Thứ bảy 27/04/2024 09:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng kinh tế trong đại dịch

16:06 | 08/05/2021

Truyền thông quốc tế những ngày qua đánh giá, câu chuyện về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là một trong những tin tích cực trong đại dịch COVID-19.

quoc te danh gia viet nam la diem sang kinh te trong dai dich
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho một phụ nữ điền vào tờ khai y tế bên ngoài bệnh viện ở Hà Nội hôm 5.5. Ảnh: AFP

Tin tích cực trong đại dịch

Nói về quản lý tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cây viết S.D.Pradhan của Times Of India nhấn mạnh, "rất hiếm khi nhận được một số tin tức tích cực về sự tăng trưởng kinh tế ở bất kỳ đâu trên thế giới trong thời kỳ đại dịch. May mắn thay, câu chuyện về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là một trong những tin tích cực như vậy".

Theo đó, năm 2020, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng dương. Bất chấp tác động thảm khốc của đại dịch, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 3%, không chỉ cao hơn Trung Quốc mà còn cao nhất Châu Á. "Thành tích này là một kỳ tích thực sự", theo cây viết của Times of India.

Bất chấp tác động của đại dịch, về giá trị GDP, Việt Nam đạt trên 343 tỉ USD, vượt Singapore (337,5 tỉ USD) và Malaysia (336,3 tỉ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia là 1.090 tỉ USD, Thái Lan 509,2 tỉ USD và Philippines 367,4 tỉ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2020 đạt 19,06 tỉ USD, với giá tiêu dùng bình quân tăng 3,23% và khu vực chế biến, chế tạo tăng 3,98%. "Quả thực là một thành tựu đáng chú ý" - ông S.D.Pradhan nêu trong bài viết ngày 2.5.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,5% trong năm 2021. IMF cũng dự đoán năm nay thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ giảm so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến ​​tăng hơn 3.750 USD trong vài năm tới.

Theo cây viết người Ấn Độ, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trong lĩnh vực kinh tế do đại dịch gây ra. Việt Nam cũng đang tiếp tục các chính sách ngăn chặn đại dịch và các vấn đề liên quan đến y tế tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước. Vấn đề hồi sinh các ngành công nghiệp vừa và nhỏ lên mức trước đại dịch vẫn là một thách thức quan trọng.

Ông cho rằng, về đại dịch COVID-19, cho tới nay, giới chức Việt Nam đã kiểm soát được mức độ lây lan của dịch bệnh một cách đáng khen ngợi. Dù vậy, Việt Nam cũng cần thận trọng hơn khi dịch bệnh lây lan mạnh ở các quốc gia trong khu vực. Trong đó, lãnh đạo Việt Nam cần rà soát và điều chỉnh hiệu quả các khoản chi để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ngăn chặn đợt lây nhiễm mới

Hôm 29.4, thông tin về việc Việt Nam phát hiện ca COVID-19 cộng đồng đầu tiên sau 35 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, Reuters nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, với các biện pháp kiểm dịch và theo dõi nghiêm ngặt, Việt Nam đã ngăn chặn thành công 3 đợt bùng phát virus và đang tăng cường các biện pháp để ngăn chặn đợt lây nhiễm thứ 4. Đợt lây nhiễm mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các nước khác trong khu vực như: Lào, Campuchia, Thái Lan... có số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.

Hãng tin của Anh cũng lưu ý, Việt Nam - quốc gia gần 98 triệu dân chỉ ghi nhận 2.910 ca mắc COVID-19 và 35 ca tử vong tính đến 29.4, là "một trong những dữ liệu tốt nhất ở Châu Á" và điều này là "nhờ phản ứng nhanh chóng với các đợt bùng phát".

Thông tin về việc Việt Nam tăng thời gian cách ly với du khách nhập cảnh lên 21 ngày trong bối cảnh có đợt lây nhiễm cộng đồng mới, AFP ngày 5.5 nhận định, Việt Nam đang giữ được số ca COVID-19 "ở mức thấp", hơn 3.000 ca mắc và 35 ca tử vong, "nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và truy vết tiếp xúc rộng rãi". Theo hãng tin Pháp, Việt Nam đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở các nước Đông Nam Á.

Thông tin về COVID-19 ở Việt Nam, cây viết Sebastian Strangio của The Diplomat chỉ ra, hầu hết năm 2020 khi COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam là một trong số các quốc gia thành công nhất thế giới về ngăn chặn sự lây lan virus. Cũng cho rằng dữ liệu số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở Việt Nam tới hiện tại là "một trong những dữ liệu tốt nhất ở Châu Á", The Diplomat nhấn mạnh, kết quả này là nhờ phản ứng nhanh chóng với một loạt các đợt bùng phát. "Do đó, đây là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương trong suốt năm đại dịch" - bài viết nêu rõ.

Khi xuất hiện ca COVID-19 cộng đồng đầu tiên hôm 29.4, để ứng phó với tình hình mới, Việt Nam đã siết chặt kiểm soát và triển khai các chiến dịch xét nghiệm tại một số khu vực. The Diplomat cho rằng, đợt bùng phát của Việt Nam "vẫn còn khiêm tốn so với hầu hết khu vực", chưa nói đến Ấn Độ hoặc Brazil. Phân tích tác động của đợt bùng phát mới nhất với các kế hoạch mở cửa trở lại với du khách quốc tế của Việt Nam, cây viết Sebastian Strangio tin tưởng, Việt Nam sẽ đối phó với đợt bùng phát mới nhất bằng những biện pháp như đã triển khai thành công trước đây.

Theo THANH HÀ/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load