(Xây dựng) - Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 20/01/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt mục tiêu này, phát triển hạ tầng giao thông mang tính kết nối nội vùng và liên vùng đóng vai trò đặt biệt quan trọng.
Khai thác có tiềm năng kinh tế biển để phát triển ngành logistics. |
Đầu tư loạt công trình giao thông
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km là một trong 4 dự án cao tốc đã và đang hình thành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Hiện một phần dự án này, cụ thể là đoạn đường cao tốc do Tập đoàn Sơn Hải thi công đã gần như hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Dự án đưa vào sử dụng góp phần từng bước hiện đại hoá cho giao thông Khánh Hoà, tạo tiền đề thuận tiện cho kinh tế phát triển.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Quốc hội đồng ý tuyến đường kết nối vùng khớp nối với Ninh Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng nghiên cứu đề xuất đầu tư theo hình thức công - tư dự án đường cao tốc Liên Khương - Nha Trang. Như vậy, 5 - 7 năm nữa, Khánh Hòa sẽ hoàn chỉnh các tuyến đường bộ.
Trước đây, câu chuyện ưu tiên đầu tư giao thông để tạo đột phá cho các địa phương đã được nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà quan tâm, chú trọng. Các tuyến đường ven biển như đại lộ Nguyễn Tất Thành nối sân bay Cam Ranh với TP Nha Trang; QL27C nối Khánh Hòa - Lâm Đồng... đã được đầu tư, từng bước làm thay đổi đời sống Nhân dân nhiều vùng hẻo lánh, xa xôi.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu sẽ đưa vào khai thác 145 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Nha Trang - Liên Khương dài sẽ được triển khai và vận hành. Cùng với nâng cấp, duy tu, bảo trì 5 tuyến quốc lộ hiện hữu, đường bộ ven biển có điểm đầu tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, điểm cuối tại xã Cam Lập, TP Cam Ranh dài 154 km cũng được đầu tư. Việc khớp nối các tuyến giao thông trong tương lai sẽ là động lực quan trọng để Khánh Hòa bứt phá.
Tạo tiền đề phát triển kinh tế
Các dự án nêu trên sau khi hoàn thành sẽ phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế biển; giải quyết tốt tổ chức giao thông đô thị tại TP Nha Trang; khai thác có tiềm năng kinh tế biển để phát triển ngành logistics, các ngành công nghiệp biển có thế mạnh.
Để góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, ngành GTVT sẽ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tập trung kêu gọi, thu hút nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, từ các nguồn xã hội hóa, tài trợ, hỗ trợ đầu tư phát triển để hoàn thiện và phát triển hơn nữa kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Khánh Hòa theo các quy hoạch và định hướng đã xác định.
Trong đó, UBND tỉnh thực hiện các dự án như: Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với QL27C và thống nhất kết nối đường tỉnh 707, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận với huyện Khánh Sơn; đường Vành đai 3; tuyến đường ven biển Nguyễn Huệ, tuyến từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa và đầu tư đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Đây là các dự án đã được xác định trong Nghị quyết số 09 và các chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy để triển khai thực hiện Nghị quyết. Tuyến đường ven biển hình thành làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra biển Đông, có vai trò là trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ và các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.
Trong các giai đoạn tiếp theo, dựa trên định hướng của quy hoạch giao thông vận tải tỉnh, tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đoạn kết nối sân bay Cam Ranh với cầu Long Hồ đã được đầu tư, dự kiến sẽ triển khai nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác trước năm 2025.
Về quy hoạch trong thời gian tới, mạng lưới đường bộ ven biển theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 đang chuẩn bị phê duyệt còn bổ sung thêm đoạn tuyến mới gồm cầu kết nối Khu đô thị An Viên qua núi Hòn Rớ để kết nối vào đường Nguyễn Tất Thành, góp phần hoàn thiện tuyến đường liên thông ven biển. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hoà sẽ hoàn thiện các quy hoạch về đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa.
Khi mạng lưới giao thông ở Khánh Hoà hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, có khả năng liên kết thuận lợi các phương thức vận tải, đảm bảo thông suốt từ Trung ương tới địa phương, tăng cường kết nối với các địa phương lân cận, các trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết số 09.
Công Hưng
Theo