Thứ sáu 27/12/2024 07:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Ninh: Giao mặt biển nuôi thủy sản để người dân yên tâm tái thiết sản xuất sau bão số 3

22:14 | 23/10/2024

(Xây dựng) - Sau bão số 3, các huyện, thị ven biển Quảng Ninh đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, bàn giao mặt nước cho các hộ nuôi trồng thủy sản, để người dân yên tâm đầu tư, khôi phục sản xuất. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đã quy hoạch hơn 45.240ha vùng biển của 9 đơn vị cấp huyện dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Quảng Ninh: Giao mặt biển nuôi thủy sản để người dân yên tâm tái thiết sản xuất sau bão số 3
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy gặp mặt, tiếp nhận các kiến nghị của người nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ở huyện Vân Đồn bị thiệt hại do bão số 3, ngày 14/9. (Ảnh: QMG)

Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn các huyện, thị xã ven biển của tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đối với huyện Vân Đồn là nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh, tổng thiệt hại khoảng 2.280 tỷ đồng với 1.200 cơ sở bị hư hỏng, 130 tàu bị chìm, trên 32.000 tấn thủy sản sắp đến kỳ thu hoạch bị mất trắng. Còn tại thị xã Quảng Yên, nơi có gần 1.600ha nuôi trồng thủy sản, toàn bộ lồng, bè nuôi hàu, cá biển bị vỡ, hỏng hoàn toàn và 883ha đầm nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, ước tính thiệt hại khoảng trên 500 tỷ đồng.

Sau bão số 3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão; đề nghị các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới... đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, cùng với triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, đơn vị nghiên cứu, tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù để không những khôi phục sản xuất mà còn hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất thủy sản trong thời gian tới.

Trong tháng 9 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn đã tổ chức 4 hội nghị tiếp xúc, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình khôi phục NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn. Huyện đã tiếp nhận 850 đơn của cơ sở NTTS đề nghị hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP (ngày 9/1/20217) của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất do thiên tai dịch bệnh với diện tích hơn 2.892ha.

Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn đã rà soát 276 trường hợp khách hàng vay vốn NTTS bị thiệt hại do bão với tổng dư nợ là 304 tỷ đồng; thực hiện kéo dài thời gian trả nợ cho 123 trường hợp, tổng nguồn vốn là 99,901 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện miễn giảm lãi vay (giảm từ 0,5%/năm đến 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến hết ngày 31/12/2024) cho 276 trường hợp, tổng số tiền 507 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Đồn cũng rà soát 1.434 trường hợp hộ vay vốn bị thiệt hại do bão với tổng nguồn dư nợ là 103,3 tỷ đồng và chưa thu lãi đối với khách hàng do ảnh hưởng của bão số 3 đến hết ngày 31/12/2024; gia hạn nợ đối với toàn bộ khách hàng đến hạn trả nợ cuối, khoanh nợ đối với 168 trường hợp, tổng nguồn vốn 11,8 tỷ đồng. Các ngân hàng trên địa bàn huyện cũng đang rà soát cho vay mới 22 trường hợp, tổng vốn vay 24 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh.

Quảng Ninh: Giao mặt biển nuôi thủy sản để người dân yên tâm tái thiết sản xuất sau bão số 3
Lãnh đạo huyện Vân Đồn trao quyết định giao khu vực nuôi biển cho 5 hộ gia đình đầu tiên. (Ảnh: QMG)

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh quyết tâm sớm tháo gỡ khó khăn, từng bước vực dậy nghề nuôi biển ở các địa phương trọng điểm NTTS trong tỉnh, song song với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất sau bão số 3, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện quy hoạch, bàn giao mặt nước cho các hộ NTTS, để người dân yên tâm đầu tư, khôi phục sản xuất. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đã quy hoạch hơn 45.240ha vùng biển của 9 đơn vị cấp huyện dành cho phát triển NTTS. Chủ trương bàn giao mặt biển cho tổ chức, cá nhân để NTTS được tỉnh thực hiện từ năm 2018, tuy nhiên, đến nay tại nhiều vùng trọng điểm NTTS trong tỉnh vẫn tồn tại tình trạng nhiều hộ dân nuôi trồng tự phát, làm cản trở luồng lạch, gây ô nhiễm môi trường, cơ quan quản lý khó kiểm soát. Với các hộ nuôi trồng không theo quy hoạch khi gặp rủi ro thiên tai sẽ không có căn cứ để hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước như vay vốn sản xuất, đền bù thiệt hại, gặp khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, giao mặt nước NTTS để người dân yên tâm tái thiết sản xuất sau bão, bền vững với nghề nuôi biển đang được các địa phương ven biển tỉnh Quảng Ninh khẩn trương thực hiện.

Đến thời điểm giữa tháng 10/2024, đã có hàng nghìn hộ dân ở huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên được giao mặt biển làm khu NTTS, phát triển kinh tế. Sau bão số 3 đến nay, huyện Vân Đồn đã bàn giao trên 6.000ha mặt biển cho khoảng 1.000 hộ có nhu cầu tái thiết sản xuất. Theo kế hoạch đề ra, trong năm nay, huyện sẽ giao thêm 7.000ha mặt nước biển cho 85 hợp tác xã và hơn 1.000 hộ dân khác. Hiện toàn huyện đã có 50% số lồng bè nuôi cá được khôi phục và 300 ha hàu mới được xuống giống. Theo ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, đối với diện tích ngoài 3 hải lý, huyện cũng đã xác nhận khu vực biển cho các hộ dân, đơn vị. Đồng thời phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh lên phương án sơ đồ giao khu vực biển, hoàn thành đánh giá tác động môi trường để khẩn trương báo cáo với UBND tỉnh giao khu vực biển cho các hộ dân, đơn vị yên tâm sản xuất. Huyện Vân Đồn quyết tâm hoàn thành việc giao khu vực biển cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn trong quý IV năm nay đảm bảo theo đúng quy định của Luật Thủy sản.

Quảng Ninh: Giao mặt biển nuôi thủy sản để người dân yên tâm tái thiết sản xuất sau bão số 3
Phòng chuyên môn và UBND thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) thực hiện giao vị trí, tọa độ, mốc giới diện tích khu vực nuôi biển cho các hộ dân NTTS. (Ảnh: QMG)

Theo Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khu vực nuôi biển huyện Vân Đồn có tổng diện tích 23.821ha, gồm 91 khu vực biển đã được tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 11/2/2023. Trong đó, xác định diện tích nằm trong 3 hải lý là hơn 12.385ha; từ 3 đến 6 hải lý là hơn 8.360ha; ngoài 6 hải lý là trên 3.075ha. Diện tích theo Đề án đã chỉ ra vùng nuôi an toàn bền vững cho cá biển là 1.025,90ha (tỷ lệ 6% so với quy hoạch tiềm năng), nuôi nhuyễn thể là 5.773,4ha (tỷ lệ 25% so với diện tích tiềm năng quy hoạch). Đây chính là cơ sở để huyện sắp xếp các vùng nuôi, chỉ ra các khu vực có lợi thế nuôi cho từng đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn. Đồng thời là căn cứ để huyện thực hiện giao mặt nước cho các tổ chức và cá nhân nuôi biển. Đối với người dân làm nghề nuôi biển, quyết định giao biển nhận được được coi là một tài sản có thể cầm cố ngân hàng thực hiện vay vốn, tái sản xuất, là căn cứ để họ yên tâm đầu tư và vay vốn phát triển NTTS.

Còn tại Quảng Yên, thị xã đã giao khu nuôi trồng thủy sản cho 164 hộ dân, mỗi hộ được giao 0,6 ha kèm theo vị trí, sơ đồ. Thị xã Quảng Yên cũng thành lập Tổ công tác độc lập, tiến hành đẩy nhanh tiến độ giao mặt nước nuôi cho các tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện. Đồng thời tiếp tục rà soát, xét duyệt các trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí giao khu vực biển cho người dân NTTS theo quy định. Cùng với đó, thị xã kiên quyết giải tỏa các hộ nuôi ngoài quy hoạch và xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Dự kiến đến giữa tháng 11, Quảng Yên sẽ hoàn thành bàn giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho hơn 400 hộ dân với 865ha mặt nước thuộc khu vực cấp huyện quản lý. Hiện thị xã Quảng Yên đang xây dựng Đề án phát triển NTTS trên biển thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm khôi phục ngành thủy sản, hướng tới mục tiêu nuôi biển bền vững về lâu dài.

Hoàng My

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load