(Xây dựng) - Ngày 7/6, tại thành phố Hạ Long, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức hội thảo chuyên đề về chăm lo xây dựng nhà ở và nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động.
Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: QMG) |
Ngành Than đóng vai trò là ngành công nghiệp quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của địa phương, đã góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đóng góp khoảng 1/4 GRDP và gần 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh; tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng trên 80.000 lao động; tác động trực tiếp đến gần 1/3 dân số và và mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Xác định những đóng góp quan trọng của đội ngũ công nhân lao động ngành Than đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than, trọng điểm là TKV, đã luôn đồng hành trong suốt quá trình phát triển, chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân mỏ vững mạnh, đầu tư thích đáng cho người lao động, nhất là vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống công nhân để họ và gia đình an tâm gắn bó với Quảng Ninh; xây dựng TKV phát triển bền vững và tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh.
Ông Phạm Quý Dân - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Hạ Long phát biểu ý kiến liên quan đến nhà ở cho công nhân lao động. (Ảnh: QMG) |
Ngày 8/8/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2279/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh”.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là hỗ trợ giải quyết cơ bản nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở của công nhân ngành Than, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của nhóm đối tượng này. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 khởi công, triển khai xây dựng khoảng 1.240.000m2 sàn, tương ứng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động trên địa bàn Quảng Ninh. Riêng thợ mỏ TKV ở Quảng Ninh cần phải có 1.500ha để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhóm đối tượng này.
Chung cư thợ mỏ Than Nam Mẫu tiện nghi, hiện đại tại trung tâm thành phố Uông Bí thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho người lao động tham gia. (Ảnh: Phạm Tăng) |
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, TKV hiện có trên 96.000 lao động, tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 16 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh song Tập đoàn TKV luôn đảm bảo ổn định việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động và có các chế độ phúc lợi mang tính chất đặc thù, mang bản sắc riêng của ngành để chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề nhà ở công nhân. Nghị quyết Đại hội Công đoàn TKV lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đặt ra các chỉ tiêu: 100% khu nhà ở tập thể công nhân hiện có đảm bảo tiêu chí khu tập thể công nhân “Sạch đẹp - Văn minh”. Tập đoàn phối hợp với tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án xây mới các khu nhà ở cho người lao động theo mô hình nhà lưu trú công nhân. Hằng năm, hỗ trợ xây, sửa nhà cho từ 100 gia đình công nhân theo tiêu chí chương trình nhà ở Mái ấm công đoàn.
Chung cư thợ mỏ Công ty Than Nam Mẫu tại trung tâm thành phố Uông Bí được xây dựng từ năm 2010, trên diện tích 14.738,15m2. Công trình xây dựng gồm 4 lô nhà cao 9 tầng gồm 8 tầng để ở với 224 căn hộ khép kín rộng từ 65m2 đến 80m2, tầng 1 để xe và các công trình sử dụng chung. |
Tại Quảng Ninh, từ năm 2010 đến nay TKV đã đầu tư xây dựng 35 khu tập thể, các tòa nhà cao từ 5-11 tầng, với tổng diện tích sàn khoảng 400.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 25.000 công nhân. Trong đó, một số khu nhà tập thể công nhân mỏ đã xuống cấp do thời gian xây dựng đã lâu, cần đầu tư cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, kinh phí cho cải tạo và sửa chữa các khu nhà tập thể cũ này gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và thủ tục đầu tư cấp phép xây dựng, sửa chữa nâng cấp; các đơn vị đang lập phương án để đầu tư xây dựng khu tập thể mới còn đang vướng mắc về thủ tục đầu tư, thiết kế mẫu và nguồn vốn xây dựng.
Công nhân Công ty CP Than Hà Tu tham gia Chương trình tư vấn cho người lao động ngành than mua nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân Hàng (thành phố Hạ Long) ngày 6/10/2023. (Ảnh: Phạm Tăng) |
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đề nghị TKV sớm có chỉ đạo định hướng đối với khu nhà tập thể, nhà lưu trú công nhân; nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị để thực hiện cải tạo, sửa chữa, trang cấp thiết bị, dụng cụ sinh hoạt cho người lao động tại các khu tập thể; xây nhà ở tập thể gia đình cho công nhân; phối hợp để sớm triển khai mô hình nhà ở hộ độc thân với dự kiến diện tích căn hộ cho 1- 2 người…
Bên cạnh vấn đề chăm lo xây dựng nhà ở cho công nhân, các đại biểu cũng tập trung thảo luận ý kiến về nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động. Tại Tập đoàn TKV, 100% các đơn vị xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Chuyên môn và Công đoàn ban hành Quyết định quy định các chế độ ăn cho người lao động. Theo đó, mức ăn định lượng theo quy định là 65.000 đồng/công, được các đơn vị bố trí bữa ăn chính từ 40.000 đồng - 55.000 đồng; bữa ăn giữa ca từ 10.000 đồng - 25.000 đồng; uống nước ca từ 2.000 đồng - 7.000 đồng.
Công nhân lao động Công ty Than Nam Mẫu chơi bi-a tại Trung tâm Thể thao - Văn hoá thợ mỏ xây dựng trong Khu chung cư thợ mỏ Nam Mẫu. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề nghị Tập đoàn TKV nghiên cứu để nâng mức ăn ca cho người lao động trong bối cảnh giá cả thị trường tăng cao nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho người lao động; kiến nghị với các Bộ, ban, ngành liên quan để có chính sách nhằm tăng chi phí ăn định lượng cho thợ lò; hướng dẫn thống nhất về các mức ăn ca, ăn định lượng và thực hiện bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật.
Hoàng My
Theo