Chủ nhật 16/06/2024 14:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

11:31 | 23/05/2024

(Xây dựng) - Tiếp tục phiên thảo luận về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ ngày 22/5, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những góp ý liên quan đến một số nội dung về phạm vi điều chỉnh; việc cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông tham gia đường bộ trong máu có nồng độ cồn; đấu giá biển số xe ôtô...

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. (ảnh: Quốc hội).

Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 8 điều do bổ sung 5 điều mới, gộp 4 điều thành 2 điều, tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác.

Thảo luận tại phiên họp, về cơ bản, các đại biểu Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đồng thời đánh giá khi Luật được thông qua sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa, văn minh giao thông, đồng thời giúp cho lực lượng Công an nhân dân thực hiện tốt hơn nữa vai trò bảo đảm trật tự trị an, góp phần giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu góp ý một số nội dung: Cân nhắc quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục về quy định nồng độ cồn khi lái xe; cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm sự thống nhất, đúng phạm vi điều chỉnh của Luật; tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong giao thông đường bộ.

Cụ thể, về những quy định chung (Chương I), các đại biểu Quốc hội đã góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông đường bộ và các hành vi bị nghiêm cấm...

Về phạm vi điều chỉnh, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo và nếu quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác.

Trong đó có ý kiến đề nghị chuyển một số chương, điều trong dự thảo Luật này sang dự thảo Luật Đường bộ và ngược lại. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh lý tại các điều có liên quan trong dự thảo Luật; đồng thời điều chỉnh nội dung giữa hai dự thảo Luật theo nguyên tắc: Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

Còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có nồng độ cồn. (ảnh minh họa).

Liên quan đến cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật; một số đại biểu Quốc hội đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Với nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Ngoài ra, liên quan đến đấu giá biển số xe (Điều 38), một số đại biểu cho rằng, đấu giá biển số xe trong dự thảo luật nên quy định mở, vì Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ôtô đến nay thời gian thí điểm chưa được 1 năm và tại Khoản 4 của Nghị quyết quy định: Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ôtô tại kỳ họp đầu năm 2026. Như vậy, sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết mới hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe.

Đồng thời, sau khi kết thúc việc thí điểm đấu giá biển số xe cần phân tích, đánh giá, tổng kết việc thực hiện một cách toàn diện trước khi quy định cụ thể trong Luật. Trường hợp vẫn giữ đấu giá biển số xe như dự thảo Luật thì cần sửa đổi Điều 38 theo hướng chỉ giữ lại Khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật và các nội dung còn lại như việc xác định giá khởi điểm, tiền đặt trước, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, số tiền thu được… nên dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về Luật Đấu giá tài sản và Luật Ngân sách Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Đan Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load