(Xây dựng) - Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/01/2020, không được chuyển nguồn sang năm 2021. Nếu tiến độ giải ngân chậm, không đảm bảo yêu cầu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình.
Hệ thống đường từ Cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông thi công đạt 80,7% giá trị khối lượng. |
Tỷ lệ giải ngân thấp
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho cho biết, đến ngày 30/7/2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 43,82% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 64,33% kế hoạch; ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình đạt 52,62% kế hoạch; ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 37,25%.
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp từ năm 2019. Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm như: Dự án tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình; Dự án hạ tầng Quảng trường Trung tâm; Dự án hệ thống đường từ Cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông…
Cụ thể, dự án Hệ thống đường từ Cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông có tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện toàn bộ phần xây lắp của dự án này đã thực hiện và hoàn thành 542,28 tỷ đồng, đạt 80,7% giá trị khối lượng. Giá trị giải ngân từ đầu dự án đến nay gồm tạm ứng, xây lắp, giải phóng mặt bằng là 658 tỷ đồng, đạt 81%. Nguồn vốn kéo dài năm 2018, 2019 sang năm 2020 đã giải ngân được 81,6/234 tỷ đồng, đạt 35%…
Dự án đang vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, nhất là ở xã Bảo Ninh còn 21 hộ chưa đồng ý nhận tiền và 23 hộ dân có đất bị thu hồi chưa được phê duyệt; tại xã Nghĩa Ninh, Trang trại tổng hợp Phú Hưng đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc tuyên hủy Quyết định hành chính trái pháp luật của UBND thành phố Đồng Hới, do chưa tính đủ khối lượng tài sản thiệt hại, kéo dài thời gian bồi thường đến 3 năm làm doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.
Riêng các dự án đầu tư công có vay vốn ODA tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 12,74%. Như, dự án Môi trường bền vững thành phố Đồng Hới và Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, đến nay mới giải ngân được 13,3% nguồn vốn.
Theo lý giải của Kho bạc Nhà nước tỉnh, các dự án vay vốn ODA giải ngân chậm ngoài lý do quy trình thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát làm mất nhiều thời gian thì mỗi dự án sẽ phải theo một quy định riêng, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án.
Cần quyết liệt
Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vì thế, vốn chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/01/2021, không được chuyển nguồn sang năm 2021.
Theo đó, các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/6/2020 phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 80% kế hoạch vốn năm 2020, đến 31/10/2020 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020.
Đối với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/6/2020 phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp, đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2020, đến 30/11/2020 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020.
Các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2020. Trường hợp không đảm bảo giải ngân quy định trên, Trung ương sẽ quyết định cắt giảm điều chuyển vốn về cơ quan, địa phương khác. Vì thế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Từ đó, chủ đầu tư phải linh động, sáng tạo trong cách làm nhằm đảm bảo thực hiện dự án nhanh, hiệu quả.
Người đại diện pháp luật của Trang trại tổng hợp Phú Hưng nêu quan điểm trước việc phải khởi kiện chính quyền. |
Câu chuyện Trang trại tổng hợp Phú Hưng ở xã Nghĩa Ninh đang khởi kiện chính quyền thành phố Đồng Hới là một ví dụ cho thấy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại tỉnh còn nhiều bất cập.
Ngày 23/7/2020, TAND tỉnh đã mở phiên sơ thẩm vụ án hành chính này. Phía UBND thành phố Đồng Hới cho rằng, do UBND xã Nghĩa Ninh cho thuê đất chưa đúng quy định nên khi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất, lúc có thông báo thu hồi đất làm dự án, công tác kiểm kê, lập đơn giá bồi thường có những hạn chế nhất định.
Ông Võ Văn Đức - Giám đốc Công ty TNHH Phú Hưng, người đứng khởi kiện cho biết: Sau 3 năm liên tục kiến nghị điều chỉnh phương án bồi thường dưới nhiều hình thức, nhưng không được chính quyền thành phố và chủ đầu tư xem xét, đơn vị mới phải tiến hành khởi kiện. Theo đó, đề nghị chính quyền xác định rõ bản chất vấn đề là bồi thường hay hỗ trợ, các chi phí đầu tư sản xuất vào đất và trên đất cần được tính đủ. Cách áp dụng giá cả đền bù tại Quyết định số 41/2016 của UBND tỉnh, xây dựng tại thời điểm 2016 cho giao dịch tại thời điểm 2019, 2020 đã không còn phù hợp.
TAND tỉnh Quảng Bình cho rằng, vụ việc tương đối phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, đã kéo dài nhiều năm, đề nghị chủ đầu tư và chính quyền thành phố Đồng Hới cần rà soát lại vụ việc, điều chỉnh nội dung quyết định cho phù hợp. Giữa người khởi kiện và người bị kiện cần thống nhất quan điểm một lần cuối.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không thực hiện giải ngân đảm bảo yêu cầu. Các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, giám sát đánh giá đầu tư theo quy định; thực hiện chế tài xử lý nghiêm khắc nhà thầu cố tình vi phạm hợp đồng làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân.
Nhất Linh
Theo