(Xây dựng) – Thông tư số 10/2024/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 1/11/2024, có hiệu lực từ ngày 16/12/2024 là văn bản pháp lý quan trọng, giúp tăng cường công tác quản lý vật liệu xây dựng (VLXD), ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình xây dựng.
Sản phẩm, hàng hóa VLXD phải được quản lý chặt chẽ. |
Sàng lọc, phân biệt rõ sản phẩm có chất lượng tốt và chưa tốt trên thị trường
Mục tiêu xây dựng Thông tư số 10/2024/TT-BXD nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa VLXD trong các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng. Từ đó, sàng lọc và phân biệt rõ các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng tốt và các loại chất lượng chưa tốt để quản lý chính xác, hiệu quả hơn từng nhóm đối tượng.
Khuyến khích nâng cao sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng tốt và xử lý vi phạm (nếu có) kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…
Về cơ sở pháp lý, Thông tư số 10/2024/TT-BXD được xây dựng trên cơ sở Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định số 52/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý VLXD.
Về cơ sở thực tiễn, trong những năm gần đây, ngành VLXD nước ta còn gặp khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái các sản phẩm, hàng hoá VLXD gia tăng, gây ra nguy cơ làm suy giảm chất lượng công trình xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và tác động đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa VLXD chất lượng tốt sản xuất trong nước.
Hiện nay, các nước nhập khẩu VLXD Việt Nam đang áp dụng biện pháp quản lý chất lượng hàng nhập khẩu thông qua đánh giá, giám sát trước và trong khi lưu thông sản phẩm hàng hóa. Đối với đánh giá trước khi lưu thông sẽ áp dụng tại nơi sản xuất và nơi làm thủ tục nhập khẩu. Việc đánh giá tại nơi sản xuất bao gồm đánh giá quá trình sản xuất dựa trên hệ thống kiểm soát chất lượng và các yêu cầu khác như trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn hạ tầng của cơ sở sản xuất; yêu cầu giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất.
Quy định rõ về sản phẩm, quản lý sản phẩm, hợp chuẩn, hợp quy
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các cơ quan quản lý Nhà nước về VLXD; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa VLXD; các tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm, tổ chức kiểm định và tổ chức giám định) và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD.
Thông tư quy định rõ sản phẩm, hàng hóa VLXD và phân loại cụ thể theo từng nhóm. Sản phẩm hàng hóa VLXD có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hoá VLXD trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường (sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng.
Sản phẩm, hàng hóa VLXD không có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hóa VLXD trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường (sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 1).
Hàng hóa VLXD cần phải được ghi nhãn đầy đủ. Trường hợp nội dung ghi nhãn hàng hoá VLXD được quy định riêng tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật, các hàng hóa VLXD phải được thực hiện việc ghi nhãn đầy đủ theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng.
Thông tư quy định rõ việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD trong sản xuất. |
Về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD, Thông tư quy định về quản lý trong từng lĩnh vực. Trong sản xuất, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phải đảm bảo đầy đủ năng lực trang thiết bị, nhân lực kỹ thuật và chất lượng, nguồn nguyên liệu theo các quy định pháp luật. Công tác quản lý tuân thủ quy định tại Mục 2 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 1 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và khoản 2 Điều 10 Chương III Nghị định số 09/2021/NĐ-CP.
Trong xuất khẩu, cần thực hiện theo Mục 3 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 3 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và các quy định của nước nhập khẩu.
Còn về xuất khẩu, tuân thủ Mục 4 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 2 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 10 Chương III Nghị định số 09/2021/NĐ-CP.
Hàng hóa VLXD nhóm 2 cần phải được đăng ký kiểm tra Nhà nước tại Sở Xây dựng một trong các địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (hoặc nơi đặt văn phòng đại diện, chi nhánh, nhà máy sản xuất); nơi có cửa khẩu được doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa; nơi doanh nghiệp làm thủ tục hải quan đối với lô hàng hóa. Khi đăng ký cần phải xác định tên tổ chức chứng nhận hợp quy, tên tổ chức thử nghiệm thực hiện việc thử nghiệm, đánh giá chứng nhận chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo bản đăng ký và các tài liệu có liên quan.
Ngoài ra, cần lưu ý đối với hàng hóa VLXD nhập khẩu áp dụng kiểm tra Nhà nước về chất lượng trước khi thông quan và sau khi thông quan; trường hợp hàng hóa VLXD đã được Tổ chức chứng nhận đánh giá tại nước xuất khẩu; trường hợp người nhập khẩu thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa VLXD trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thông tư cũng nêu rõ việc quản lý chất lượng hàng hóa VLXD lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng…
Bên cạnh đó, Thông tư số 10/2024/TT-BXD quản lý hoạt động hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, hàng hóa VLXD. Tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, hàng hoá VLXD phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của mình.
Về công bố hợp quy, việc công bố dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật; kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được Bộ Xây dựng chỉ định. Trong trường hợp sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận hợp quy và tổ chức thử nghiệm nước ngoài, các tổ chức này phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chỉ định.
Các sản phẩm, hàng hóa VLXD sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy tại Cơ quan kiểm tra nơi đăng ký kinh doanh dựa trên Kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức được thừa nhận, được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Việc đánh giá hợp quy các sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2 được thực hiện theo một trong ba phương thức: Phương thức 1, Phương thức 5, Phương thức 7 (quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN)…
Trong công tác tổ chức thực hiện, Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Xây dựng; trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD.
Tại điều khoản chuyển tiếp, đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa VLXD đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật QCVN16:2023/BXD và Giấy chứng nhận còn hiệu lực thì được phép sử dụng Giấy chứng nhận hợp quy và dấu hợp quy cho đến khi hết hiệu lực của Giấy chứng nhận đó.
Với các lô hàng hóa VLXD đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu tại các nước xuất khẩu (để nhập khẩu vào Việt Nam) trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được áp dụng theo các quy định trước đây.
Sẽ có tác động mạnh mẽ tới thị trường VLXD
Theo đánh giá, Thông tư số 10/2024/TT-BXD được triển khai, áp dụng trong thực tiễn, chính thức có hiệu lực ngày 16/12/2024 sẽ giúp cụ thể hoá, minh bạch trong việc phân biệt các sản phẩm, hàng hoá VLXD. Trên cơ sở đó, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hoá VLXD để đảm bảo chất lượng, thực hiện đầy đủ theo các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và liên thông với pháp luật về hải quan (áp mã hàng hóa, áp mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu). Đây cũng sẽ là văn bản pháp luật có tác động mạnh mẽ đến thị trường VLXD trong nước và nhập khẩu và các doanh nghiệp có liên quan.
Thông tư góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái các sản phẩm, hàng hoá VLXD gia tăng, gây ra nguy cơ làm suy giảm chất lượng công trình xây dựng. |
Theo ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Thông tư số 10/2024/TT-BXD sẽ giải quyết những vấn đề mấu chốt, tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng từ Trung ương đến các địa phương, đảm bảo rằng các sản phẩm chất lượng tốt được tiêu thụ đúng quy định pháp luật, còn những sản phẩm chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái sẽ bị phân loại và xử lý vi phạm. Thông tư là cơ sở để thúc đẩy năng lực sản xuất và thương hiệu quốc gia của các sản phẩm VLXD trên toàn quốc và ra thế giới.
Còn theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, các quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá VLXD sẽ giúp các doanh nghiệp bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh về chất lượng sản phẩm, hàng hoá VLXD. Các doanh nghiệp có năng lực, hệ thống quản lý chất lượng tốt sẽ có ưu thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp có năng lực, hệ thống quản lý chất lượng chưa tốt sẽ có mục tiêu để cố gắng hoàn thiện hơn nếu muốn tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn. Còn các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm VLXD không đạt chất lượng hoặc cố tình đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định sẽ chịu xử lý theo pháp luật.
“Thông tư 10/2024/TT-XD cũng giúp cho kiểm soát hàng hoá VLXD nhập khẩu chặt chẽ hơn, truy xuất được nguồn gốc, nhà máy nơi sản xuất VLXD nhập vào nước ta, từ đó giúp giảm thiểu hàng hoá VLXD chất lượng kém, bán phá giá thị trường, làm suy yếu tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá VLXD sản xuất trong nước.
Các quốc gia khác trên thế giới đã làm từ lâu và làm kỹ về kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hoá VLXD nhập vào nước họ. Do đó, chúng ta cũng cần tăng cường công tác này để đảm bảo chất lượng VLXD cũng như chất lượng công trình xây dựng của Việt Nam ngày càng bền vững hơn”, ông Tống Văn Nga nói.
Yến Mai
Theo