Thứ năm 02/05/2024 17:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quy định về giao tài sản cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước

10:05 | 12/02/2023

(Xây dựng) - Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đang tạm giao cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước được thực hiện theo các hình thức quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP của Chính phủ; không áp dụng hình thức giao có hoàn trả giá trị tài sản cho Nhà nước.

Quy định về giao tài sản cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước
Ảnh minh họa.

Ông Đỗ Văn Tiến đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn vấn đề liên quan đến công tác quản lý tài sản công và tài chính doanh nghiệp như sau:

Công ty cổ phần nước sạch có vốn điều lệ là 375.493.910.000 đồng, trong đó phần vốn góp của Nhà nước là 184.202.790.000 đồng (chiếm 49,06%). Công ty được cổ phần hóa năm 2018 theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp kèm theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Thực hiện Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ, địa phương dự kiến giao công trình đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt thành phố theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được quyết toán với giá trị là 421.373.642.794 đồng.

Hiện nay, công trình nhà máy nước mặt thành phố đang được tạm giao cho công ty cổ phần nước sạch quản lý, vận hành. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ, công trình nhà máy nước mặt thành phố là công trình nước sạch đô thị, có thể giao cho "Doanh nghiệp có vốn Nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch".

Đồng thời, theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, sau khi tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, "Doanh nghiệp có vốn Nhà nước được giao tài sản có trách nhiệm báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện thủ tục ghi tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…".

Trường hợp nếu giao nhà máy nước mặt thành phố cho công ty cổ phần nước sạch thì tổng vốn điều lệ của công ty là 796.867.552.794 đồng, trong đó phần vốn góp của Nhà nước là 605.576.432.794 đồng (chiếm 75,99%).

Theo Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 thì "Đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành chuyển đổi sở hữu, thoái vốn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ thì không thực hiện tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp với Tiêu chí phân loại kèm theo Quyết định này, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc pháp luật chuyên ngành quy định".

Ông Tiến hỏi, địa phương giao nhà máy nước mặt thành phố cho công ty cổ phần nước sạch là doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo hình thức ghi tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có mâu thuẫn với tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay không?

Trường hợp mâu thuẫn thì địa phương giao nhà máy nước mặt thành phố cho công ty cổ phần nước sạch là doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo hình thức có hoàn trả giá trị tài sản cho Nhà nước có được hay không?

Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Ngày 24/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2022/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/8/2022) quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; theo đó:

Tại Khoản 2, 4, 5 Điều 26 của Nghị định quy định việc lập phương án giao, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đang tạm giao cho đối tượng quản lý như sau:

"Điều 26. Xử lý tồn tại

… 2. Lập phương án giao, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

… b) Trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại tài sản theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện việc lập phương án giao quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo quy định tại Khoản 5 Điều này.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này với hồ sơ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5, Điểm c Khoản 2 Điều 5 được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này với hồ sơ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.

… 4. Thực hiện rà soát, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị:

… b) Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đã giao cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

…c) Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đang tạm giao cho đối tượng quản lý.

…5. Trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch lập phương án giao quản lý, khai thác tài sản theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 và 8 Nghị định này đối với:

… b) Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 4 Điều này, trừ trường hợp áp dụng hình thức giao có hoàn trả giá trị tài sản cho Nhà nước quy định tại Khoản 10 Điều này".

Theo quy định tại Khoản 10 Điều 26 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì hình thức giao có hoàn trả giá trị tài sản cho Nhà nước áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đã giao cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP thì:

"Điều 5. Đối tượng và hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch

… 2. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị gồm:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cấp nước sạch.

b) Doanh nghiệp có vốn Nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về sản xuất, kinh doanh nước sạch.

c) Cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.

3. Hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch

a) Giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo hình thức ghi tăng tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại …, Điểm a Khoản 2 Điều này (sau đây gọi là đơn vị)...

b) Giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo hình thức ghi tăng vốn Nhà nước cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước quy định tại …, Điểm b Khoản 2 Điều này để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

c) Giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch để lập phương án khai thác theo các phương thức sau:

Bán tài sản theo hình thức đấu giá cho các tổ chức để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản vào mục đích sản xuất, kinh doanh nước sạch trong trường hợp không thực hiện được việc giao tài sản cho các đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này;…".

Tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn Nhà nước, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.

Tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) quy định:

"5. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

2. Doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều này hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau đây:

a) Quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay.

b) Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

c) Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không.

d) Khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng.

đ) Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.

e) Đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

g) Trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh".

Tại Mục 1 Phần III Phụ lục tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 quy định:

"III. Những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau:

1. Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn".

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định: "2. Đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành chuyển đổi sở hữu, thoái vốn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì không thực hiện tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp với Tiêu chí phân loại kèm theo Quyết định này, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc pháp luật chuyên ngành quy định khác".

Căn cứ các quy định nêu trên và nội dung câu hỏi của ông Đỗ Văn Tiến, việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đang tạm giao cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước được thực hiện theo các hình thức quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5; các Điều 6, 7 và 8 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP của Chính phủ; không áp dụng hình thức giao có hoàn trả giá trị tài sản cho Nhà nước.

Trường hợp thực hiện hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị đang tạm giao cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo hình thức ghi tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; trong đó liên quan đến tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch của tỉnh cần báo cáo UBND tỉnh để có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021) để được hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo đó, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch đô thị bảo đảm hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ngoài ra, việc quyết toán vốn đầu tư của công trình nhà máy nước mặt thành phố được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load