Thứ sáu 27/12/2024 01:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước

11:19 | 11/11/2024

(Xây dựng) – Vừa qua, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ 2021-2025 và đề xuất Chương trình giai đoạn II từ 2026-2030 khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, nguồn lực thực hiện Chương trình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dự kiến hơn 22.564 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ hơn 20.529 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.707 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác hơn 327 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi: Nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm ngày 30/9/2024 của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Riêng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình hiện nay đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%.

Cụ thể, số vốn giải ngân của 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hơn 12.933 tỷ đồng, tương đương 60,6%, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 8.560 tỷ đồng, tương đương 74,3%, vốn sự nghiệp hơn 4.373 tỷ đồng, tương đương 44,5%.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động cộng đồng, góp phần duy trì an ninh trật tự tại địa phương. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đây là một Chương trình rất đúng và trúng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình đã được triển khai thực hiện và thành công bước đầu.

Qua thực hiện Chương trình, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng dân tộc, miền núi thay đổi nhiều; nhiều chính sách nhân văn đến với người dân; địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân; thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.

Bên cạnh đó, để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026-2030, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của Chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các Hội nghị tổng kết Chương trình cấp vùng và toàn quốc theo hình thức, quy mô phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; rút kinh nghiệm quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình giai đoạn I để đề xuất Chương trình giai đoạn II bảo đảm tiến độ, chất lượng, bám sát thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước
Các đại biểu dự Hội nghị.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các Chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm nhiều dự án, nhiều Chương trình phức tạp, khó khăn vì vậy cần bố trí các cán bộ có năng lực, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần để Chương trình đạt kết quả và hiệu quả cao nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta, của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Định hướng và đề xuất cho giai đoạn II (2026-2030): Để tiếp tục phát huy các thành quả của giai đoạn I và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội nghị đã đề ra các mục tiêu cho giai đoạn II của Chương trình (2026-2030). Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận về các mục tiêu cụ thể của giai đoạn II, cơ cấu Chương trình gồm các dự án và tiểu dự án mới, phương thức huy động nguồn lực, cũng như các giải pháp quan trọng để triển khai hiệu quả. Các đại biểu đưa ra các ý kiến đóng góp về các dự án cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương, giúp Chương trình có sự linh hoạt và tối ưu hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên bày tỏ vinh dự khi Gia Lai được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quan trọng này. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên nhấn mạnh, Gia Lai là một tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên các Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với tỉnh Gia Lai. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai hy vọng Hội nghị sẽ là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp cụ thể, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và tiểu dự án trong Chương trình.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai bày tỏ niềm tin phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các địa phương sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Hội nghị lần này đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ và các Bộ, ngành, hy vọng Chương trình sẽ tiếp tục mang lại những thay đổi tích cực, nâng cao đời sống của người dân ở khu vực khó khăn, góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển đồng đều và bền vững.

Bá Tứ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load