Thứ sáu 27/12/2024 08:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Bình: Các gói vay xây dựng, sửa chữa nhà ở góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát

20:37 | 25/10/2024

(Xây dựng) - Thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở, từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Bình tại Quảng Bình đã triển khai cho hơn 2.000 hộ dân được vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Quảng Bình: Các gói vay xây dựng, sửa chữa nhà ở góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhiều hộ dân xây dựng nhà ở nhờ vào việc vay vốn lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vốn vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở nằm trong 5 Chương trình vay của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vốn vay được triển khai nhằm hỗ trợ các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội có nguồn vốn để xây mới hoặc sửa chữa nhà cũ. Chương trình vay có lãi suất 4,8%/năm (từ ngày 1/8/2024 lãi suất 4,8%/năm tăng lên 6,6%/năm), thời hạn vay tối đa lên đến 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Bình doanh số cho vay tính từ năm 2020 đến ngày 30/9/2024 hơn 940 tỷ đồng đồng, số lượt hộ được vay là 2.015 hộ. Dư nợ đến ngày 30/9/2024 là hơn 830 tỷ đồng, số hộ còn dư nợ đến ngày 30/9/2024 là 2.011 hộ. Trong quá trình triển khai, mọi thủ tục, hồ sơ được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Những đối tượng được vay vốn nhà ở xã hội tại địa phương này chủ yếu là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp… Trong đó, hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo có đủ điều kiện đã được vay để sửa chữa, xây dựng nhà ở giúp giảm tỷ lệ nhà tạm, nhà dột nát tại nhiều khu vực miền núi.

Quảng Bình: Các gói vay xây dựng, sửa chữa nhà ở góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương triển khai cho hộ dân vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cao nhất cả nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Bình cho biết: Quảng Bình hàng năm đều chịu ảnh hưởng của mưa bão, do vậy là một trong những địa phương cho vay sửa chữa, xây dựng nhà ở lớn nhất cả nước. Năm 2024, các gói vay vốn sửa chữa, xây dựng nhà ở thực hiện chậm hơn do đến nay nguồn ngân sách chưa được phân bổ, khi nguồn vốn được bố trí thì Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai cho các đối tượng đăng ký vay. Vừa qua Chính phủ có chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ngay sau đó, UBND tỉnh cũng đã họp và chỉ đảo các đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo đến hết năm 2025 thực hiện xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát. Muốn đạt kết quả tốt, ngoài ngân sách phân bổ phải huy động mọi nguồn lực, kể cả huy động nguồn xã hội hóa.

Theo kết quả rà soát, tổng hợp của Sở Xây dựng, tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có hơn 3.640 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó có 1.440 hộ cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và 2.200 hộ cần hỗ trợ xây mới nhà ở.

Dự kiến tổng nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở là hơn 292 tỷ đồng huy động từ ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa và sự đóng góp của các đối tượng được hưởng lợi.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã ký ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Theo đó, sẽ tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, nguồn lực công sức lao động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở, nguồn lực cố gắng từ chính các hộ nghèo, khó khăn được hỗ trợ... gắn với mục tiêu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Đào Hồng Thiệu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load