Thứ hai 29/04/2024 02:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Nam: Sẽ công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 16/3/2024

19:55 | 01/03/2024

(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, địa phương sẽ tổ chức công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 16/3/2024. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Quảng Nam: Sẽ công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 16/3/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại buổi họp báo.

Chiều 1/3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lễ khai mạc Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học – Quảng Nam 2024.

Trả lời câu hỏi của báo chí về quy hoạch vùng Đông, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sau khi quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh được phê duyệt và ban hành thì tỉnh sẽ rà soát tất cả các quy hoạch cấp dưới, trong đó đặc biệt là quy hoạch vùng Đông đảm bảo quy hoạch chung của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang giao Sở Xây dựng, các địa phương vùng Đông rà soát lại các quy hoạch đã ban hành, triển khai, cập nhật phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, xem xét điều chỉnh sao cho phù hợp. Tỉnh cũng sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó có lộ trình khu nào làm trước, khu nào làm sau, tiến độ từ nay đến năm 2023 như thế nào, những nội dung gì cần ưu tiên, nguồn lực ở đâu.

Trong tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông, những khu vực nào có khả năng kích hoạt sự phát triển, tạo nguồn thu lớn ngân sách, tạo công ăn việc làm cho dân, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tranh thủ được các nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư thì sẽ được ưu tiên phát triển trước.

“Quan điểm của tỉnh nhất quán là không vội vàng lấp đầy vùng quy hoạch, đặc biệt là phía Đông mà sẽ có lộ trình, phương pháp lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, thực sự tham gia vào các lĩnh vực chiến lược. Không vội vàng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, vội vàng lấp đầy, không đánh giá kỹ năng lực của nhà đầu tư dẫn đến lãng phí tài nguyên, nguồn lực đất đai. Kể cả những dự án có ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa, đời sống người dân, sự phát triển bền vững của tỉnh thì chúng tôi sẽ không tiếp nhận”, ông Thanh nói.

Trước đó ngày 17/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 72/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch được phê duyệt, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Nam và vùng không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ôtô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Mục tiêu cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9 - 9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37,0%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 16,2 - 17,0%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển của Quảng Nam là hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Cụ thể, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục.

Lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trọng tâm, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên với hệ thống giao thông đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế thông suốt; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét, hạ tầng nông nghiệp phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; phát triển mạnh thành phố Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.

Quảng Nam: Sẽ công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 16/3/2024
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được công bố vào ngày 16/3/2024.

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, trong đó với ngành Công nghiệp, Quảng Nam sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ôtô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt. Thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và vùng.

Ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn.

Đổi mới công nghệ, phát triển hợp lý, bền vững các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến silica, may mặc, thời trang, đồ uống, hàng tiêu dùng, công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm gỗ. Đầu tư các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để phát triển các ngành công nghiệp gắn với giải quyết lao động, nguyên liệu tại chỗ; hạn chế tiếp nhận các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm.

Thanh Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load