(Xây dựng) – Đây là một trong những vấn đề được đề cập tại phiên Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 21/5.
Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, sáng 21/5. |
Cần huy động tối đa nguồn lực xã hội trong đầu tư kết cấu hạ tầng
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Theo đó, dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 Điều, giảm 06 Điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 03 Điều…
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đường bộ trong thời gian qua là một bước mới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để khơi thông nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Theo đại biểu, ngoài các chính sách để ưu tiên tập trung cho việc phát triển các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thân thiện với môi trường; xây dựng cơ chế để đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, các hình thức, phương thức đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng thì việc cho phép không tính giá trị tài sản công là kết cấu hạ tầng đường bộ là một hướng đi hết sức đúng đắn.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế khi triển khai các dự án đối tác công tư (PPP). Mặc dù quy định này có khả năng làm tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư dự án và khác với quy định của Luật PPP.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng cho rằng, dự thảo Luật đã giải quyết được một trong những nút thắt cơ bản khi triển khai các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có kết cấu hạ tầng đường bộ theo phương thức đối tác công tư.
Theo đại biểu, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước khó khăn cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư một số tuyến đường chưa đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch, cần có phân kỳ đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo...
Khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với việc thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch 2 bên đường
Quan tâm đến việc nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận định: Tại mục 4, Chương 2, Đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung 1 điều quy định mang tính nguyên tắc là “Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ”; Giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư...
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị bổ sung 1 điểm tại khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật là Khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với việc thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch 2 bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng 1 dự án.
Đại biểu nêu ví dụ, một tuyến đường cần đầu tư mà quy hoạch 2 bên đường hiện có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất) thì khuyến khích việc lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đảm bảo cân đối được nguồn vốn trong cùng dự án.
“Với cách làm trên, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực” - Đại biểu Phạm Văn Thịnh nhận định và đề xuất giao Chính phủ nghiên cứu soạn thảo quy định cụ thể.
Đề cập đến cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phân tích: Theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, các tài sản công là công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức giao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Các tài sản này phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa phải được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật, giá trị, phải được kiểm kê, đánh giá lại để theo dõi, quản lý báo cáo cũng như đầu tư khai thác và bảo vệ, đảm bảo nguồn lực và tài chính để sử dụng.
Riêng đối với công trình đường bộ, hạ tầng đường bộ được đầu tư thông qua huy động các nguồn lực xã hội khác cũng phải được theo dõi, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản về các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Theo đại biểu, việc xác lập cơ sở dữ liệu đường bộ hết sức rõ ràng, cụ thể và phân định trách nhiệm theo dõi, quản lý tổng thể, cụ thể và đầy đủ cả về hiện vật, giá trị, cả về đối tượng và nguồn lực sử dụng, cả về hiện trạng và quá trình quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, trong năm qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nên hiện nay theo dõi chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời… Do đó, đề nghị cần sửa đổi, bổ sung về hình thức xử lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cho phù hợp với đặc thù tài sản và thực tế hiện nay.
Quý Anh
Theo