Thứ năm 10/10/2024 08:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

70 năm Sở Xây dựng Hà Nội trưởng thành và phát triển

Bài 3: Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, hạt nhân tiên phong các phong trào thi đua

10:55 | 09/10/2024

(Xây dựng) - Qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và trải qua nhiều gian khó, các thế hệ đoàn viên, công nhân viên chức lao động ngành Xây dựng Hà Nội từ những công cụ cầm tay thô sơ, bằng sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên làm chủ máy móc, công nghệ, đổi mới phương thức hoạt động, Công đoàn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đề ra. Qua đó, tạo ra những dấu ấn tích cực, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Bài 3: Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, hạt nhân tiên phong các phong trào thi đua
Những tấm gương tiêu biểu của Công đoàn Xây dựng Hà Nội được khen thưởng.

Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

Những năm qua, ngành Xây dựng Hà Nội đã luôn nỗ lực trong công tác, tổ chức sôi nổi các hoạt động, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực như quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý vật liệu xây dựng, nhà ở và công sở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) được chú trọng, giúp CNVCLĐ có thu nhập ổn định, các chế độ chính sách được đảm bảo, không phát sinh những cuộc tranh chấp lao động lớn, không xảy ra sự cố cháy nổ, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động được các cấp Công đoàn trong ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính cốt lõi. Hàng năm, Công đoàn Ngành đã phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức, Hội nghị Người lao động, là cơ hội giúp các cơ quan, đơn vị trong ngành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó đề ra những phương pháp nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các Công đoàn cơ sở cùng lãnh đạo doanh nghiệp tập trung thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đề án “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại Thỏa ước lao động tập thể, giai đoạn 2021-2023” của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội.

Riêng năm 2023, đã có 76/83 doanh nghiệp trực thuộc (91,5%) ký Thỏa ước lao động tập thể và gửi về Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội để đưa vào Thư viện Thỏa ước lao động tập thể Thành phố, trong đó có 56 bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên (đạt tỉ lệ 67%). Nội dung thỏa ước đã tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi hơn cho người lao động: Về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử, thực hiện chính sách bình đẳng giới, nâng cao “chất lượng bữa ăn ca của người lao động”.

Trong các hoạt động chung của ngành, công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động là một trong những nội dung quan trọng. Trong đó, các Công đoàn cơ sở đã đưa nội dung bữa ăn ca của người lao động vào nội dung đối thoại, thương thượng tập thể và ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Hàng năm, Công đoàn ngành luôn chú trọng đổi mới hình thức tổ chức Chương trình “Tết sum vầy” với các hoạt động thi gói bánh chưng, trưng bày các sản phẩm cổ truyền ngày Tết, tổ chức các trò chơi dân gian, chương trình bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà có giá trị...Tại các chương trình Tết sum vầy, hàng năm Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã trao tặng khoảng 1.350 suất quà để hỗ trợ các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn và 164 suất quà cho các cháu khuyết tật, nhiễm chất độc Dioxin.

Công tác tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ luôn được xác định là một trong những chức năng cơ bản của Tổ chức Công đoàn, vì vậy hàng năm, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã bám sát sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy Sở Xây dựng và thường xuyên phối hợp với lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong CNVCLĐ.

Bên cạnh đó, các hoạt động trong Tháng Công nhân cũng đánh dấu những đổi mới khá toàn diện trên các mặt công tác: Tuyên truyền, chăm lo bảo vệ quyền lợi cho người lao động, động viên CNVCLĐ ở các cơ quan, doanh nghiệp hăng hái thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, vượt qua khó khăn thách thức, góp phần giúp cơ quan, doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ công tác, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; xây dựng đội ngũ CNVCLĐ ngày càng vững mạnh.

Có thể khẳng định, các hoạt động Công đoàn trong Tháng Công nhân đã huy động được nguồn lực của các cấp công đoàn, của hệ thống chính trị, cùng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tạo sức lan tỏa, khẳng định vai trò, vị trí của các cấp Công đoàn và thực hiện tốt phương châm “Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo cho người lao động”.

Công đoàn ngành đã thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động, khám sức khỏe định kỳ, thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân viên hoặc gia đình có người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức các hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các biện pháp đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động trong các doanh nghiệp.

Phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề trong đoàn viên, người lao động đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng thường xuyên được Công đoàn ngành đẩy mạnh. Mỗi năm toàn ngành đã có trên 3.500 công nhân lao động được bổ túc tay nghề và thi nâng bậc thợ; trên 14.500 CNVCLĐ được huấn luyện công tác ATVSLĐ theo định kỳ. Trên 700 cán bộ, nhân viên, người lao động học đại học, lý luận chính trị trung, cao cấp; trên 1.800 cán bộ, nhân viên, người lao động học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ.

Hưởng ứng các hoạt động, phong trào thi đua trong toàn ngành

Có thể nói, các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động là một trong những dấu ấn nổi bật của Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội. Với khối hành chính sự nghiệp, các đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã phấn đấu thi đua thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch và chủ đề công tác hàng năm của Thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Thành phố.

Bài 3: Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, hạt nhân tiên phong các phong trào thi đua
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội trao hỗ trợ nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên.

Các đoàn viên khối doanh nghiệp ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô hàng năm. Vận động công nhân lao động ra sức thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới quy trình làm việc, tăng năng suất lao động. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh và quản lý kinh tế; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tính riêng trong giai đoạn 2018-2023, đã có 25 lượt đơn vị được tặng cờ và 80 lượt đơn vị được tặng bằng chứng nhận “Tổ chức tốt điều kiện sống và làm việc trong CNVCLĐ ngành Xây dựng Hà Nội” do Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam tặng. Hàng năm, các phong trào thi đua đều được tổng kết, đánh giá, nhân rộng điển hình tiên tiến; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp Công đoàn và chuyên môn khen thưởng.

Toàn ngành có gần 4.000 công nhân giỏi cấp cơ sở, 430 công nhân giỏi cấp ngành Xây dựng Hà Nội, 26 công nhân giỏi cấp Thành phố và cấp ngành Xây dựng toàn quốc. Hàng năm, có 23-25 cá nhân được khen thưởng “Sáng kiến sáng tạo” cấp Công đoàn Ngành. Riêng năm 2022, trong chiến dịch thi đua cao điểm 35 ngày hoàn thành giai đoạn 1 của chương trình “Một triệu sáng kiến” (từ 25/4-31/5), Công đoàn ngành Xây dựng đã đóng góp 3.177 sáng kiến chất lượng, đạt tỉ lệ 257% kế hoạch giao.

Công đoàn Ngành luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng lao động nữ trên các lĩnh vực công tác, quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công, Ban nữ công quần chúng, Câu lạc bộ Nữ công Công đoàn ngành. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động nhằm khuyến khích động viên chị em hăng hái tham gia các phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, xây dựng “Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu” gắn với phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” với 4 tiêu chí “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Trong 5 năm qua, toàn ngành có 9.201 nữ đoàn viên đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp cơ sở và 146 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai phong trào, 555 lượt nữ CNVCLĐ “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” tiêu biểu cấp Ngành; 540 gia đình tiêu biểu được biểu dương cấp Ngành.

Công đoàn ngành tổ chức 28 lớp tập huấn cho trên 4.000 lượt cán bộ chủ chốt Công đoàn cơ sở với các nội dung: Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở vững mạnh, triển khai thực hiện Kế hoạch về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm Ngày truyền thống thành lập ngành Xây dựng Hà Nội (10/10/1954-10/10/2024), trong những ngày cả nước kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ; Sở Xây dựng Hà Nội và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tổ chức chương trình về nguồn và từ thiện tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Hà Tĩnh, địa điểm gắn bó sâu sắc với nhiều thế hệ ngành Xây dựng Hà Nội.

Cũng trong khuôn khổ chương trình “về nguồn”, Đoàn công tác của Sở Xây dựng Hà Nội - Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã trao tặng cho huyện Vĩnh Linh 150 triệu đồng và 60 chiếc xe đạp, mỗi chiếc trị giá 2,5 triệu đồng cho 60 em học sinh ở khu vực nông thôn, xa trung tâm, điều kiện học tập cũng như đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Chuyến đi cũng là buổi tập huấn, học tập kinh nghiệm trên cơ sở vận dụng lý thuyết vào điều kiện thực tế, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Với những đóng góp quan trọng, sự nỗ lực phấn đấu, thi đua trong những năm qua của cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, Công đoàn Xây dựng Việt Nam. Những thành tích đó đã khẳng định đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ ngành Xây dựng Hà Nội luôn là hạt nhân tiên phong đi đầu, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và Tổ chức Công đoàn.

Đây cũng là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của Ngành, của Thủ đô; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bài 4: Công tác cấp phép xây dựng, tô đậm dấu ấn đô thị thông minh, hiện đại

Vũ Chiến - Tiến Hào – Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load