Thứ bảy 23/11/2024 19:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

70 năm Sở Xây dựng Hà Nội trưởng thành và phát triển

Bài 1: Chặng đường dài kiến tạo Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

08:50 | 09/10/2024

LTS: Ngày 10/10/1954, trong không khí hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô, Sở Công chính Thành phố tiền thân của Sở Xây dựng Hà Nội ngày nay đi vào hoạt động. Kể từ đó, ngày 10/10 đã trở thành ngày truyền thống, ngày thành lập của Sở Xây dựng nói riêng và ngành Xây dựng Hà Nội nói chung. Trong chặng đường 70 năm qua, trải qua những dấu mốc đáng nhớ, những thời kỳ tách, nhập với những tên gọi khác nhau, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Sở Xây dựng Hà Nội luôn đoàn kết, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những khu đô thị mới, những nhà máy, bệnh viện, trường học, đường sá, các khu nhà ở hiện đại được mọc lên góp phần cho Thủ đô ngày càng văn minh - hiện đại. Kỷ niệm “70 năm ngày truyền thống, thành lập Sở Xây dựng Hà Nội” là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua với bao khó khăn thử thách, nhưng cũng đầy tự hào nhiệt huyết, là dịp để chúng ta định hướng chặng đường tiếp theo trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, mang tầm vóc khu vực và quốc tế.

(Xây dựng) – Trải qua 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Sở Xây dựng Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, từng bước lớn mạnh và khẳng định vị thế, vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng và kiến thiết Thủ đô, được đánh dấu bởi những mốc son hào hùng, những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Bài 1: Chặng đường dài kiến tạo Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong kiểm tra công tác chuẩn bị vận hành trạm bơm Yên Sở để phòng chống bão số 3. (Ảnh: Trung Đức)

Những kết quả đáng ghi nhận

Năm 1954, khi mới tiếp quản nhiệm vụ từ Ty Công chính và đi vào hoạt động, Sở Công chính thực hiện chức năng quản lý hành chính và sự nghiệp các ngành kiến trúc, giao thông, thủy lợi với các nhiệm vụ chính là tu sửa nhà cửa, công thự của các cơ quan; vệ sinh, cống rác, đường sá, cầu cống, đê điều, cấp nước, chiếu sáng, hệ thống cây xanh, cứu hỏa, quản lý quy tắc xây dựng Thành phố và một số việc khác. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở khi đó có 07 phòng chuyên môn và 07 đơn vị trực thuộc. Tại các đơn vị trực thuộc, lực lượng chủ yếu là lao động phổ thông quét rác và vệ sinh thùng; công nhân kỹ thuật rất ít, chủ yếu là thợ nề, thợ mộc; có một số ít công nhân cơ khí, sửa chữa ô tô làm việc tại xưởng máy công trình Phan Chu Trinh. Tuy số lượng cán bộ công nhân viên không nhiều, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng các cán bộ công nhân viên thuộc Sở đã vượt qua khó khăn, tham gia khôi phục sản xuất, giữ gìn vệ sinh, cung cấp điện, nước, đảm bảo nhu cầu đời sống cơ bản, thiết yếu của nhân dân trong công cuộc xây dựng kinh tế Thủ đô.

Từ năm 1954 đến nay, có thể tổng quát bộ máy và nhiệm vụ của Sở Xây dựng Hà Nội qua 05 giai đoạn: Giai đoạn tháng 10/1954 – 1964; Giai đoạn 1965 – 1975; Giai đoạn 1976 – 1985; Giai đoạn 1986 - tháng 8/2008 và giai đoạn từ tháng 8/2008 đến nay.

Năm 2008 là năm đánh dấu sự chuyển mình lớn mạnh của Sở Xây dựng Hà Nội trong quá trình phát triển, với 03 thay đổi lớn về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức: Tiếp nhận chức năng, tổ chức về nhà ở và công sở từ Sở Tài nguyên và Môi trường (theo Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 06/5/2008); tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị từ Sở Giao thông Công chính (theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 06/5/2008); đặc biệt ngày 02/8/2008, UBND Thành phố ban hành Quyết định thành lập Sở Xây dựng Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng Hà Tây và Sở Xây dựng Hà Nội.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Xây dựng đã có 03 lần rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy (năm 2016, 2021, 2023). Theo Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 23/12/2023 của UBND Thành phố, cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở có 13 phòng, ban (Tổ chức cán bộ; Kế hoạch - Đầu tư; Phát triển đô thị; Quản lý hạ tầng cấp, thoát nước; Quản lý cây xanh, chiếu sáng và công trình ngầm; Quản lý xây dựng; Cấp phép xây dựng; Pháp chế - Chính sách nhà ở; Kinh tế và vật liệu xây dựng; Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng, Văn phòng Sở, Thanh tra Sở) và 03 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hà Nội, Trung tâm Quản lý nhà Thành phố Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội) với 173 công chức, 191 viên chức.

Mặc dù, Sở Xây dựng là một trong những cơ quan chuyên môn của Thành phố với khối lượng công việc lớn, địa bàn quản lý rộng, tính chất công việc phức tạp, liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội và nhu cầu an sinh xã hội của người dân, nhưng công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở đã luôn đoàn kết, quyết tâm, thực hiện tốt các nhiệm vụ mới được tiếp nhận và triển khai hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, các Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch trung hạn, hàng năm, chuyên đề của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố với một số thành tựu, kết quả đạt được như sau:

Về việc thực hiện các chương trình công tác của Thành phố: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ Thành phố Hà Nội và các Chương trình công tác của Thành ủy, Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch, Chương trình triển khai, bám sát theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước theo lĩnh vực ngành trên địa bàn Thành phố. Trong đó, thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2020-2025”; xây dựng kế hoạch và thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025”; Tổ chức xây dựng và tham mưu UBND Thành phố ban hành 05 chuyên đề của Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025”, gồm: “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh công tác cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố”; “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng về quỹ nhà tái định cư trên địa bàn Thành phố”; “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn Thành phố”; Tổ chức xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan thường trực triển khai thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy. Sở đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại các chương trình, kế hoạch giai đoạn trung hạn, hằng năm của UBND Thành phố.

Về công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật: Sở đã tập trung nghiên cứu, soạn thảo, tham mưu Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý xây dựng theo quy hoạch chung của Thành phố. Sở đã tham mưu UBND Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg ngày 09/12/2020 về sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội. Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành 05 văn bản quy phạm pháp luật; 14 Kế hoạch chuyên ngành; 02 Đề án, 01 Chương trình; Tham mưu HĐND Thành phố ban hành 02 Nghị quyết. Năm 2024, thực hiện nhiệm vụ được UBND Thành phố giao, Sở Xây dựng đang thực hiện rà soát, nghiên cứu tham mưu xây dựng các Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND Thành phố nhằm cụ thể, chi tiết các quy định tại Luật Thủ đô 2024 về lĩnh vực ngành Xây dựng. Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thành phố trong lĩnh vực xây dựng hiện nay cơ bản đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, theo thẩm quyền, có tính khả thi cao khi được áp dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh trong công tác quản lý Nhà nước theo lĩnh vực ngành. Công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền pháp luật luôn được Sở Xây dựng chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng về hình thức.

Bài 1: Chặng đường dài kiến tạo Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Sở Xây dựng Hà Nội đã và đang thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan chủ trì trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Về công tác quy hoạch chuyên ngành: Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 05 quy hoạch chuyên ngành, bao gồm: Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, UBND Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, kế hoạch, đề án chuyên ngành dài hạn. Là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực xây dựng của Thành phố, Sở Xây dựng thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan chủ trì trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7; Tham gia với các Sở, ngành Thành phố trong việc xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng các quận, huyện, thị xã và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Về công tác phát triển đô thị, phát triển nhà ở: Được đánh giá là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của ngành, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các Kế hoạch, Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, 2021- 2025, Kế hoạch Phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. Sở thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện phát triển nhà ở theo dự án đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị. Tập trung xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội và được HĐND Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/9/2021.

Công tác thanh tra, quản lý trật tự xây dựng: Công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành luôn được Sở Xây dựng quan tâm, ban hành Kế hoạch Thanh tra hàng năm và tiến hành thực hiện theo đúng quy định. Với đặc thù của công tác quản lý trật tự xây dựng của Thủ đô, từ tháng 8/2018 đến nay, Hà Nội là đơn vị hành chính cấp tỉnh duy nhất trên toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập 30 Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Đã tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Công tác quản lý trật tự xây dựng tại cơ sở có sự tham gia phối hợp, giám sát của các cơ quan, đơn vị chức năng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương. Qua đó, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị có những chuyển biến tích cực, đã tập trung giải quyết dứt điểm nhiều trường hợp vi phạm, tồn đọng, hạn chế các vi phạm mới phát sinh và không để xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh, tỷ lệ số công trình có vi phạm đến hết năm 2023 giảm còn 2,51%, đến tháng 6/2024 chỉ còn 1,41%.

Những thành tựu, kết quả quản lý Nhà nước theo lĩnh vực ngành đạt được của Sở Xây dựng đã được Đảng, Nhà nước, Thành phố ghi nhận, xét tặng các huân chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2002, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2004, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2010, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1983, 2006, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1984, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014...

Mục tiêu, định hướng phát triển

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, cho thấy sự trưởng thành, lớn mạnh của Sở Xây dựng Hà Nội. Qua mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường phát triển, Sở Xây dựng Hà Nội đã ghi dấu ấn, khẳng định vị trí, vai trò của mình, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng khang trang giàu đẹp. Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng đại nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội phát huy kết quả đã đạt được và đặt ra mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới đối với từng lĩnh vực công tác để đáp ứng sự phát triển của Thủ đô:

Một là: Tiếp tục tập trung đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo phương châm 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “Một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hai là: Tăng cường cải cách hành chính, xây dựng cơ quan điện tử. Tập trung rà soát các thủ tục hành chính, các văn bản pháp quy, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, công khai minh bạch; Tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tích cực tham gia triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ.

Ba là: Tiếp tục nghiên cứu trình UBND Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương mới ban hành. Rà soát, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Sở liên quan đến thi hành Luật Thủ đô 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa về hạ tầng kỹ thuật đô thị, về nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư; quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng có hiệu quả.

Bốn là: Tiếp tục rà soát, tham mưu, xây dựng các quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch cấp nước Thủ đô, Quy hoạch thoát nước Thủ đô; Quy hoạch nghĩa trang Thành phố đến năm 2045, tầm nhìn 2065… để triển khai thực hiện tốt Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Năm là: Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, nhất là Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2020-2025”. Tập trung vào thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại các Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, đặc biệt là các chỉ tiêu về cấp nước sạch, nhà ở…

Sáu là: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển đô thị, phát triển nhà ở; quản lý nhà và thị trường bất động sản; công tác thanh tra, quản lý trật tự xây dựng...

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cán bộ đi trước, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Sở Xây dựng Hà Nội ngày nay luôn không ngừng nỗ lực, học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, hăng say làm việc để tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bài 2: Đảng ủy cơ quan Sở Xây dựng, hạt nhân chính trị lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển

Vũ Chiến - Khánh Hòa – Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load