(Xây dựng) - Ngày 29/3, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại Hội nghị (ảnh: QMG). |
Ngày 29/3/2024, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã công bố kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và đây là một trong những Nghị quyết quan trọng, đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra “hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả nổi bật. Đến nay, có 07/08 mục tiêu cần thực hiện đến năm 2025 cơ bản đạt yêu cầu đề ra theo từng năm, 01/08 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện. Quảng Ninh là tỉnh có 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) dẫn đầu chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI. Đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI (năm 2020, năm 2022).
Quảng Ninh xác định rõ việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là mục tiêu xuyên suốt, là yếu tố mang tính then chốt để tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư tại tỉnh. Đến nay, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử; Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 177/177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động là 100%.
Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh là 117 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực (đạt 100%) được công bố tại Quyết định của UBND tỉnh. Thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4, đạt 81%, tăng 28% so với năm 2022.
Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và đánh giá kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023. |
Đặc biệt, Quảng Ninh đã hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021-2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, bằng 137% kế hoạch. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trên hai con số trong 09 năm liên tiếp (2015 - 2023) và luôn nằm trong Top những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.400 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2023 đạt 104.217 tỷ đồng.
Năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tỉnh Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo kết quả công bố chỉ số năm 2023, đối với Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), giá trị trung bình đạt được trong đánh giá Chỉ số cải cách hành chính đối với 51 cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh là 85,39%, tăng lên 1,10% so với năm 2022. Trong đó, 15 cơ quan, đơn vị, địa phương nằm trong nhóm xuất sắc; 26 cơ quan, đơn vị, địa phương ở nhóm Tốt; nhóm Khá gồm 7 cơ quan, đơn vị, địa phương, nhóm Trung bình gồm 3 cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả năm 2023 cho thấy có 35/51 đơn vị có giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính tăng hơn so với năm 2022.
Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được đánh giá thực hiện đối với 36 cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, kết quả có 24/36 đơn vị đạt điểm số tăng so với năm 2022. Trong đó: Điểm trung bình của 13 địa phương khối huyện đạt 65,01 điểm, tăng 01 điểm so với năm 2022; Điểm trung bình của 16 Sở, ban, ngành, đạt 65,79 điểm, tăng 3,18 điểm so với năm 2022; Điểm trung bình của 07 Cơ quan Trung ương năm 2023 đạt 82,71 điểm. Ở khối Sở, ban, ngành, Ban Quản lý khu kinh tế dẫn đầu với điểm số 79,52. Ở khối các các địa phương, thành phố Hạ Long ở vị trí dẫn đầu với 72,70 điểm.
Đối với Chỉ số đo lường sự hài lòng (SIPAS), tỷ lệ hài lòng trung bình trong toàn tỉnh là 95,28%, giảm 0,12% so với năm 2022. Trong 41 cơ quan thực hiện đánh giá, có 14/41 đơn vị thực hiện đánh giá có tỷ lệ đánh giá hài lòng tăng hơn so với năm 2022. Ở chỉ số SIPAS: Đơn vị dẫn đầu là khối Sở, ban, ngành là Sở Tư pháp với tỷ lệ hài lòng đạt 96,99%; đối với các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị dẫn đầu là thành phố Cẩm Phả với tỷ lệ hài lòng đạt 97,21%; đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đứng đầu với tỷ lệ đánh giá hài lòng đạt 97,82%.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) giá trị trung bình đạt được của các huyện, thị xã, thành phố là 91%, giảm 0,2% so với năm 2022. Trong đó: Có 5/13 địa phương đạt điểm tăng hơn so với năm 2022; dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số DGI là huyện Tiên Yên.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện các chỉ số của tỉnh Quảng Ninh năm 2023. |
Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá qua phần mềm về mức độ chuyển đổi số đối (DTI) với 225 cơ quan, đơn vị, địa phương với 03 khối, kết quả như sau: Đối với các Sở, ban, ngành, mức độ trung bình về chuyển đổi số của các Sở, ban, ngành đạt được trong năm 2023 là 550 điểm/1000 điểm, đạt mức độ trung bình; Đối với các huyện, thị xã, thành phố, mức độ trung bình về chuyển đổi số của các huyện, thị xã, thành phố đạt được trong năm 2023 là 653 điểm/1000 điểm, đạt mức độ trung bình; Đối với các đơn vị cấp xã, mức độ trung bình về chuyển đổi số của các xã, phường, thị trấn đạt được trong năm 2023 là 570 điểm/1000 điểm, đạt mức độ trung bình. Dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số DTI khối các huyện, thị xã, thành phố là thành phố Hạ Long.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, ngành, địa phương. Kết quả đánh giá các Chỉ số cải cách hành chính, SIPAS, DDCI, DGI, ICT của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023 cho thấy đã có sự cải thiện, song so với kết quả xếp hạng năm 2023 chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, cho thấy sự chững lại. Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức phân tích, đánh giá chuyên sâu kết quả các Chỉ số của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để đưa ra những giải pháp cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, nghiêm túc nhận diện về những tồn tại, hạn chế. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục rà soát, kiện toàn công tác tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình, kế hoạch. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, thực hiện theo quy trình giải quyết “5 bước trên môi trường điện tử”, đẩy mạnh tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 41 tập thể, 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo kết quả công bố, thành phố Hạ Long dẫn đầu bảng xếp hạng cả 3 chỉ số PAR-Index, DDCI và DTI khối địa phương của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Hoàng My
Theo