(Xây dựng) - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nêu rõ những vướng mắc và bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn. Báo cáo nhấn mạnh các khó khăn liên quan đến thủ tục cấp phép, quy định pháp luật và quản lý thực tế tại địa phương.
Kon Tum vẫn còn nhiều vướng mắc trong quản lý khoáng sản. |
Những bất cập trong chính sách và thực hiện pháp luật khoáng sản
Thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản: Luật Khoáng sản năm 2010 (khoản 1 Điều 64) quy định các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, như cát, sỏi, đất sét làm gạch, ngói và các loại đá. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về đất san lấp. Trong khi đó, các văn bản dưới luật lại xem đất san lấp là khoáng sản, áp dụng các cơ chế quản lý tương tự khoáng sản.
Thực tế, tại các công trình xây dựng, hoạt động đào, đắp đất từ nơi thừa đến nơi thiếu và tập kết đất dôi dư về bãi thải đều bị coi là khai thác, sử dụng khoáng sản. Điều này kéo theo nhiều thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính phức tạp. Nhiều đơn vị thi công, chủ đầu tư không hiểu rõ quy định, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Quyền gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước năm 2011: Điểm đ khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản năm 2010 cho phép các trường hợp được cấp phép trước ngày 1/7/2011 “có quyền đề nghị gia hạn”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010 lại quy định rằng giấy phép chỉ được thực hiện đến khi hết thời hạn.
Sự mâu thuẫn này khiến nhiều dự án bị đình chỉ khi giấy phép hết hạn, mặc dù trữ lượng khoáng sản trong mỏ chưa khai thác hết và tiền cấp quyền khai thác đã được nộp. Việc tạm dừng các dự án không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người lao động và gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông: Đặc thù địa hình tỉnh Kon Tum với đồi núi dốc, sông suối nhỏ có dòng chảy mạnh khiến trữ lượng cát, sỏi lòng sông biến động lớn theo mùa. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản năm 2010 chưa có quy định cụ thể về quản lý phần tài nguyên cát, sỏi được bồi lắng hàng năm. Việc không khai thác các tài nguyên này có thể gây lãng phí, trong khi các quy định hiện hành lại chưa tạo điều kiện cho khai thác hiệu quả.
Xác định khối lượng đất san gạt trong thi công: Nhiều công trình tại địa phương có độ dốc cao, cần san gạt để tạo mặt bằng. Tuy nhiên, việc xác định khối lượng đất này là khoáng sản hay không còn nhiều quan điểm khác nhau. Nếu xác định là khoáng sản, các dự án nhỏ vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục cấp phép, dẫn đến quy trình kéo dài, phức tạp và gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Đề xuất tháo gỡ bất cập
Trước những vướng mắc trên, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đã đưa ra một số đề xuất: Sửa đổi quy định thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản để phù hợp hơn với thực tế, đặc biệt là việc quản lý và khai thác đất san lấp. Bổ sung quy định quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo hướng tạo điều kiện khai thác các nguồn tài nguyên bồi lắng để tránh lãng phí. Làm rõ quy định về khoáng sản trong quá trình san gạt, đào đắp thi công để các dự án quy mô nhỏ không bị ảnh hưởng bởi quy trình thủ tục phức tạp.
Công bằng trong gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, bất kể giấy phép được cấp trước hay sau ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum có ý kiến với Quốc hội, nhằm ban hành các nghị quyết và quy định cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho địa phương phát triển bền vững ngành khai thác khoáng sản.
Những bất cập trong công tác quản lý khoáng sản không chỉ gây cản trở cho các dự án đầu tư, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân và làm giảm hiệu quả khai thác tài nguyên. Các kiến nghị từ Sở TN&MT tỉnh Kon Tum là cơ sở để cơ quan quản lý cấp cao xem xét, điều chỉnh, đảm bảo phát triển bền vững và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý giá của địa phương.
Bá Tứ
Theo