Xây dựng) – Một doanh nghiệp do nam doanh nhân sinh năm 1995, đến từ tỉnh Phú Thọ điều hành đã tham gia đấu giá và trúng 2 mỏ cát lớn ở Quảng Ngãi, với tổng diện tích 36,61ha, trữ lượng tài nguyên dự báo gần 757.00m3. Tổng số tiền trúng đấu giá tạm tính của hai mỏ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load