Thứ ba 16/07/2024 18:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Nga

16:26 | 16/07/2024

(Xây dựng) - Những mặt hàng xuất khẩu lớn sang thị trường Nga trong nửa đầu năm 2024 là dệt may, cà phê, điện tử… Trong đó, dệt may có kim ngạch cao nhất với 398 triệu USD, chiếm 33,9% tổng giá trị xuất sang nước này.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Nga
Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga trong nửa đầu năm 2024 đạt 1,17 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga trong nửa đầu năm 2024 đạt 1,17 tỷ USD, tăng 44% so với mức 812 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong số 22 mặt hàng chính xuất khẩu sang Nga, dệt may là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 398 triệu USD, chiếm 33,9% tổng giá trị xuất sang thị trường này. Tiếp theo là cà phê với 189 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 117 triệu USD.

Về nhóm nông thủy sản, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Nga đạt 95 triệu USD, tăng tới 105% so với cùng kỳ năm trước; rau quả đạt 32 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; hạt điều đạt 32 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Nga
Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nga tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu cũng tăng 98% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 15 triệu USD; gạo tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,7 triệu USD. Hạt tiêu là mặt hàng duy nhất trong nhóm có đà giảm về kim ngạch với -3,3% so với cùng kỳ năm trước, còn 5,8 triệu USD.

Đặc biệt, các mặt hàng thuộc nhóm kim ngạch trên 100 triệu USD đều có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Nga tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê xuất khẩu sang thị trường này dù tăng nhẹ hơn so với hai mặt hàng trên nhưng cũng đạt mức +35%so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, ngoài kết quả tích cực, các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với việc giá đơn hàng không tăng, trong khi chi phí vận tải biển đã tăng liên tục trong thời gian qua. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Nga
Trong tầm nhìn từ nay đến 2050, số hoá và xanh hoá là xu thế tất yếu của ngành dệt may.

Nhằm tăng cạnh tranh cho sản phẩm dệt may, cũng như gia tăng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam phải tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm. Trong đó, điểm cần lưu ý nhất là phải tập trung vào xu hướng xanh hóa sản phẩm dệt may.

Nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu mới cho sản phẩm dệt may - đó là tiêu chuẩn xanh. Để có sản phẩm xanh, thì nhà máy phải đạt tiêu chuẩn ESG, phải dùng điện năng lượng mặt trời, phải giảm nước thải và đạt các chứng chỉ carbon…

Tuy nhiên, dù doanh nghiệp nhận thức nên làm sản phẩm xanh nhưng do biên lợi nhuận thấp nên việc đầu tư cho công nghệ mới còn khó khăn. Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần có gói tín dụng xanh cho các doanh nghiệp đầu tư xanh. Đồng thời, ngành thuế cũng cần có chính sách giảm thuế thu nhập cho những doanh nghiệp này để họ có thêm động lực chuyển đổi.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load