(Xây dựng) - Tỉnh Quảng Ninh xác định trong bối cảnh đang trải qua những chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế - xã hội thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm sự phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã tập trung vào đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, đáp ứng nhu cầu lao động trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Quảng Ninh tham gia thực hành nghề tại cơ sở sửa chữa xe. (Ảnh: QMG) |
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Quảng Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững của tỉnh. Tỉnh đã xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030, với tầm nhìn rõ ràng về việc đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành nghề trong tương lai.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ninh đã triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên theo học các ngành nghề kỹ thuật. Các chương trình hỗ trợ học phí lên đến 100% cho học sinh, sinh viên theo học các ngành nghề khuyến khích đào tạo, cùng với các chính sách ưu đãi cho sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng lớn trong tỉnh, như Đại học Hạ Long, Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, đã tạo ra những động lực lớn giúp các học viên an tâm học tập, phát triển năng lực nghề nghiệp.
Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, các cơ sở GDNN của Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới chương trình giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Hàng loạt các chương trình đào tạo, giáo trình đã được cập nhật, sửa đổi, và đổi mới phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Các cơ sở GDNN, như Trường Cao đẳng TKV, Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc và Trường Cao đẳng Xây dựng và Công nghệ - Xã hội, không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, chú trọng rèn luyện kỹ năng thực tế cho học sinh, sinh viên.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN được tổ chức thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thực tế của cả học sinh, gia đình và doanh nghiệp. (Ảnh: QMG)
Một điểm đặc biệt trong công tác đào tạo nghề của Quảng Ninh là mô hình kết nối chặt chẽ giữa ba "nhà": Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Tỉnh đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành và trải nghiệm môi trường làm việc thực tế ngay trong quá trình học. Các trường học không chỉ đào tạo lý thuyết mà còn chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, nhằm đáp ứng yêu cầu cao từ thị trường lao động. Các hoạt động ngoại khóa, văn hóa và thể thao cũng giúp sinh viên phát triển toàn diện về thể chất và nhân cách, tạo ra môi trường học tập lành mạnh và sáng tạo.
Coi trọng hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp
Quảng Ninh đặc biệt chú trọng gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở GDNN đang hoạt động, trong đó có nhiều cơ sở đã thiết lập các mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar và Tập đoàn Sun Group. Các mối quan hệ hợp tác này không chỉ giúp các cơ sở đào tạo nghề tiếp cận nguồn lực từ doanh nghiệp mà còn đảm bảo rằng các chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp với yêu cầu thực tế, giúp sinh viên tốt nghiệp nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc.
Giờ thực hành setup tiệc Tea break của sinh viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. (Ảnh: Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh) |
Chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề mang lại lợi ích kép: Doanh nghiệp không phải chi trả chi phí đào tạo lại lao động, trong khi sinh viên có cơ hội làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, vì họ đã được trang bị đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam là một ví dụ điển hình khi cung cấp hàng nghìn lao động lành nghề cho ngành Công nghiệp than và các doanh nghiệp trong tỉnh, đảm bảo tỷ lệ sinh viên có việc làm ổn định sau tốt nghiệp lên tới 100%.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, công tác đào tạo nghề tại Quảng Ninh vẫn đối diện với những khó khăn. Một trong những vấn đề là sự thiếu chủ động trong việc phối hợp giữa các doanh nghiệp và các cơ sở GDNN trong việc cung cấp nhu cầu lao động qua đào tạo. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động đặt hàng đào tạo, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng phù hợp.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, đồng thời triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo nghề. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giảng dạy, đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên… Những nỗ lực này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ lao động trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và bền vững của Quảng Ninh.
Hoàng My
Theo