(Xây dựng) – Mặc dù sắp hết năm 2024 nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn hơn 40 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền trên 21,2 tỷ đồng.
Do gặp nhiều khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp xây dựng có chung tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. |
Cụ thể, tại địa bàn thành phố Đông Hà có 27 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, với tố tiền trên 15,5 tỷ đồng. Thị xã Quảng Trị có 2 doanh nghiệp, với số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Huyện Vĩnh Linh có 2 doanh nghiệp, số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Huyện Gio Linh 3 doanh nghiệp, số tiền gần 944 triệu đồng. Huyện Cam Lộ 2 doanh nghiệp, số tiền 477 triệu đồng. Huyện Triệu Phong 1 doanh nghiệp, số tiền gần 200 triệu đồng. Huyện Hải Lăng 1 doanh nghiệp, số tiền gần 124 triệu đồng.
Ông Đào Công Tuấn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết: Hàng tháng Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã, thành phố đều có văn bản gửi các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn về việc đôn đốc đóng đủ, đúng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Riêng trong tháng 10 Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cho Bảo hiểm xã hội cơ sở kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, với những nội dung, phân công và giao trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố, thị xã và cán bộ chuyên quản trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu, không để phát sinh thêm đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phấn đấu giảm tỷ lệ số tiền chậm đóng so với số phải thu bằng hoặc thấp hơn chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 đã được bảo hiểm xã hội tỉnh giao cho từng đơn vị.
Chủ động rà soát, lập danh sách các đơn vị có số tiền chậm đóng lớn, thời gian chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài từ 3 tháng trở lên chuyển Phòng Thanh tra - Kiểm tra để rà soát, tham mưu lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập Đoàn thanh tra đột xuất tại các đơn vị theo quy định. Thường xuyên báo cáo danh sách đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị sử dụng trên địa bàn và chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện các giải pháp thu hồi tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Tuy vậy, số doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn tương đối cao. Qua đó cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các loại hình doanh nghiệp như xây dựng. Do giá cả nguyên vật liệu thời gian qua biến động phức tạp, vật liệu san lắp không ổn định, đầu tư công ở các địa phương giảm mạnh là do nguồn vốn đầu tư phụ thuộc một phần khá lớn vào việc thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất, trong khi đó thị trường bất động sản trên địa bàn nằm trong tình trạng “trầm kha”. Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến dăm gỗ hàng hóa xuất khẩu chậm, giá trị sản phẩm xuất khẩu có chiều hướng giảm. Các doanh nghiệp thương mại đang đối diện với tình trạng sức mua thị trường giảm; các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực may xuất khẩu gặp không ít khó khăn, do đơn hàng của các đối tác giảm nhiều…
Hữu Tiến
Theo