Thứ sáu 27/12/2024 01:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phú Yên mở hướng phát triển dược liệu dưới tán rừng và đất lâm nghiệp

18:47 | 24/06/2023

(Xây dựng) - Với lợi thế tự nhiên đa dạng, Phú Yên sẽ là địa phương đầu tiên tập trung phát triển cây dược liệu và bảo tồn các nguồn gen quý. Qua đó không chỉ tạo ra sinh kế cho người dân mà còn góp phần đẩy mạnh các dòng sản phẩm du lịch chất lượng và bền vững.

Phú Yên mở hướng phát triển dược liệu dưới tán rừng và đất lâm nghiệp
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn ngày 22/6/2023 tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên).

Lợi thế lớn về tự nhiên và nguồn gen quý

Ngày 22/6/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án phát triển cây dược liệu trên đất Lâm nghiệp tỉnh Phú Yên tại thành phố Tuy Hòa.

Phát triển cây dược liệu, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm từ lâu được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376 /QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và đề án lần này sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có của Phú Yên.

Hội thảo là dịp để các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, các nhà khoa học, các doanh nghiệp có liên quan cùng nhau bàn thảo và đề xuất giải pháp nhằm phát huy tối đa nguồn lực của Phú Yên trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2020 – 2030, định hướng đến năm 2050. Đây là đề án nghiên cứu đầu tiên về việc phát triển và bảo tồn nguồn gen quý, phát triển cây dược liệu nhằm giúp tỉnh Phú Yên nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có cơ hội mở ra cánh cửa mới cho phát triển ngành du lịch tiềm năng của nhiều địa phương trên cả nước.

Phú Yên mở hướng phát triển dược liệu dưới tán rừng và đất lâm nghiệp
Ông Nguyễn Trọng Tùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên phát biểu tại Hội thảo tham vấn.

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số loài dược liệu có trữ lượng còn khá lớn như: An xoa, Sa nhân, Chè dây, Chè vằng; một số loài có tiềm năng phát triển như: Địa liền, Hà thủ ô, Ba gạc, Hoàng đằng… Một số loài còn rất ít trong tự nhiên như: Máu chó, Tắc kè đá, Vàng đắng… nguyên nhân là do quá trình khai thác, sử dụng thiếu bền vững. Do đó cần sớm giải pháp để bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trong lâm phần phải phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước cần có quy định cho phép Ban quản lý liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư để bảo tồn và phát triển cây dược liệu”.

Trước đó, ngày 2/6/2023, Cục Lâm Nghiệp đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác Xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu. Đến nay, Đề án này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các đơn vị, tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Theo báo cáo thực trạng từ Đề án, Phú Yên có đa dạng thảm thực vật, đa dạng loài thực vật bậc cao, bảo tồn được 18 nguồn gen cây dược liệu quý. Nhiều loài dược liệu là đặc hữu của Phú Yên như Cam thảo Đá Bia và dược liệu quý hiếm trên thế giới như: Xáo tam phân, Bá bệnh, Mã tiền, Ba gạc lá to, Ba gạc lá nhỏ, Vàng đắng, Hoằng đằng, Bình vôi, Sâm cau… Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Quế, Ba kích, Sa nhân tím, Sa nhân đỏ…

Tuy nhiên, Phú Yên chưa phát huy được tiềm năng lớn, lợi thế lớn của mình. Hiện nay, do nhân sự bảo vệ rừng mỏng, bà con nông dân gần rừng còn khó khăn, phương thức khai thác nông lâm sản trên rừng còn lạc hậu dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu quý (như cam thảo đá bia, lan kim tuyến), hoặc xu hướng khai thác hủy diệt làm giảm trữ lượng lâm sản ngoài gỗ (như việc đốt, chặt gốc cây đác để khai thác hạt) cũng làm ảnh hưởng đến nguồn lâm sản ngoài gỗ trong các khu rừng.

Trồng dược liệu đi đôi với phát triển rừng bền vững

Tất cả các đại biểu tham dự đều đồng tình với đề xuất trồng dược liệu phải đi đôi với phát triển rừng bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Thứng – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết: “Là ngành đặc thù riêng, đang có triển vọng phát triển nên có chọn ưu tiên, hỗ trợ có tính tập trung để làm hạt nhân phát triển và là cơ sở để nhân rộng như: Các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng Đặc dụng là đối tượng bảo tồn tại chỗ, phát triển các loài dược liệu lâu năm, dưới tán rừng gắn giao khoán bảo vệ… Các doanh nghiệp là đối tượng bảo tồn chuyển chỗ, dược liệu có giá trị kinh tế cao, phải triển theo chuỗi giá trị với các cơ sở nghiên cứu khoa học, nông dân”.

Các đại biểu từ các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Đông Xuân đều mong muốn tăng cường mối liên kết hợp tác “bốn nhà” (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông) trong phát triển cây dược liệu, gắn với phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Đại diện của Ban Quản lý Rừng đặc dụng Đèo Cả nhấn mạnh về việc liên kết các nhà đầu tư phát triển, bảo tồn cây dược liệu nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất; quản lý chặt các nguồn giống gốc, giống dược liệu có giá trị giá trị cao.

Trồng dược liệu bền vững đi đôi với phát triển du lịch sức khỏe

Tham gia hội thảo với tham luận Du lịch chữa lành và du lịch sức khỏe gắn với sử dụng và nâng tầm cây dược liệu tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Thành Trung – Tổng Giám đốc Archi Group nhấn mạnh: “Du lịch và dược liệu là hai lĩnh vực có mối tương tác tương hỗ với nhau một cách tích cực và mạnh mẽ. Mỗi lĩnh vực đều có thể tạo nên sức bật đột phá khi có sự cộng tác của lĩnh vực còn lại.

Tại Phú Yên, nơi có nhiều nguồn giống dược liệu từ lâu đời, có văn hóa sử dụng dược liệu truyền thống. Môi trường rừng là nơi sinh trưởng tốt cho các loại dược liệu đồng thời cũng là tài nguyên du lịch lý tưởng.

Tại nhiều thị trường du lịch lớn ở Việt Nam và trên thế giới đã minh chứng sản vật địa phương và cao hơn nữa là các sản phẩm dược liệu là một trong những chất liệu tuyệt vời để tạo nên sản phẩm du lịch chất lượng. Qua đó nâng cao tính thu hút khách đến, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu đầu người thông qua sử dụng và mua sắm. Qua đó, tăng vượt trội doanh thu từ du lịch. Ngược lại, du lịch làm kích thích nhu cầu tiêu thụ dược liệu thông qua sử dụng tại địa phương hoặc làm quà, theo đó, thương hiệu của địa phương sẽ được quảng bá một cách tự nhiên rộng khắp”.

Phú Yên mở hướng phát triển dược liệu dưới tán rừng và đất lâm nghiệp
Ông Nguyễn Thành Trung – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Archi mong muốn việc phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững.

Trong đó, ông Trung có nhắc đến Hàn Quốc, đất nước đã quảng bá thành công sản phẩm Sâm mang biểu tượng quốc gia tới hàng triệu người trên thế giới, qua đó phát triển ngành du lịch với các tour trải nghiệm tới các cơ sở trồng trọt và chế biến nhâm sâm, đem lại doanh thu vô cùng lớn cho Hàn Quốc. Còn tại Lào Cai của Việt Nam, người dân ở đây cũng đã biết kết hợp du lịch với trải nghiệm tắm lá thuốc mà bất cứ ai đến đều không thể bỏ qua.

Ông Trung đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch sức khỏe, du lịch chữa lành trên nền tảng tận dụng môi trường rừng, kết hợp với phát triển dược liệu dưới tán rừng sẽ tạo nên sản phẩm du lịch riêng có của Phú Yên. Theo ông Nguyễn Thành Trung, việc phát triển du lịch này cần đi đôi với các giải pháp kiểm soát chặt chẽ: trồng dược liệu đi đôi với phát triển rừng bền vững, tránh xâm lấn ảnh hưởng tới sự bền vững của môi trường rừng; và kiểm soát chặt chẽ chất lượng trồng dược liệu và quy trình sau thu hoạt để dược liệu có chất lượng tốt, tin cậy, tạo uy tín lâu dài cho địa phương.

Archi Group là đơn vị có bề dày về phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sức khỏe. Được biết không chỉ là đơn vị khởi xướng đề án này, Archi cũng đang hợp tác với nhiều nhà khoa học bảo tồn các nguồn Gen dược liệu quý hiếm tại Phú Yên và một số tỉnh thành Việt Nam nhằm kết hợp du lịch đem đến các sản phẩm du lịch kết hợp sức khỏe thực sự.

Có thể nói, phát triển dược liệu dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị của rừng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, người dân địa phương, đồng thời nếu quản lý tốt sẽ góp phần bảo tồn đa đa dạng sinh học cũng như sử dụng bền vững tài nguyên rừng.

Nhi Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load