Thu rác qua đường ống.
Trước đây, các chung cư thường dành một khoảng không gian ở vị trí đầu hành lang hoặc nhà chứa tại các tầng lầu để tập trung rác, chờ nhân viên vệ sinh thu gom. Hình thức này gây mất vệ sinh cho cộng đồng do “tạp pí lù” các loại rác chưa được phân loại và gói ghém kỹ nên tạo mùi hôi. Bên cạnh đó, kiểu thu gom rác này vừa tốn công cho nhân viên vệ sinh khi chuyển rác bằng cầu thang bộ, hoặc nếu chuyển bằng cầu thang máy thì sẽ gây ô nhiễm cho những người sử dụng thang máy. Giải quyết vấn đề này, các chung cư mới đã thiết kế ống gom rác như một giếng trời. Tại mỗi lầu đều có một cửa để quăng rác vào. Rác sẽ được chứa dưới hầm hoặc tầng trệt. Nhân viên vệ sinh chỉ cần đến hầm chứa rác thu gom, vừa đỡ tốn công vừa giảm được mùi hôi. Tuy nhiên, tuổi thọ của ống rác loại này không cao, chỉ sử dụng được một thời gian là đã bị bốc mùi do nước từ những bịch rác chứa thức ăn thừa vương vãi trong quá trình rơi bám vào thành ống rác, ngấm vào lớp xi măng ống rác tạo mùi hôi và gây hư hại cho thành ống rác. Vì vậy, ngày nay các Cty đang có khuynh hướng sử dụng hệ thống ống gom rác với các chất liệu như cellulose, composite và ống nhựa PVC. Điểm đặc biệt của hệ thống ống rác công nghệ mới là khử được mùi hôi, không gian lắp đặt nhỏ, thẩm mỹ và tuổi thọ cao (khoảng 30 năm)... Hiện nay một số công trình tại TP.HCM đã sử dụng hệ thống gom rác này như The Landcaster, Botanic Tower, lô M và B chung cư Bàu Cát II….
Với hệ thống trên, tại mỗi tầng của chung cư đều có phòng đổ rác. Phần lớn người sử dụng cho rằng mùi hôi là điều không thể tránh khỏi dù là hệ thống nào đi nữa. Tuy nhiên mùi hôi nhiều hay ít còn phụ thuộc vào ý thức của người sử dụng. Chẳng hạn, người đổ rác không bao kỹ rác bằng bao nhựa hoặc bao nhựa bị thủng dẫn đến tình trạng nước bẩn chảy lai láng trong các phòng đổ rác tầng hay đã đem rác đến tận cửa ống xả rác nhưng quăng xuống dưới nền phòng đổ rác mà không cho vào cửa xả rác… thì không có hệ thống nào có thể khử được mùi hôi. Theo lý giải của một số người, sở dĩ họ quăng rác xuống nền vì sợ chạm tay vào mở cửa xả. Theo chị Lan, một cư dân ở chung cư Bàu Cát II, hầu hết người dân khi đem rác đến cửa ống xả, tay của họ đều rất bẩn nhưng vẫn vô tư nắm vào tay cửa xả. vì vậy cửa xả là nơi có nhiều vi trùng nhất.
Anh Nguyễn Hoàng Vũ - kỹ sư điện của Cty RESCO, người thiết kế hệ thống điện cho các hệ thống rác chung cư cho biết, RESCO đang đề nghị nhà cung cấp nghiên cứu tìm hướng giải quyết vấn đề trên. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nghiên cứu cải tiến, thay đổi thiết kế từ mở bằng tay chuyển sang mở bằng chân, điều này sẽ giúp người sử dụng dễ dàng hơn trong sử dụng, xóa bỏ tâm lý ngại chạm tay vào cửa ống xả” - anh Vũ nói.
Nguyễn Dũng (BXD số 69/2008)
Theo baoxaydung.com.vn