Thứ sáu 27/12/2024 08:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực

16:46 | 11/12/2021

(Xây dựng) - Ngày 11/12, tại Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực bắt đầu từ năm 2021.

Với mục tiêu tăng cường sự gắn kết giữa các tổ chức dẫn đầu về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ của Việt Nam, tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ và đề xuất những giải pháp góp phần phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc.

phat trien khoa hoc cong nghe va doi moi sang tao nguon nhan luc
Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022.

Chia sẻ, bàn bạc thử nghiệm các chính sách Khoa học và Công nghệ có tính đột phá

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Từ thực tiễn hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua và yêu cầu cấp thiết của công cuộc phát triển Kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, diễn đàn nhằm thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng bộ với các pháp luật liên quan. Trong đó, tập trung vào các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách nhằm phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu;...

Ngay trong nhiệm kỳ này, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đăng ký trình Quốc hội 5 Luật, đều là những Luật sẽ có tác động lớn đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã “đặt hàng” Bộ nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng Luật Vũ trụ quốc gia trong thời gian tới.

“Quá trình xây dựng văn bản pháp luật này rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại 02 Viện Hàn lâm, 02 Đại học Quốc gia, là các đầu mối quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lớn nhất của đất nước. Sự tham gia từ sớm của các nhà khoa học, các nhà quản lý chắc chắn sẽ cung cấp được nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp các chính sách này gần gũi hơn với cuộc sống, mang lại hiệu quả chung cho ngành, cũng như cho sự phát triển của kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Theo Bộ trưởng, diễn đàn cũng được kỳ vọng là nơi chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá cùng thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; là nơi tập hợp nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để hình thành và giải quyết các bài toán lớn cho đất nước. Minh chứng cho việc này lãnh đạo Chính phủ cũng đã đặt hàng với Bộ trong thời gian qua, thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, nguồn lực, ngành Khoa học và Công nghệ có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn, trong thời gian ngắn, phục vụ rất thiết thực cho đất nước; là nơi cùng bàn việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Báo cáo “Xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030”, ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hóa các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Cụ thể Chiến lược bổ sung nội hàm về đổi mới sáng tạo, là cầu nối đưa Khoa học và Công nghệ vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, Khoa học và Công nghệ gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi Cụ thể Chiến lược bổ sung nội hàm về đổi mới sáng tạo. Trong đó, Khoa học và Công nghệ tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống.

Mục tiêu trong 10 năm tới, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); Đạt tối thiểu 45% tỷ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Đến năm 2030, đầu tư cho Khoa học và Công nghệ đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1% - 1,2% GDP và đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% - 70%. Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp...

Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành, trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế…

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò dẫn dắt

Đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ cho biết, để phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về sự phát triển của đất nước cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có những câu trả lời thoả đáng từ những người làm công tác khoa học xã hội nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng.

phat trien khoa hoc cong nghe va doi moi sang tao nguon nhan luc
Quang cảnh cuộc họp.

Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có kế hoạch, cụ thể, tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội. Đổi mới căn bản hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học theo hướng điện tử hóa, số hóa; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Là đơn vị dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích (410) trong khối Viện nghiên cứu và Trường đại học tại Việt Nam, đại diện Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học, công nghệ nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ.

Đại diện này cũng nêu quan điểm của Viện, đổi mới sáng tạo có tính liên ngành do đó cần thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng làm chủ tịch Hội đồng; Nhà nước cần giao quyền Sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu; cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các spin-off tại các Viện nghiên cứu và Trường đại học lớn. Đặc biệt cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn.

Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra đề xuất hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để cùng giải quyết các vấn đề bất cập, nổi cộm, quan trọng của ngành, đất nước, cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực có mối quan tâm chung, đó là, cùng thực hiện một nhiệm vụ lớn tạo sản phẩm quốc gia, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về tiềm lực Khoa học và Công nghệ; nhân lực Khoa học và Công nghệ trong các lĩnh vực, hệ thống Phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực, các sản phẩm công nghệ tiềm năng, các quan hệ hợp tác...; thí điểm các cơ chế chính sách về phát triển hợp tác giữa khối Academy – Doanh nghiệp, thí điểm thu hút nhân tài đổi mới sáng tạo, thí điểm về khoán chi Khoa học và Công nghệ đến sản phẩm cuối cùng….

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh chia sẻ, mặc dù mỗi đơn vị đều có cách tiếp cận riêng nhưng đều hướng tới mục tiêu phát triển triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tuy nhiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để phát triển đồng bộ không thể bỏ qua nghiên cứu cơ bản, bởi nghiên cứu cơ bản cung cấp luận cứ cho phát triển đồng bộ, liên ngành về Khoa học và Công nghệ.

Cũng tại diễn đàn, nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ các vấn đề liên quan. Các ý kiến đều cho rằng, cần gắn chiến lược triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với giáo dục đào tạo; tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu Khoa học và Công nghệ công lập và tư nhân; hình thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo đầy đủ các lực lượng như viện/trường/doanh nghiệp…; cần đo lường hoạt động về đổi mới sáng tạo cụ thể để đánh giá toàn diện khía cạnh Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để làm được cần xây dựng Cơ sở dữ liệu đầy đủ; nên có chiến lược đào tạo nhân lực khoa học giai đoạn 10 năm theo hướng cá thể hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã trình bày những vấn đề quan trọng về phát triển triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực từ quy mô địa phương đến quốc gia, từ các tổ chức đào tạo đến các tổ chức nghiên cứu hàng đầu, từ những vấn đề vướng mắc cụ thể đến các vấn đề về cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Tại Diễn đàn, các cơ quan tham dự cũng đã cùng nhau ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tới nhằm gắn kết giữa các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung để góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và lan tỏa sự liên kết này đến các thành phần rộng rãi hơn. Chương trình nhằm tư vấn chính sách, định hướng giải pháp phát triển triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực; chia sẻ thông tin về thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu…; xây dựng các mô hình liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo hàng đầu đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load