(Xây dựng) - PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nói phương thức đối tác công tư (PPP).
PGS.TS Trần Chủng gặp các kỹ sư, công nhân tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Rào cản lớn nhất của PPP chính là thể chế
GS.TS Trần Chủng cho biết, Hiệp hội VARSI là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho DN, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam. Hiệp hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với các hội viên là các DN, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam, là nơi để các hội viên chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đóng góp ý kiến về chủ trương, chính sách đối với Nhà nước nhằm mang lại môi trường đầu tư tích cực, đồng thời tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thu hút các nhà đầu tư tích cực tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù Hiệp hội mới được thành lập, nhưng sự ra đời của Hiệp hội trong bối cảnh hiện nay thực sự có ý nghĩa khi phương thức đối tác công - tư PPP (Public Private Partnership) mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn lực của khu vực tư nhân vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, giảm nợ công, góp trách nhiệm cùng với Nhà nước xây dựng các công trình, dịch vụ công cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Phương thức hợp tác công - tư ở nước ta thời gian vừa qua được áp dụng nhiều nhất trong lĩnh vực giao thông vận tải.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận dạng được rào cản lớn nhất cho phương thức PPP ở Việt Nam hiện nay chính là thể chế. Là một lĩnh vực kinh tế đặc thù và là một chủ trương lớn của Nhà nước nhưng chúng ta chưa có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh hoạt động này đang có hiệu lực mới ở cấp Nghị định nhưng cũng sửa đổi, bổ sung liên tục. Các tồn tại của PPP thông qua hình thức hợp đồng BOT trong lĩnh vực giao thông làm dư luận bức xúc thời gian qua cũng có xuất phát điểm từ đây”, PGS.TS Trần Chủng nói.
Nỗ lực đóng góp của VARSI
Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên ngay sau khi thành lập, Hiệp hội đã tích cực, chủ động tham gia góp ý Luật về phương thức đối tác công - tư đang được Chính phủ xây dựng trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2020. Các thành viên của Hiệp hội là đối tượng chịu sự tác động chủ yếu của Luật này. Do đó, việc tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư để góp ý hoàn thiện dự thảo Luật PPP được coi là quyền và nghĩa vụ của Hiệp hội.
Để có những đóng góp thực sự có chất lượng, khoa học, khách quan, ngay trong tháng 8/2019 Hiệp hội đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức khảo sát 12 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trải dọc đất nước từ Cần Thơ tới Quảng Ninh trong đó có 10 dự án đầu tư áp dụng phương thức PPP. Ngoài ra, Hiệp hội đã chủ trì hoặc phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Nhà đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, các đơn vị của VCCI tổ chức nhiều hội thảo bàn sâu về các khía cạnh của phương thức đầu tư PPP, nhận dạng được các mặt ưu việt, nhược điểm, tồn tại của các dự án BOT giao thông đã triển khai trong thời gian qua ở Việt Nam. Thông qua đợt khảo sát thực tế, kết quả từ các hội thảo, tọa đàm chuyên đề trong nước và quốc tế, Hiệp hội đã có cái nhìn đa chiều hơn, tổng quát hơn, khách quan hơn về những thuận lợi, khó khăn của nhà đầu tư, về môi trường đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế về phương thức PPP để có thể áp dụng vào điều kiện đặc thù Việt Nam. Vì thế, các góp ý của Hiệp hội cho dự thảo Luật PPP được các cơ quan soạn thảo và thẩm định trân trọng tiếp thu.
Hiệp hội cũng có ý kiến phản biện về việc chuyển toàn bộ 8 dự án đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước. Quan điểm của Hiệp hội là nhất trí sử dụng vốn đầu tư công để kích hoạt cung - cầu của nền kinh tế nhưng chỉ chuyển đổi một số dự án không hoặc ít nhà đầu tư quan tâm hoặc các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng. Các dự án còn lại tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH 14 của Quốc hội bằng phương thức PPP. Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhất trí chuyển 3 dự án sang đầu tư công còn 5 dự án tiếp tục thực hiện theo phương thức PPP. Đây cũng là một kết quả cụ thể về hoạt động của Hiệp hội trong một năm qua.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Rào cản lớn và khó khăn đối với các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia dự án PPP là huy động vốn tín dụng. Hệ thống ngân hàng nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay các dự án PPP. Họ cũng phát đi thông điệp rằng hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn. Tuy vậy, tổng nợ của các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực giao thông tính tới tháng 02/2020 chỉ chiếm 1,24% tổng dư nợ tại các ngân hàng thương mại. Vì vậy, Hiệp hội đang đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ cho vay các dự án PPP hoặc Chính phủ phát hành trái phiếu công trình. Vấn đề này, Nhà nước phải có chính sách cụ thể tiến tới hình thành, phát triển thị trường vốn.
Thông thường, các dự án PPP, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước chiếm khoảng 20%, còn lại vốn của nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng). Hiệp hội mong muốn Chính phủ cần có quy định riêng và cụ thể về việc quản lý, giải ngân phần vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ trong dự án đầu tư PPP để tạo nên nền tảng pháp lý rõ ràng, cụ thể, tránh để các chủ thể của Hợp đồng dự án loay hoay trong quá trình đầu tư. Đồng thời việc không bố trí vốn hỗ trợ như cam kết, không thanh toán đúng hạn và đầy đủ vốn cho nhà đầu tư là làm phương hại đến lợi ích của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến dự án. Vì vậy, các dự án PPP cần có lộ trình và thời hạn cấp vốn cụ thể cũng như quy định rõ ràng về việc quản lý, giải ngân phần vốn Nhà nước này.
Sắp tới, nếu Quốc hội thông qua Luật PPP, Hiệp hội mong muốn Chính phủ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để Luật đi nhanh vào thực tiễn tạo môi trường minh bạch, thông thoáng cho các nhà đầu tư thể hiện được bản lĩnh và khát vọng đóng góp cho đất nước những công trình chất lượng cao.
Khánh Phương
Theo