Thứ ba 16/07/2024 19:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Tăng số lượng và chất lượng đào tạo

16:40 | 16/07/2024

(Xây dựng) - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đề ra 6 yếu tố then chốt nhằm thúc đẩy tăng số lượng và chất lượng đào tạo ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn là: Tăng số lượng sinh viên; chương trình cập nhật thường xuyên; đủ nguồn giảng viên trình độ cao; đủ hệ thống phòng thí nghiệm thực hành; hợp tác với các doanh nghiệp và gắn kết đào tạo.

Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Tăng số lượng và chất lượng đào tạo
Việt Nam có cơ hội để khẳng định là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Dốc sức đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho hay, đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, có hai hướng. Một là đào tại ngắn hạn chuyển đổi sang lĩnh vực này; hai là phải có sự dài hơi dựa trên lĩnh vực chúng ta đang đầu tư trong nhiều năm nay.

Thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo và có nhiều hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này. Hiện nay, Trường đang cung cấp nguồn nhân lực khoảng hơn 3.000 sinh viên mỗi năm trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực này. Đồng thời cũng có hệ thống phòng thí nghiệm, tuy nhiên những phòng thí nghiệm này chưa tích hợp được công đoạn của công nghiệp bán dẫn.

Ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, những cơ hội và thách thức của 2 Trường đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng là những cơ hội, thách thức của Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo chính thức khoảng 3.500 sinh viên các ngành gần, khoảng 150 sinh viên các ngành đúng liên quan đến thiết kế vi mạch, vi điện tử công nghệ nano. Số lượng này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Theo dự kiến, đến năm 2030, trường có thể đào tạo được từ 1.000 - 1.200 kỹ sư các ngành đúng và chuyển đổi khoảng 6.500 các ngành gần.

Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Tăng số lượng và chất lượng đào tạo
Đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là tiền đề để ngành này cất cánh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, hiện nay, các trường đại học, hai nhóm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử viễn thông và công nghệ thông tin có số sinh viên đang đào tạo bậc cử nhân và kỹ sư là 131.000, bậc thạc sĩ là 5.500 người, và có hơn 400 nghiên cứu sinh. Đây là con số rất quan trọng, cho thấy chúng ta đã có nền tảng.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, từ năm 2022 đến nay, nhiều trường đại học đã ký kết với nhiều đối tác quốc tế, các nước để trao đổi chuyên gia. Chính sự năng động và tự chủ của các trường đại học là một lợi thế rất lớn ở thời điểm này. Bên cạnh đó, không chỉ có các trường đại học công lập, mà còn có sự tham gia của các trường đại học ngoài công lập. Đây là sự đóng góp rất lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực cao.

Bộ cũng đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tích cực tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn cho năm học 2024. Hiện nay các trường đại học dự kiến quy mô tuyển sinh 4.000 kỹ sư, 750 thạc sĩ, 60 nghiên cứu sinh và dự kiến sẽ đào tạo bồi dưỡng để chuyển đổi ít nhất 1.700 người.

Thời gian tới, Bộ đề ra 6 yếu tố then chốt nhằm thúc đẩy tăng số lượng và chất lượng đào tạo ở lĩnh vực này. Đó là sẽ có nhiều sinh viên giỏi theo học; chương trình đào tạo và nguồn tài liệu sẽ được cập nhật thường xuyên và hiện đại; có đủ nguồn lực giảng viên có trình độ và kỹ năng cao; có đủ hệ thống phòng thí nghiệm thực hành hiện đại cho các môn học; có sự hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp và các trường đại học nước ngoài để giúp nâng cao tính thực tiễn trong quá trình học của sinh viên; gắn kết đào tạo giữa nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo khác.

Nhân lực bán dẫn đi song hành với nhân lực công nghiệp điện tử

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhân lực cho đầy đủ các công đoạn cho ngành công nghiệp này chứ không chỉ riêng công đoạn chip bán dẫn

Thứ hai, việc chuẩn bị nhân lực nên dựa trên dư báo tầm nhìn dài hạn nhưng vẫn phải dựa trên nhu cầu thị trường; việc ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.

Thứ ba, thiếu nguồn nhân lực bán dẫn có tính ngắn hạn, nên ngoài việc đào tạo nghiên cứu dài hạn, thậm chí đào tạo tiến sĩ thì vẫn phải chú trọng trong ngắn hạn là đào tạo nhanh và cách tốt nhất là đào tạo lại hoặc đào tạo chuyển tiếp các kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, kỹ sự điện tử…

Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Tăng số lượng và chất lượng đào tạo
Công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi song hành với công nghiệp điện tử, nhân lực bán dẫn cũng phải đi song hành với nhân lực công nghiệp điện tử.

Thứ tư, ngành công nghiệp bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, chiến lược công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đặt công nghiệp bán dẫn trong một bức tranh lớn hơn là công nghiệp điện tử; chưa có quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử. Công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi song hành với công nghiệp điện tử, nhân lực bán dẫn cũng phải đi song hành với nhân lực công nghiệp điện tử.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, chúng ta phải tính toán trên cơ sở cung và cầu, để tính toán cho phù hợp, không nên tập trung vào một lĩnh vực cụ thể.

Ông Dung cho rằng, chúng ta cũng cần tập trung vào 5 vấn đề cơ bản, thứ nhất là đào tạo cơ bản dài hạn, thứ hai là đào tạo chuyển đổi; thứ ba là đào tạo nâng cao, thứ tư là đào tạo lại, thứ năm là đào tạo trực tiếp. Thực tiễn, có nhiều trường cao đẳng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn; đề nghị không nên bỏ phí nguồn nhân lực này.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất. Đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo. Đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Hoàng Hồng

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bắc Ninh: Đẩy mạnh quy hoạch xây dựng, thu hút đầu tư

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh quy hoạch xây dựng nhằm thu hút đầu tư, cụ thể hóa các định hướng phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load