(Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung được đề cập tại cuộc tọa đàm “Kiến trúc mặt dựng kính” do Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng Cty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại Hồng Phúc và Cty Kính nổi Viglacera tổ chức, với sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ngày 5/12 vừa qua.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn.
Hào hứng với kính tiết kiệm năng luợng “Made in Việt Nam”
Tại cuộc tọa đàm, giới chuyên môn đã chia sẻ những kinh nghiệm khi sử dụng vật liệu kính, thiết kế mặt dựng kính cùng những xu hướng mới hướng tới giải pháp bền vững.
Phó giám đốc Cty Kính nổi Viglacera Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề toàn cầu, việc nghiên cứu và ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường đang trở thành một xu thế tất yếu. Trong bối cảnh đó, Tổng Cty Viglacera đã tiên phong phát triển VLXD công nghệ xanh bằng việc đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng (TKNL) với công nghệ và thiết bị được nhập khẩu từ Tập đoàn Von Ardenne (CHLB Đức), công suất 2,3 triệu m²/năm.
Với dây chuyền này, từ năm 2016, Cty Kính nổi Viglacera đã cho ra đời 2 dòng sản phẩm kính TKNL thế hệ mới là kính LOW-E và kính SOLAR CONTROL, đạt tiêu chuẩn DIN EN 1096:2012.
Kính LOW-E được sản xuất theo phương pháp phủ mềm trong môi trường chân không cao, bề mặt tấm kính được phủ lên một lớp bạc và nhiều lớp kim loại siêu mỏng. Kính có hệ số truyền sáng 60-70%, mức độ cản tia UV 70-77%, hệ số hấp thụ nhiệt SHGC 0,43-0,52, hệ số che nắng 0,49 – 0,6, độ truyền năng lượng mặt trời <48%, hệ sống truyền nhiệt U_ value <2,4W/ m².K.
Vào mùa đông, vách kính LOW-E sẽ giúp ngăn chặn hơi ấm từ bên trong tòa nhà thất thoát, truyền ra môi trường bên ngoài, giúp cho nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp. Vào mùa hè, kính LOW- E giúp ngăn chặn sức nóng từ mặt trời và các tia tử ngoại truyền qua vách kính, giữ cho không gian bên trong phòng luôn mát mẻ.
Với các thông số kỹ thuật nói trên, kính LOW – E giúp giảm chi phí cho hệ thống sưởi ấm không khí trong phòng đến 48%, giảm công suất điều hòa đến 50%.
Trong khi đó, kính SOLAR CONTROL là dòng sản phẩm công nghệ cao, với hệ thống các lớp phủ kim loại siêu mỏng, có khả năng phản xạ và hấp thụ bức xạ mặt trời, làm giảm lượng nhiệt hấp thụ từ bên ngoài.
Kính SOLAR CONTROL có hệ số truyền sáng 35- 50%, mực độ cản tia UV 71-99%, hệ số hấp thụ nhiêt SHGC 0,3- 0,5, hệ số che nắng 0,34 – 0,57, độ truyền năng lượng mặt trời <39%, hệ số truyền nhiệt U _value <2,6W/ m².K.
SOLAR CONTROL giúp giảm chi phí điện cho hệ thống làm mát không khí trong phòng đến 51%, giảm công suất của hệ thống điều hòa đến 55%, góp phần nâng cao góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Tại tọa đàm, các KTS có nhiều trải ngiệm trong thiết kế công trình, từng ứng dụng kính trong tạo dựng mặt đứng công trình tỏ ra hào hứng với các sản phẩm kính TKNL của Viglacera. Bởi đây là sản phẩm kính TKNL mang thương hiệu Việt Nam. Tại châu Á, hiện không có nhiều dầy chuyền sản xuất kính TKNL. Hơn nữa, so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, sản phẩm kính TKNL của Viglacera có tính năng ưu việt, hiệu quả hơn, giá cả hấp dẫn hơn.
Đại diện Cty Kính nổi Viglacera cho biết thêm: Sở dĩ các sản phẩm kính LOW-E và SOLAR CONTROL có giá bán tốt, không cao quá so với kính thường, để người sử dụng cân nhắc thay thế kính thường trong công trình bởi nhà đầu tư sản xuất tiên phong hưởng ứng chính sách phát triển VLXD xanh của Chính phủ. Bản thân Viglacera cũng xây dựng giá trên tinh thần phát triển sản phẩm tốt cho toàn xã hội chứ không phải chỉ vì lợi nhuận của riêng Viglacera.
Một số công trình mặt dựng kính tại Việt Nam
Dùng kính như thế nào cho hiệu quả?
Cũng tại tọa đàm, Giám đốc Cty CP Đầu tư sản xuất và thương mại Hồng Phúc, ông Ngô Quốc Huấn cũng giới thiệu quy trình gia công sản xuất kính an toàn cho cả 3 loại kính xây dựng phổ biến hiện nay là kính cường lực, kính dán, kính hộp.
Nhà gia công kính chuyên nghiệp này cũng đưa ra các tư vấn hữu ích cho các KTS trong quá trình thiết kế. Đó là các KTS cần nắm tính năng, hệ số kỹ thuật của từng loại kính để đưa vào công trình cho phù hợp. Khổ kính mà nhà sản xuất cung cấp cũng cần được cân nhắc kỹ trong thiết kế nhằm giảm tối đa lượng kính thừa không dùng đến, góp phần giảm chi phí cho chủ đầu tư. Trong việc khoan cắt kính phục vụ lắp dựng, đường kính tối thiểu của lỗ khoan bằng chiều dày của kính. Mũi khoan cách mép kính tối thiểu 2 lần chiều dày của kính…
Đến từ Singapore, KTS Sani Chang của Cty BFG cũng chia sẻ các kinh nghiệm trong việc thiết kế, thi công các mặt dựng kính. Ông này cho biết, để bảo đảm chất lượng hạng mục công trình, kính phải được kiểm soát chất lượng chặt chẽ trước khi đưa ra công trường. Trong thiết kế, KTS phải quan tâm các chỉ số kỹ thuật của kính mà nhà sản xuất công bố. Trong quá trình thiết kế công trình sử dụng kính, BFG luôn có sự tham vấn của nhà tư vấn mặt dựng, tư vấn cơ điện, tư vấn âm thanh…
Đề cập đến có nên phát triển hay không mặt dựng kính trong công trình tại Việt Nam? Sử dụng kính có là một xu thế phát triển bền vững không?
Câu trả lời của hầu hết mọi người là không nên hạn chế phát triển kính. PGS.TS Phạm Đức Nguyên bày tỏ quan điểm, không phản đối sử dụng kính nhưng cũng cần cần nhắc dùng như thế nào cho hợp lý. Vì dùng kính liên quan đến liên quan đến môi trường trong nhà, mức độ sử dụng năng luợng, số vốn đầu tư…
Theo PGS Nguyên, khi sử dụng kính sẽ liên quan đến 3 môi trường trong công trình, gồm môi trường ánh sáng, môi trường nhiệt vi khí hậu, môi trường âm thanh. Đối với môi trường ánh sáng thì phải quan tâm đến hệ số xuyên sáng của nó. Ở Việt Nam, thường muốn kính xuyên nhiều ánh sáng để chiếu sáng nhưng như vậy cũng sẽ xuyên một phần các bức xạ vào công trình, gây nóng.
PGS Nguyên cho rằng nếu thiết kế thêm kết cấu che nắng thì không cần dùng kính quá đắt tiền, chỉ cần dùng kính có hệ số truyền nhiệt u - value thấp là được. Do vậy, tại Việt Nam, việc đưa kết cấu che nắng, phong cách kiến trúc nhiệt đới vào là vô cùng cần thiết.
Đồng tình với quan điểm của PGS Nguyên, KTS Lê Trương (Tổng Giám đốc Cty CP Kiến trúc – Xây dựng TT Associates) cho rằng, bất kỳ môi trường, điều kiện khí hậu đều sử dụng kính được miễn là cấu tạo của lớp kính, mặt dựng kính thỏa mãn điều kiện của công trình.
Theo KTS Lê Trương, ở cả 3 khu vực nhiệt đới, ôn đới, hàn đới, tất cả công trình cao tầng đều sử dụng vật liệu kính. Bởi kính là vật liệu có những thuộc tính mà các vật liệu khác không có.
Đại diện của Hồng Phúc thì cho rằng, ngay cả những nơi nóng như Dubai người ta còn sử dụng kính vì kính rất đẹp, trọng lượng nhẹ, hiệu quả tốt. Đối với Việt Nam, thời gian chiếu sáng dài, mùa đông không lạnh nên việc lựa chọn, sử dụng kính SOLAR CONTROL là phù hợp.
Quý Anh
Theo