Thứ sáu 26/04/2024 01:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phát triển giao thông, hiện thực hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị

19:13 | 24/05/2023

(Xây dựng) - Một tuyến đường với 10 làn xe kết nối giữa Tây Ninh và Bình Dương là ý tưởng được Tổng Công ty Becamex IDC đề xuất tại chương trình ký kết hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Phát triển giao thông, hiện thực hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị
Lãnh đạo hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương trong chương trình ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ mang ý nghĩa về quan hệ hợp tác giữa hai địa phương mà còn là điều kiện phát triển quy hoạch, ổn định dân sinh và kết nối giao thương kinh tế toàn vùng theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam bộ.

Theo đề xuất, tuyến đường sẽ được nối từ huyện Bàu Bàng, qua huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) đến huyện Dương Minh Châu, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Tuyến đường sẽ đi qua một số khu công nghiệp, đây là điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp cũng như các khu đô thị, dịch vụ tại hai địa phương. Becamex IDC cũng đề xuất một số dự án được cụ thể hóa nội dung về phát triển hành lang công nghiệp Phnôm Pênh - Tây Ninh - Bình Dương - Long Thành - Cái Mép; đường kết nối công nghiệp Bình Dương - Tây Ninh; đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Tây Ninh.

Phát triển giao thông, hiện thực hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị
Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ.

Ngoài ra, Becamex IDC cùng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đề xuất nhiều ý tưởng về phát triển giao thông không chỉ kết nối giữa Bình Dương - Tây Ninh mà còn tạo hành lang giao thương với nước bạn Campuchia; mở khu liên hợp công nghiệp đô thị dịch vụ tại Tây Ninh. Hai tỉnh thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường và cầu kết nối ĐT.789 (Tây Ninh) với ĐT.744 (Bình Dương), khai thác tuyến vận tải hành khách từ Tây Ninh đi Bình Dương và ngược lại. Triển khai các nội dung có liên quan đến hai địa phương về các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, như mạng lưới đường bộ, đường thuỷ nội địa, phát triển giao thông dọc sông Sài Gòn.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết: Trước đó, hai địa phương cũng đã có những nghiên cứu, khảo sát về tuyến đường 10 làn xe kết nối giữa Tây Ninh và Bình Dương với mong muốn tạo sức bật cho phát triển công nghiệp, văn hóa, xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các nhà đầu tư mạnh dạn nghiên cứu đề xuất để hiện thực hóa các ý tưởng đã trình bày.

Phát triển giao thông, hiện thực hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị
Một cây cầu kết nối Tây Ninh và Bình Dương là niềm mong ước của người dân hai tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: Để hiện thực hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, tỉnh Bình Dương chọn Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trong số 9 tỉnh ký thỏa thuận. Các đề xuất sẽ được nghiên cứu để đưa vào trong quy hoạch của hai tỉnh, quá trình thực hiện có thể sẽ phát sinh những khó khăn nhưng lãnh đạo hai tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi, đồng hành với nhà đầu tư để hiện thực hóa các ý tưởng hợp tác, góp phần phát triển cho hai địa phương.

Vùng Đông Nam bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm hướng tới đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng. Tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN và thế giới.

Yphong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load