(Xây dựng) - Kỷ niệm 85 năm ngày Truyền thống công nhân vùng mỏ Quảng Ninh và ngày Truyền thống ngành than (12/11/1936-12/11/2021), do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các mỏ than không tổ chức nghi lễ rầm rộ, nhưng Công ty Cổ phần than Đèo Nai (mỏ than Đèo Nai) vẫn viết tiếp truyền thống bằng việc làm thiết thực, còn tôn thêm giá trị lịch sử - một mỏ than từng được hai vị Chủ tịch nước tới thăm.
Mỏ Đèo Nai không ngừng đầu tư tái sản xuất mở rộng trang sắm dàn xe trọng tải 96 tấn, máy xúc có dung tích gầu xúc 12m3. |
Mỏ Đèo Nai có lịch sử khai thác than từ tháng 4/1888 (thời thuộc Pháp), ngay dưới chân đèo, đầu con đường lên mỏ (khi ấy gọi là công trường than Núi Trọc, còn gọi là lộ trí Đèo Nai) có tấm bia lớn ghi chứng tích.
Ngày 12/11/1936, nơi đây là tâm điểm của cuộc đại đình công của ba vạn thợ mỏ chống lại sự áp bức của giới chủ mỏ và chính quyền bảo hộ Pháp, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người lao động, đã làm nên sự tích lịch sử “Ngày miền mỏ bất khuất” nay gọi là Ngày truyền thống nhân vùng mỏ Quảng Ninh và ngày truyền thống ngành than.
Ngay sau khi vùng mỏ được giải phóng (25/4/1955), công trường Than Đèo Nai đã trở lại sản xuất bình thường, sau đó nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ Liên Xô , mỏ có thêm xe máy, thiết bị sản xuất công nghiệp khai thác than lộ thiên như xe ôtô bò tót, máy xúc EKG, máy khoan xoay cầu... Cơ giới thay sức nước, năng suất tăng gấp bội lần thời thuộc Pháp. Ngày ấy, Đèo Nai có phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, học tập bổ túc văn hóa... đã được vinh danh đơn vị xuất sắc, dẫn đầu ngành Than Việt Nam ngay những năm đầu ta tiếp quản khu mỏ.
Lớp lớp cán bộ, thợ mỏ Đèo Nai chiến công nối tiếp chiến công, một mỏ than hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2000.
Di tích nơi Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai ngày 30/3/1959. |
Ngày 30/3/1959, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã về thăm công trường Than Đèo Nai. Trên tầng than, Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi đời sống của thợ mỏ và Người căn dặn: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng. Để xe, máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
Ngày 02/02/2017 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu 2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm chúc Tết thợ mỏ và trên bãi thải Đông Khe Sim, mỏ than Đèo Nai phát động Tết trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Cánh rừng phi lao rộng 5ha với 12.700 cây mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng 1.850 thợ mỏ Đèo Nai trồng ngày đầu xuân năm ấy, nay đã thành rừng xanh tốt.
Ông Phạm Duy Thanh - Giám đốc mỏ than Đèo Nai vinh dự được thay mặt cho thợ mỏ vùng than Quảng Ninh tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tạc bằng than đá của mỏ. |
Từ cánh rừng mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang trồng trong tiết xuân Đinh Dậu, trên độ cao 300m, phóng tầm mắt xuống đô thị Cẩm Phả thấy một thảm xanh mênh mông nơi ấy từng là bãi thải (Nam Đèo Nai) với trên 200 triệu m3 đất đá đổ thải mà thành một quả núi cao.
Nó từng là nỗi ám ảnh về môi trường và nguy cơ an toàn trong mỗi mùa mưa. Trong 6 năm (2004-2009), mỏ Đèo Nai đã bỏ ra 150 tỷ đồng “biến” nơi đây thành lá phổi xanh cho thành phố Cẩm Phả với 120ha rừng phòng hộ. Quả đồi nhân tạo còn được chỉnh trang: Trên cao cắt tầng; dưới thấp nạo vét khe suối, xây dựng đê kè chắn đất đá, xây dựng hệ thống thu gom nước thải như một lâm viên lớn ở đô thị.
Mỏ than Đèo Nai sử dụng đất 6km2, với lòng moong khai thác ở độ sâu 210m so với mực nước biển. Xuống đáy vỉa, độ sâu bao nhiêu thì đưa được hòn than lên mặt đất càng nhọc nhằn bấy nhiêu, mỏ than Đèo Nai đã không ngừng đầu tư tái sản xuất mở rộng. Khi mới thành lập mỏ (01/8/1960), có được dàn xe bò tót trọng tải 24 tấn, máy xúc E dung tích gầu 2,5m3 do nước bạn Liên Xô (cũ) viện trợ không hoàn lại là quý, một bước trưởng thành trong công nghiệp mỏ.
Nay mỏ than Đèo Nai đầu tư dàn xe Cat 777E trọng đạt 98 tấn, máy xúc thủy lực gầu ngược CAT6020B dung tích gầu 12m3, máy khoan thủy lực DML có thể khoan ở các gương tầng đất đá rắn, cơ động và có hệ thống dập bụi hiện đại trong sản xuất.
Bãi thải 200 triệu m3 đã thành lá phổi xanh cho đô thị Cẩm Phả. |
Năm 2021, mỏ than Đèo Nai được giao kế hoạch 2,27 triệu tấn than, 10 tháng đầu năm đã khai tháng được 1,974 triệu tấn, 2 tháng cuối năm chỉ còn lại 296 nghìn tấn, không nhiều. Nhưng mỏ than Đèo Nai đang tranh thủ thời tiết đầu mùa khô hoàn thành vượt mức sản lượng than khai thác, nâng cao đời sống thợ mỏ với mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng; đồng thời hạ lòng moong, tăng tỷ lệ bốc xúc đất đá, chuẩn bị hành trang gối đầu cho năm mới kế hoạch mới...
Đến mỏ than Đèo Nai trong những ngày này, tuy không “cờ rong trống mở” vinh danh tráng ca 85 năm ngày truyền thống ngành than, nhưng trên các tầng than, dười lòng moong sâu... khắp các khai trường, xưởng máy đều hiển hiện một trạng thái lao động mới, khẩn trương, thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất than vừa chống đại dịch Covid-19.
Vũ Phong Cầm
Theo