(Xây dựng) – Với các giải pháp trọng tâm, gồm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia; Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; Tiết kiệm ngân sách Nhà nước… tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực với kết quả đạt tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quốc hội). |
Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá: Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực.
Theo đó, những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 06 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đổi mới, được tập trung nguồn lực thực hiện. Nghiêm túc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, hoàn thiện, trình Quốc hội các dự án luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 và Kỳ họp thứ 7 khóa XV, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Các chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc được triển khai hiệu quả…
Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhận định: Năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025).
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023 (Ảnh: T/L). |
Ngay từ đầu năm, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để xem xét những nội dung quan trọng, trong đó đã sửa đổi, thông qua Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.
Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng…
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Trong đó, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra.
Đồng thời, tăng cường đoàn kết, thống nhất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị - xã hội củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; động viên, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu các nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô…
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, cần tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Cần có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai nhanh, hiệu quả quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Thêm vào đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cùng với các có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Linh Đan
Theo