Thứ sáu 19/04/2024 15:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển hạ tầng đô thị xanh: Hướng tới đô thị an toàn, bền vững

19:03 | 05/12/2022

(Xây dựng) - Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng hạ tầng xanh đang được quan tâm và đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn đề nan giải hiện nay của đô thị. Theo các chuyên gia, việc ứng dụng hạ tầng xanh tại Việt Nam là cần thiết nhằm xây dựng các đô thị chống chịu thích ứng hướng đến phát triển bền vững.

Phát triển hạ tầng đô thị xanh: Hướng tới đô thị an toàn, bền vững
Việc ứng dụng hạ tầng xanh tại Việt Nam là cần thiết nhằm xây dựng các đô thị chống chịu thích ứng hướng đến phát triển bền vững (ảnh minh họa).

Khái niệm hạ tầng xanh

Khái niệm hạ tầng xanh (HTX) lần đầu tiên được đề xuất bởi hai nhà nghiên cứu Mark A. Benedict và Edward T. McMahon từ năm 2002. Theo đó, HTX là “…một mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang đến các lợi ích cho con người”.

Giờ đây, khái niệm HTX được mở rộng hơn, không chỉ bao gồm các không gian xanh mà còn là “các nguồn tài nguyên sinh vật trong đô thị được con người điều chỉnh để phục vụ các chức năng sinh thái và mang lại lợi ích cho con người (Matthews và cộng sự, 2015). Khái niệm HTX còn được sử dụng thay thế cho các khái niệm hạ tầng Xanh – Xanh (Blue – Green Infrastructure), hạ tầng nước mưa xanh (Green Stormwater Infrastruture) hay phát triển tác động thấp (Low – Impact Development).

Trong đó, HTX không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh hay xây dựng các không gian xanh đô thị mà còn rất nhiều các giải pháp phải được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô (từ quy mô nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng).

Khái niệm HTX cũng đã được đề cập tại Hội thảo Quản lý và Xây dựng hạ tầng đô thị xanh hướng tới phát triển bền vững do Bộ Xây dựng, Tổ chức HealthBridge và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức mới đây tại Đà Nẵng.

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết: Khái niệm HTX còn tương đối mới trong quản lý đô thị, cả ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Đó là mạng lưới các thành tố “xanh” được bảo tồn, tăng cường hoặc được thiết lập nhằm giải quyết các vấn đề của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận “xây dựng hạ tầng thân thiện với môi trường, hài hòa cùng thiên nhiên”…

Các thành phần chính của cách tiếp cận này bao gồm quản lý nước mưa và nước thải thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cải thiện chất lượng không khí, nước sạch, giao thông thông minh, cùng các chức năng hạ tầng xã hội như tăng chất lượng sống thông qua cung cấp không gian xanh cho hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, cung cấp bóng mát và tạo đặc trưng cảnh quan đô thị…

Dưới góc độ quản lý, Chính phủ Việt Nam đã từng bước tiếp cận, quan tâm đến các vấn đề phát triển hạ tầng đô thị xanh, bền vững thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Việt Nam cũng chủ động tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm chủ động, hợp tác thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Nhằm triển khai cụ thể các nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định phát triển kết cấu HTX, bền vững là một nội dung định hướng chiến lược, giao Bộ Xây dựng thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh...

Lợi ích của hạ tầng xanh

Theo TS. Nguyễn Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phát triển HTX mang lại rất nhiều lợi ích cho đô thị thông qua các dịch vụ hệ sinh thái của HTX.

Về kinh tế, phát triển HTX giúp giảm đáng kể các chi phí đầu tư cho các giải pháp chống ngập đô thị, nâng cao chất lượng và trữ lượng nước (đặc biệt là nước ngầm), đồng thời tiết kiệm năng lượng sử dụng thông qua việc giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị (urban heat island). Ví dụ, chi phí xây dựng và bảo trì mái xanh cho các công trình thường cao hơn 10 – 14% so với các giải pháp mái che thông thường. Tuy nhiên, hệ thống này giúp tiết kiệm 15 – 45% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm, chủ yếu qua việc giảm đáng kể các chi phí điện cho hệ thống làm mát, điều hòa nhiệt độ. Hơn nữa, mái xanh còn giúp cải thiện cảnh quan đô thị, hấp thụ và lọc nước mưa, thanh lọc ô nhiễm không khí…

Hay Newcomb Avenue Green Street là một dự án thí điểm của thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) nhằm đánh giá lợi ích của việc triển khai cơ sở HTX đối với hệ thống cống kết hợp của San Francisco. Khối mô hình tìm cách cung cấp nhiều lợi ích bao gồm làm đẹp đô thị, làm dịu giao thông, tăng không gian tụ họp cộng đồng…

Ngoài ra, phát triển HTX còn làm tăng giá trị bất động sản, phát triển du lịch và tạo cơ hội việc làm tại các khu vực có các không gian xanh.

Về lợi ích của HTX mang lại cho cộng đồng, các chuyên gia cho biết, HTX sẽ giúp nâng cao không gian cộng đồng và làm đẹp đường phố; cải thiện tình trạng đường phố và an toàn cho người đi xe đạp và đi bộ; tăng tính đa dạng sinh học và mang lại màu xanh cho các khu dân cư; tạo ra một môi trường sống dễ sống hơn cho các loài chim, thực vật bản địa và cư dân; lưu giữ nước ngầm; giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị; cải thiện chất lượng không khí; tạo công ăn việc làm; giảm chi phí xử lý nước thải và tiêu thụ năng lượng…

Thách thức và giải pháp

Đối với các đô thị đã và đang phát triển, việc phục hồi hay xây dựng các không gian xanh là một quá trình vô cùng tốn kém do quỹ đất trống trong đô thị ngày một ít đi, cùng với áp lực trong việc phát triển kinh tế và nhu cầu về mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng tăng. Vì vậy, các đô thị hiện nay tận dụng tất cả các không gian dù là nhỏ nhất để phát triển các giải pháp HTX ở nhiều quy mô và diện tích khác nhau.

Theo các chuyên gia, việc quy hoạch và phát triển HTX còn gặp khá nhiều khó khăn thách thức từ phía các chính quyền địa phương, nhà quy hoạch, chủ đầu tư liên quan đến thiết kế và kỹ thuật, pháp lý, các yếu tố kinh tế - xã hội, đầu tư; thiếu thông tin về HTX, các yếu tố nhân khẩu học, quan điểm nhận thức và thái độ… từ phía người dân và cộng đồng.

Mặc dù việc quy hoạch và phát triển HTX phải đối mặt với nhiều thách thức, việc ứng dụng HTX tại Việt Nam là vô cùng cần thiết nhằm xây dựng các đô thị chống chịu thích ứng hướng đến phát triển bền vững.

Do đó, để đảm bảo các nguyên tắc trong quy hoạch HTX và giải quyết các thách thức trong việc ứng dụng HTX, cần xây dựng các cơ sở pháp lý về HTX để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển HTX; quy hoạch, xây dựng, vận hành và duy trì HTX phải dựa trên sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là của cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư bất động sản và hạ tầng kỹ thuật đô thị; cần lồng ghép cơ sở HTX trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị - nông thôn; đẩy mạnh hợp tác giữa Chính phủ, các viện trường, doanh nghiệp và cộng đồng để chuyển giao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc phát triển HTX ở Việt Nam…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load