Nội dung các phiên làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đang thu hút sự quan tâm của cử tri và đông đảo độc giả, khán thính giả của các cơ quan truyền thông.
Bên cạnh những phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp, các cuộc thảo luận tại tổ hay tại hội trường đều được báo chí cập nhật đầy đủ.
Nhiều vấn đề từ diễn đàn Quốc hội là xuất phát điểm cho các cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Dĩ nhiên ở góc độ người dân, các cử tri đưa ra những nhận xét đa chiều về ý kiến và quan điểm mà các đại biểu nêu lên. Đó có thể là lời khen cho các phát biểu truyền tải được tâm nguyện của cử tri, đi thẳng vào vấn đề nóng và đưa ra kiến nghị xác đáng. Đó có thể là những góp ý, hiến kế đầy tâm huyết của chuyên gia với đại biểu Quốc hội. Đó cũng có thể là ý kiến trái chiều từ người dùng mạng xã hội, vì cho rằng một phát biểu cụ thể nào đó trên nghị trường còn chung chung, chưa sâu sắc, chưa chạm đến vấn đề cử tri bức xúc.
Những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, cụ thể như: tình trạng một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm; hiện tượng cắt điện và vấn đề nhập khẩu điện, sử dụng năng lượng tái tạo; các giải pháp phục hồi tăng trưởng; cơ chế đặc thù cho TPHCM - đầu tàu kinh tế của đất nước.v.v… cũng là các chủ đề nổi bật trên báo chí và mạng xã hội.
Một phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng). |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã bàn luận về việc một đại biểu dành nửa thời gian trong bài phát biểu của mình để nói về vấn đề trang phục truyền thống, áo dài ngũ thân… Cho rằng bàn về trang phục truyền thống là cần thiết, có những ý kiến ủng hộ đại biểu này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác đề nghị trong khuôn khổ diễn đàn Quốc hội nên ưu tiên thời lượng thảo luận về quốc kế dân sinh, tránh đưa lên chủ đề nào đó chưa thật sự cấp bách làm "loãng" chương trình nghị sự.
Sự quan tâm cũng như bàn luận của cử tri, của người dân về nội dung, chất lượng thảo luận trên diễn đàn Quốc hội là hoàn toàn chính đáng. Thiết nghĩ những quan tâm đó cũng chính là sự giám sát của cử tri đối với hoạt động của đại biểu.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc Quốc hội các nước trong đó có nước ta họp phiên toàn thể để thảo luận về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, về các vấn đề của đất nước, gắn liền với những triết lý sâu xa của hoạt động nghị viện. Trong đó, mỗi vị đại biểu đều có nghĩa vụ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Dĩ nhiên tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì rất nhiều, đa dạng, nên người đại biểu với tầm và tâm của mình, với kỹ năng phát biểu của mình sẽ lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất, đáng nói nhất để nêu lên trên diễn đàn Quốc hội.
Ở đây chế độ trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri là chế độ trách nhiệm chính trị. Cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm thông qua các nhận xét, hài lòng, khen ngợi hoặc phê phán. Ngoài ra, cử tri có thể áp đặt chế độ trách nhiệm bằng sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định rõ trách nhiệm của đại biểu với cử tri, trong đó có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri… Trường hợp đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình thì phát biểu là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của đại biểu. Ở đây, sự quan tâm, giám sát của cử tri là động lực để đại biểu hoạt động tích cực hơn, có trách nhiệm hơn, vận dụng tốt hơn quyền của mình để truyền tải được ý nguyện của cử tri gửi gắm đến các cấp chính quyền, tạo ra sự thay đổi về mặt chính sách, luật pháp, từ đó tạo sự chuyển biến cụ thể, thúc đẩy phát triển.
Trong các phiên thảo luận toàn thể trên hội trường, với quy định mỗi đại biểu nêu ý kiến lần thứ nhất không quá 7 phút, lần thứ hai không quá 3 phút, tranh luận mỗi lần không quá 3 phút, thì việc các vị đại biểu lựa chọn nội dung phát biểu ra sao, tranh luận như thế nào càng cần phải rất cân nhắc, chọn lọc.
Về phía cử tri có nhiều phương thức để đánh giá hoạt động của một đại biểu Quốc hội, trong đó phổ biến nhất là thông qua việc xem, nghe, đọc các ý kiến của đại biểu trên nghị trường. Cùng với sự quan tâm sâu sắc của cử tri với hoạt động của các đại biểu, chúng ta có cơ sở kỳ vọng rằng, chất lượng của những cuộc thảo luận tại Quốc hội sẽ ngày càng được nâng cao hơn.
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn