(Xây dựng) - Chiều 25/6, Quân chủng Phòng không - Không quân ủy nhiệm cho Ban Chỉ huy Sư đoàn 371 phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái và chính quyền địa phương tổ chức buổi gặp mặt, trao số tiền 80 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ làm nhà cho vợ liệt sỹ Lương Thị Lưu.
Các đại biểu chung vui với gia đình bà Lương Thị Lưu. |
Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng quê hương đất nước và bảo vệ Tổ quốc đã có biết bao người con ưu tú chiến đấu, hy sinh anh dũng trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Và đằng sau đó là những nỗi chờ mong khắc khoải đêm ngày, cũng như những nỗi đau khôn nguôi, không gì bù đắp nổi của những người mẹ, người vợ, người con mỗi khi nhận được tin sét đánh qua giấy báo tử người con, người chồng, người cha thân yêu của họ vĩnh viễn không trở về. Để lại những lo toan, bươn chải, gồng gánh gia đình trong cuộc sống còn vô vàn khó khăn, vất vả đè nặng trên vai những người phụ nữ góa bụa khi không còn người trụ cột trong gia đình.
Mẹ Lương Thị Lưu ở thôn 4 xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) là một trong muôn vàn những trường hợp như thế. Năm 1968, người chồng thân yêu của mẹ là ông Nguyễn Văn Nhân nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, quân nhân Nguyễn Văn Nhân cùng đồng đội lên đường, hành quân vào Nam chiến đấu để lại ở hậu phương 4 người con gái cho người vợ một mình nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ - trong đó có cô gái út là người không được biết mặt cha.
Gần 8 năm tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường Tây Nguyên, ngày 10/3/1975, Trung đoàn đặc công 198 nhận nhiệm vụ đánh vào sân bay Buôn Mê Thuột và trong trận chiến này, quân nhân Nguyễn Văn Nhân đã hy sinh, trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay thân yêu của đồng đội.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước cờ đỏ sao vàng tung bay, nhân dân cả nước náo nức, vui mừng đón chào chiến thắng thì cũng là ngày 5 mẹ con mẹ Lương Thị Lưu nhận được giấy báo tử báo tin người chồng của mẹ, người cha của các con đã không trở về, mãi mãi vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vỹ.
Tìm hiểu về gia cảnh của mẹ Lương Thị Lưu, phóng viên được biết, xã Phú Thịnh hiện nay và Văn Lãng trước đó không phải là nơi quê cha, đất tổ của mẹ. Mẹ vốn sinh ra và lớn lên ở xã Đông Lý, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Khi trưởng thành, với nếp nghĩ, tư tưởng đã có từ xa xưa, “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, mẹ được gả cho một thanh niên kém tuổi là Nguyễn Văn Nhân ở xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Hôn nhân tuy không xuất phát từ tình yêu nhưng đã đơm hoa kết trái bởi sự kỳ diệu của nó. Vợ chồng mẹ đã sinh hạ được 4 người con gái, tình cảm gia đình ngày càng ấm cúng, gắn kết. Song cuộc sống cũng có những nghiệt ngã vốn có của nó khi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, cần phải có quý tử để “nối dõi tông đường” vẫn còn đeo đẳng trong nhận thức của nhiều người, trong nhiều gia đình và mẹ Lương Thị Lưu cũng không nằm ngoại lệ. Mâu thuẫn giữa mẹ và bố mẹ, gia đình nhà chồng đã bắt đầu nảy sinh; lục đục nội bộ gia đình luôn diễn ra ngày càng gay gắt, trầm trọng. Đỉnh điểm là đến một ngày, cả 5 mẹ con mẹ đã phải dắt díu nhau rời khỏi nhà trong sự xua đuổi, khinh rẻ của bên gia đình nhà chồng. Điểm đến của mẹ Lương Thị Lưu và 4 người con là ven một bìa rừng nguyên sinh, có thể nói là nơi rừng thiêng, nước độc, thú dữ vẫn còn rình rập, đe dọa tính mạng người và vật nuôi trong vùng. Cả gia đình sống trong một túp lều được bà con nhân dân nơi đây giúp đỡ, cất dựng để có nơi nương náu tạm thời qua ngày, với những bữa ăn chủ yếu là sắn và rau, củ đào bới, kiếm được trong rừng.
Sau một thời gian, được sự quan tâm của chính quyền địa phương (xã Văn Lãng lúc bấy giờ), gia đình mẹ được cấp đất làm nhà ở, đất ruộng, vườn để canh tác, thâm canh, trồng lúa, trồng rau màu tại thôn 4 - xã Phú Thịnh hiện nay. Cuộc sống của gia đình mẹ bước đầu vượt qua đói nghèo, thiếu thốn.
Thời gian cứ thế trôi đi, mọi vật sẽ vần xoay theo quy luật tự nhiên vốn có của nó, những người con của mẹ ngày một lớn lên, được học hành cơ bản và trưởng thành, xây dựng gia đình, yên bề gia thất, cuộc sống cũng tạm đủ cơm ăn, áo mặc của cuộc sống lao động, sản xuất thuần nông, tự cung, tự cấp. Còn mẹ Lương Thị Lưu tóc bạc, sức khỏe yếu dần, đi lại có phần chậm chạp, nét mặt đầy nếp nhăn vẫn hằn in những vất vả, cực nhọc của những năm tháng khó khăn, vất vả, lo toan, thay chồng nuôi dạy các con khôn lớn.
Ở tuổi 84, mẹ Lương Thị Lưu vẫn ở một mình trong một ngôi nhà cũ kỹ, dột nát, mẹ không muốn làm phiền các con, vì mẹ nghĩ, “đứa nào cũng có phận của chúng”. Điều mà mẹ Lương Thị Lưu thấy ấm lòng và an ủi lúc tuổi già là các con gái, con rể đều quan tâm đến mẹ già và nhiều người được ở gần nhà mẹ, nên có điều kiện trông nom, chăm sóc mẹ mỗi khi trái nắng, trở trời, ốm đau. Song các con của mẹ đều chung một nỗi khổ tâm, day dứt trong lòng vì kinh tế gia đình còn khó khăn, nên chưa có điều kiện cùng nhau sửa chữa hoặc làm nhà mới cho mẹ, nơi ở và nơi thờ cúng người cha là liệt sỹ vì thế vẫn phải ở trong một căn nhà dột nát, có thể nói không thể dột nát được hơn nữa.
Cuộc sống sinh hoạt của mẹ trông chờ vào số tiền trợ cấp của Nhà nước cho thân nhân liệt sỹ là 2.055.000 đồng/tháng và khoản trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi là 360.000 đồng/tháng. Xót xa thay, với số tiền cộng lại được gần 3.000.000 đồng này, mẹ Lương Thị Lưu không được xếp vào diện hộ nghèo theo tiêu chí đối với hộ gia đình nông thôn hiện nay nhưng lại phải đang sống trong ngôi nhà cũ nát, đã được cất dựng trong hơn 4 thập kỷ qua.
Thay mặt Quân chủng Phòng không - Không quân, Đại tá Lê Viết Uy - Phó Chính ủy Sư đoàn 371 trao 80 triệu đồng kinh phí hỗ trợ cho bà Lương Thị Lưu. |
Nhà báo Đồng Quang Hưng, nguyên Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái trong một lần đi thực tiễn ở cơ sở đã có bài “Ước mơ về một căn nhà của người vợ liệt sỹ” đăng trên Báo điện tử Xây dựng nói về trường hợp của mẹ Lương Thị Lưu. Nội dung bài báo đã gây một tiếng vang, tạo nên hiệu ứng xã hội tích cực, lan tỏa sâu rộng, được một số các đồng chí lãnh đạo địa phương quan tâm, nhiều cơ quan, đơn vị, các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng cảm sâu sắc, hưởng ứng, đồng hành. Trong đó, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã chủ động đứng ra làm cầu nối vận động các nhà tài trợ và nhận được sự nhất trí của lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ ủng hộ, hỗ trợ kinh phí để cùng với gia đình, con cháu làm nhà tình nghĩa cho mẹ Lương Thị Lưu.
Ông Trần Ngọc Luận - Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, được sự ủy nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trao tặng tivi cho bà Lương Thị Lưu. |
Sau 2 tháng thi công, căn nhà xây cấp 4, có diện tích gần 60m2, khang trang, sơn bóng trắng sáng, mái lợp tôn xốp, trần nhôm, nền gạch hoa, công trình phụ khép kín, với tổng kinh phí 200.000.000 đồng đã hoàn thành. Ước mơ tưởng như xa vời của mẹ Lương Thị Lưu đã trở thành sự thật khi có sự ủng hộ của Quân chủng Phòng không - Không quân, tổ chức hội, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ ngày công lao động, san gạt mặt bằng, đào móng, vận chuyển vật liệu.
Chiều 25/6/2024, Đoàn công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam do Trung tướng Trần Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn và Quân chủng Phòng không - Không quân, nhà tài trợ chính, đã ủy nhiệm cho Ban Chỉ huy Sư đoàn 371 phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái và chính quyền địa phương tổ chức buổi gặp mặt, trao số tiền 80.000.000 đồng, kinh phí hỗ trợ làm nhà cho mẹ Lương Thị Lưu. Đặc biệt, sau khi đọc bài báo của nhà báo Đồng Quang Hưng, biết được hoàn cảnh của mẹ Lương Thị Lưu, ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chia sẻ, động viên, tặng mẹ Lương Thị Lưu 01 chiếc TV Sony nhân dịp khánh thành nhà mới. Hội đồng học cấp III khóa 1970 - 1973 thành phố Yên Bái trao tặng mẹ Lương Thị Lưu 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, trong dịp này, mẹ Lương Thị Lưu cũng còn nhận được nhiều phần quà có giá trị do Văn phòng Tỉnh ủy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, đại diện lãnh đạo huyện Yên Bình, Đảng ủy, UBND xã Phú Thịnh trao tặng cùng với sự chung vui, chúc mừng tốt đẹp của các cơ quan, tổ chức đoàn thể và bà con nhân dân trong xã, trong thôn.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thịnh cho biết: Xã Phú Thịnh nằm trong khu vực trung tâm của huyện Yên Bình, có 1.557 hộ, dân số 5.601 người. Trong 3 cuộc chiến tranh giành độc lập, xã đã có 52 liệt sỹ, 34 thương bệnh binh, 03 Mẹ Việt Nam anh hùng, 6 người là nạn nhân chất độc da cam. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể xã Phú Thịnh luôn quan tâm và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, chương trình tri ân, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; thường xuyên chăm lo, động viên, thăm hỏi, giúp đỡ đối với người có công với cách mạng. Đời sống kinh tế của các gia đình người có công đã có nhiều thay đổi, từng bước được nâng cao và phát triển.
Hiện nay, xã Phú Thịnh còn 4 hộ gia đình chính sách cần được hỗ trợ kiên cố hóa nhà ở. Dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp Nhà Bia tưởng niệm liệt sỹ với tổng kinh phí 500.000.000 đồng sẽ hoàn thành trong dịp Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 sắp tới.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Ngà cũng bày tỏ mong muốn, tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo xóa bỏ nhà dột nát, nhà tạm, góp phần xây dựng huyện Yên Bình, xã Phú Thịnh phấn đấu huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Ngọc Giang Sơn
Theo