(Xây dựng) - Từ việc nghiên cứu ứng dụng nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời mà Quảng Bình đã có chiến lược tạo ra nguồn năng lượng điện vào phục vụ người dân khu vực điện lưới không thể kéo đến được. Đến nay, nhà thầu KT Corporation đang khẩn trương xây dựng 14 điểm bổ sung và hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 4/2018.
Điện năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng tại chỗ cho khu vực vùng sâu, vùng xa.
Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình có tổng công suất lắp đặt 763,25Kwp với mức đầu tư hơn 13,7 USD từ nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam nhằm cung cấp điện cho các bản thuộc những xã mà điện lưới Quốc gia không đến được tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình: Dự án có 02 gói thầu chính: Gói thầu số 02 gồm dịch vụ tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán, hỗ trợ đấu thầu, hướng dẫn vận hành hệ thống; gói thầu số 07 có 03 hợp phần do nhà thầu KT Corporation (Hàn Quốc) thực hiện đã hoàn thành lắp đặt 385 điểm cấp điện năng lượng mặt trời và bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống điện tại các xã: Thượng Trạch, Tân Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch); Trọng Hóa (Minh Hóa); Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Ngoài ra, các điểm lắp đặt tại xã Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh), Ngân Thủy (Lệ Thủy) đang tổ chức nghiệm thu kỹ thuật, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 3/2018. Hiện nay, nhà thầu cũng đang khẩn trương xây dựng 14 điểm bổ sung và hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 4/2018.
Việc sử dụng nguồn điện năng này giúp giải quyết được tình trạng thiếu điện, chưa có điện ở những vùng khó khăn, giúp tiết kiệm tiền điện hàng tháng, hơn nữa tạo ra một nguồn điện độc lập và bảo vệ môi trường, có thể cung cấp nguồn điện liên tục kể cả khi điện lưới bị cắt. Ngoài ra, sử dụng điện năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống đã giúp giảm tải nhu cầu ngày càng tăng lên về năng lượng cho quốc gia, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Quang yêu cầu Ban Quản lý Dự án QBSC cùng các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng công việc để hoàn thành công tác nghiệm thu dự án trước ngày 30/4/2018, đồng thời khẩn trương hoàn tất thủ tục, hồ sơ pháp lý để nghiệm thu, thanh quyết toán và khắc phục những tồn tại về vấn đề kỹ thuật nhằm bảo đảm tính ổn định, hiệu quả, lâu dài của hệ thống điện khi đưa vào sử dụng.
Nhất Linh
Theo