Chủ nhật 03/11/2024 01:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Lao động

Phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

19:56 | 17/11/2021

(Xây dựng) - Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, sáng 17/11, đã diễn ra hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành có liên quan chủ trì chuyên môn phối hợp tổ chức.

phat trien nguon nhan luc so trong tien trinh cong nghiep hoa hien dai hoa
Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là hội thảo chuyên đề thứ 8 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0.

Theo chia sẻ của các chuyên gia kinh nghiệm trong và ngoài nước, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ sở nền tảng, là điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao.

Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.

Những năm qua, thực hiện quan điểm và chủ trương của Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, quan tâm.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

Công tác quản lý Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

Việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập. Thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề.

Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, làm rõ Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số; cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi lao động; chuyển đổi số ngành Giáo dục...

Các nhà khoa học, diễn giả cũng có những hiến kế, đề xuất cách tiếp cận mới, những chính sách trọng tâm, cũng như khuyến nghị các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0, chiều cùng ngày, đã diễn ra hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế chia sẻ những nội dung cốt lõi về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, như ứng dụng công nghệ số; Canh tác thông minh; Vai trò của công nghệ số để giảm phát thải; Trí tuệ nhân tạo (AI) trong đánh giá chất lượng; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp...

Các đại biểu kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển đổi số.

Cùng với đó, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn; Số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kinh tế - xã hội, hạ tầng sản xuất, công nghệ, tài nguyên, môi trường, khí tượng thủy văn..., làm cơ sở cho phân tích, dự báo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Các đại biểu cũng đề nghị đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ, khuyến khích tối đa các doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load