Thứ bảy 04/05/2024 13:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Hệ thống thoát nước đô thị còn nhiều bất cập

11:42 | 16/12/2020

(Xây dựng) – Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Bình đã quan tâm đầu tư về lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải... tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về hạ tầng khiến khả năng tiêu, thoát kém, đặc biệt tại trung tâm thành phố Đồng Hới.

quang binh he thong thoat nuoc do thi con nhieu bat cap
Đô thị Đồng Hới bị ngập diện rộng trong đợt mưa lũ tháng 10/2020.

Theo Sở Xây dựng Quảng Bình, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đặc biệt là các đô thị ven biển. Qua đánh giá, ở các khu vực đang đối mặt với tình trạng hạ tầng thấp kém, môi trường bị ô nhiễm, bệnh tật lây lan, úng ngập hay lụt lội, cộng đồng dân cư lại càng thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này.

Các khu đô thị, điểm dân cư mới thành lập, chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có thoát nước mưa, nước thải, góp phần quyết định tính hấp dẫn đối với khách hàng, cũng như sự phát triển bền vững của khu vực được đầu tư xây dựng.

Tỉnh Quảng Bình mặc dù có mật độ dân cư thấp, quy hoạch khá hợp lý nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng ngập lụt cục bộ ở nhiều khu vực khi có mưa lớn về. Đợt mưa lũ kéo dài tháng 10/2020 vừa qua đã gây ngập lụt cho 8 huyện lỵ của Quảng Bình. Nhiều tuyến phố ở Đồng Hới đã bị nhấn chìm trong nước, cho thấy nguy cơ ngập lớn của đô thị trung tâm khi có lũ lụt và những vấn đề của hệ thống thoát nước.

Theo thống kê, toàn bộ 16 xã, phường của thành phố này đều ngập lụt, trong đó có một số địa phương bị ngập nặng và kéo dài như: Lộc Ninh, Thuận Đức, Đồng Sơn, Đức Ninh… các trục đường giao thông trong thành phố đều ngập sâu, có nơi ngập trên 0,5m.

Do ảnh hưởng của bão số 9 và bão số 13, trên địa bàn thành phố Đồng Hới có mưa vừa, mưa to, tuy không xảy ra hiện tượng ngập lụt cục bộ nhưng hiện trạng ứ nước, chậm tiêu thoát nước mưa là có xảy ra. Tại khu vực phường Phú Hải đang trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực ở phía Nam thành phố. Thế nhưng, hiện tượng ngập ứ nặng do hệ thống hạ tầng không đồng bộ.

quang binh he thong thoat nuoc do thi con nhieu bat cap
Nghẽn dòng chảy, nước mưa trào ngược khỏi miệng cống.

Theo người dân phường Phú Hải, nhiều dự án nhà ở “view” sông Nhật Lệ và sông Lệ Kỳ như Khu đô thị cao cấp Phú Hải RIVERSIDE; Khu đô thị Nam cầu Dài; Khu nhà ở phía Đông sông Lệ Kỳ… đang được đầu tư xây dựng. Hệ thống thoát nước mưa sẽ thiết kế theo nguyên tắc tự chảy, thu gom vào cống, sau đó thoát ra các kênh nước về sông. Về nước thải, được xử lý qua hệ thống tự hoại, rồi thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh. Tuy vậy, trên thực tế, do thi công sau, nên các khu đô thị mới nói trên có cao độ nền khá cao so với đường giao thông và nhà ở của khu dân cư tồn tại trước đó, gây nên hiện tượng dồn ứ nước mưa.

Bà Nguyễn Thị Nhung xóm Cồn, tổ dân phố Phú Thượng, phường Phú Hải cho biết: Mùa mưa năm 2019, dân cư xóm tôi đã bị ngập nặng do nước không thoát được ra sông Nhật Lệ. Người dân phải kết bè để di chuyển khi gặp mưa lũ. Mùa mưa năm 2020, chuyện ngập ứ lại tái diễn và có phần nặng hơn. Dân cư mong rằng chính quyền sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề thoát nước đô thị này.

Nguyên nhân đô thị Đồng Hới bị ngập sâu và lâu chính bởi thời gặp điểm mưa lớn, kéo dài trùng với triều cường dâng, khiến nước ở cửa sông Nhật Lệ nước dâng cao nên các tuyến kênh không tiêu thoát được. Ngoài ra, qua thời gian, lòng cống thường xuyên bị bồi lắng, thu hẹp bởi đất đá, cát sỏi, lá cây trôi theo dòng nước; cộng thêm là lượng chất thải, rác thải của những hộ gia đình, người dân kém ý thức hàng ngày đổ xuống. Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống ngập lụt, khắc phục ô nhiễm môi trường, nạo vét khơi thông dòng chảy của các chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương được triển khai một cách hình thức, không theo quy chuẩn, dẫn tới gây ứ nghẽn dòng chảy.

quang binh he thong thoat nuoc do thi con nhieu bat cap
Cử tri phường Phú Hải đề nghị chính quyền xem xét lại việc quy hoạch xây dựng và thoát nước tự chảy cho khu dân cư hiện thời.

Trước đó, ngày 19/12/2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu thành phố cần rà soát, đánh giá khả năng thoát nước của hệ thống hiện trạng và đề xuất các giải pháp chiến lược, lâu dài, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải theo quy hoạch, kế hoạch của lĩnh vực thoát nước. Khu vực ven biển Đông và khu vực trung tâm thành phố nên sử dụng thoát nước kết hợp với tỷ lệ thu gom phù hợp đối với từng khu vực.

Công tác quy hoạch cần mở rộng các hành lang thoát lũ, tăng cường hồ điều tiết để tăng khả năng chứa nước, tăng cường mảnh xanh đô thị để tăng hệ số thấm, giảm lưu lượng và tạo cảnh quan đô thị.

Khi lựa chọn cao độ nền phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Ngoài ra, việc xây dựng các trạm bơm chống ngập tại các vị trí tụ thủy tại khu vực trung tâm là giải pháp căn cơ, lâu dài.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load