(Xây dựng) - Hiện nay có khoảng trên dưới 500 tàu khách du lịch vỏ gỗ và vỏ thép đang hoạt động ngày đêm trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long của Quảng Ninh. Từ năm 2014 đến nay, cũng có khoảng 7 vụ cháy xảy ra, không gây chết người nhưng thiệt hại tài sản lên tới 40 tỷ đồng.
Như vậy, công tác phòng chống cháy nổ cho du thuyền đang rất cấp bách với không riêng gì chủ tàu mà còn với chính các cấp, các ngành tại tỉnh này. Tuy nhiên, quản tốt mà vượt luật vẫn là vấn đề cần phải bàn?!
Những du thuyền đẹp như mơ thế này đang “ dài cổ” nằm chờ… có nguy cơ thành đống sắt vụn bởi những “lệ làng” đang vượt luật?!
Dưới đây là một số ý kiến của chủ tàu (họ xin được giấu tên vì không muốn bị liên lụy):
Chủ tàu HH. cho biết: “Hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cứ ráo rốt thúc giục chúng tôi lắp thiết bị phòng cháy CO2 bán tự động cho tàu du lịch. Tôi được biết, theo quy định hiện hành Nhà nước chỉ áp dụng lắp hệ thống này cho tàu du lịch có chiều dài thân tàu từ 50m trở lên, tàu dưới 50m chỉ lắp thiết bị phòng chống cháy thông thường. Phải thừa nhận rằng, thiết bị phòng cháy CO2 bán tự động là hiện đại nhưng nó không thể thiết kế phòng lắp riêng tại các tàu dưới 50m bởi việc sử dụng, vận hành, quản lý nó phải rất nghiêm ngặt về kỹ thuật, nếu không nó sẽ là quả bom đẩy hết O2 và giảm nhiệt độ xuống -78 độ C, sẽ gây nguy hiểm chết người ngay lập tức. Trong khi có lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 45 độ C, hầm tàu có thể tới trên 60 độ C thì nguy cơ nổ “ bom CO2” là có thể xảy ra”.
Ông HH. còn cho biết thêm: “Chính phủ quy định tàu ở cấp nào thì phải trang bị thiết bị phòng chống cháy nổ ở cấp đó. Quy định này dựa trên một thực tế khoa học đã tính toán kỹ lưỡng, kết hợp với chính sách pháp luật chặt chẽ. Cũng ví như vũ khí quân dụng được trang bị cho quân đội, công an; còn lực lượng dân phòng hoặc bảo vệ chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ, nếu ngược lại là rất nguy hiểm. Trước đó, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng tỉnh, một số chủ tàu đã lắp thiết bị phòng chống cháy CO2 bán tự động cho tàu du lịch có chiều dài dưới 50m nhưng cơ quan Đăng kiểm thuộc Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu tháo ra mới cho đăng kiểm.
Một chủ tàu có tên là TP. chia sẻ về tổn thất kinh tế và trách nhiệm pháp luật khi các chủ tàu nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của địa phương như sau : “Nếu lắp đặt hệ thống phòng, chống cháy CO2 bán tự động thì mỗi tàu phải chi phí thêm 30-35 triệu đồng; hệ thống dẫn điện chìm trong vách tàu đã lắp có giá trị 70-100 triệu đồng, nay bỏ đi lắp hệ thống nổi (mất mỹ quan) lại phải tốn thêm 70-100 triệu đồng nữa. Mặt khác, tàu phải dừng hoạt động đến 15 ngày để lắp lại các hệ thống thì thiệt hại do ngừng kinh doanh cũng phải tốn tới vài chục đến hàng trăm triệu. Nói cho đúng thì đây là những lãng phí ngoài luật, không đáng có mà doanh nghiệp đang và sẽ phải gánh chịu. Nhưng một điều rất quan trọng là “Ai sẽ chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu việc lắp đặt, cho phép lắp đặt hệ thống phòng chống cháy CO2 bán tự động khi tàu không đủ tiêu chuẩn được lắp?”.
Cũng cùng về những vấn đề trên, chủ tàu có tên Ng. chua xót: “Tàu du lịch có chiều dài dưới 50m theo quy định thì không phải lắp hệ thống phòng chống cháy CO2 bán tự động. Cơ quan Đăng kiểm thì yêu cầu phải thiết kế lại tàu để lắp thì mới cấp phép đăng kiểm, gọi thiết kế thì họ trả lời không thể thiết kế vào đâu được nữa. Không chấp hành thì cơ quan liên ngành đi kiểm tra và quy vào đối tượng tàu không an toàn, yêu cầu không cấp lệnh hoạt động. Tôi không hiểu nếu vì lắp thiết bị CO2 bán tự động mà dẫn đến nổ chết nhiều người thì cơ quan tố tụng sẽ khởi tố chủ tàu – người cố tình chấp hành pháp luật sai khi lắp đặt, hay cơ quan nhà nước – đơn vị chỉ đạo lắp không đúng quy phạm pháp luật?”.
Đây là một ví dụ của thói “tiền hậu bất nhất” bởi trước đó hệ thống điện được đặt ngầm trong vỏ tàu dưới sự giám sát thiết kế, thi công và cấp phép của cơ quan chức năng. Giờ lại phải phá hệ thống điệm ngầm, đặt lại hệ thống điện nổi vừa phản cảm, vừa rất tốn kém cho chủ tàu.
Được biết, theo QCVN 72: 2013/BGTVT (Quy chuẩn Việt Nam năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải) thì việc áp dụng lắp đặt thiết bị phòng chống cháy CO2 bán tự động không thể áp dụng cho tàu du lịch có chiều dài dưới 50m vì không đủ tiêu chuẩn về thiết kế lắp đặt. Còn về hệ thống dây dẫn điện thì không bắt buộc lắp đặt hệ thống dẫn ngầm hay nổi. Tuy nhiên, cơ quan Đăng kiểm Thủy nội địa – Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Quảng Ninh làm việc kiểu “ba phải”, tức là có tàu vừa mới lắp đặt hệ thống dẫn điện chìm thì cơ quan này cũng đồng ý đăng kiểm, sau đó tỉnh lại bắt bỏ hệ thống dẫn điện chìm để lắp hệ thống dẫn điện nổi, cơ quan này cũng tiếp tục cấp phép?! Trong khi, Đăng kiểm Thủy nội địa không những là cơ quan tiếp nhận hồ sơ thiết kế kỹ thuật tàu thuyền, giám sát thi công, cấp giấy đăng kiểm mà phải hướng dẫn chủ tàu, tham mưu cho Sở khi thấy vấn đề khúc mắc về quy phạm, quy chuẩn mới làm hết trách nhiệm.
Khi phóng viên (PV) liên hệ với Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh (người phát ngôn và cung cấp thông tin), ông này “ đẩy sang” ông Trưởng phòng Đăng kiểm Thủy nội địa, PV tiếp tục liên lạc nhiều lần nhưng ông Trưởng phòng nhất định không nhấc máy, không trả lời tin nhắn, có lẽ do gần đây có vụ lùm xùm về dấu hiệu khai man tuổi… “bỗng dưng trẻ lại” như một số tờ báo đưa tin, rồi ông này được điều chuyển từ Trưởng phòng Vận tải sang vị trí trên theo kiểu “ đánh bùn lại sang ao” , ông này sử dụng “chiến thuật đổ bê tông” với báo chí?! Qua đó phần nào đánh giá được trách nhiệm làm việc của người đứng đầu cơ quan này trong lĩnh vực đăng kiểm tàu thủy nội địa?!
Thiết nghĩ, mỗi con tàu du lịch chở từ hàng chục, thậm chí hàng trăm du khách nội địa và nước ngoài nên vấn đề đảm bảo công tác an toàn là hết sức quan trọng. Trong khi đó, an toàn về cháy nổ quan trọng hơn hết thảy vì nếu tàu cháy con người trên đó khó có thể thoát chết (nhảy ra khỏi tàu thì có thể chết chìm, không kịp thoát thì chết cháy…). Vì vậy, vừa qua các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ninh “xắn tay, chụm đầu” vào tính toán một phương án an toàn phòng chống cháy nổ cho tàu khách du lịch là một việc làm, chủ trương hết sức hoan nghênh về tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, luật pháp quy định trong các quy chuẩn, quy phạm là cả một trí tuệ, thực tiễn, kinh nghiệm khổng lồ được tham khảo từ nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học để áp dụng thực tiễn vào Việt Nam bằng luật hóa. Nếu Quảng Ninh chưa yên tâm về những quy chuẩn hiện hành thì kiến nghị Chính phủ nhanh chóng sửa đổi rồi mới áp dụng.
Ai cũng biết, và buộc phải biết, pháp luật - nhất là pháp luật hình sự là “thanh bảo kiếm” sẵn sàng trừng trị bất cứ ai nếu không chấp hành pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cho nên, theo cảm tính thì việc lắp đặt hệ thống phòng chống cháy hiện đại tiên tiến hơn có thể là tốt, nhưng pháp luật có dung tha khi cái “tốt” đó không nằm trong quy phạm pháp luật không? Vậy thì trước sinh mạng của nhiều người, chúng ta nên chấp hành pháp luật theo cảm tính hay theo lý tính đây? Đó là câu hỏi xin nhường lại cho các cơ quan quản lý tại tỉnh Quảng Ninh về vấn đề nêu trên.
Văn Nguyễn
Theo