(Xây dựng) - Những ngày cận Tết Nguyên đán, hàng nghìn công nhân và cán bộ kỹ thuật vẫn miệt mài làm việc để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm ở miền Tây.
Thi công cầu Rạch Miễu 2 nhìn từ trên cao. |
Tại công trường xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, tiến độ tổng thể của dự án đã hoàn thành hơn 75,12%, nhanh hơn 0,36% so với kế hoạch. Đặc biệt, phần cầu chính của công trình đã vượt tiến độ hơn 17%.
Cụ thể, dự án đã thi công trên toàn bộ tuyến đường dài khoảng 14km. Ngày 9/12/2024, công tác thi công thử bê tông nhựa đã được triển khai, chuẩn bị cho việc thi công đại trà mặt đường theo từng phân đoạn tại các khu vực thuộc tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Dự án đã hoàn thành 3/6 cây cầu, gồm cầu Mỹ Tho, cầu Tam Sơn và cầu Ba Lai. Hiện, 3 cầu còn lại đang được thi công, bao gồm cầu Xoài Hột, cầu Rạch Miễu 2 và cầu Sông Mã. Mục tiêu của dự án là hoàn thành cầu Xoài Hột và cầu Sông Mã trước ngày 30/4/2025, cầu Rạch Miễu 2 trước ngày 30/10/2025.
Mới đây, tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ hợp long dự án cầu Đại Ngãi 2, nối huyện Cù Lao Dung, giữa sông Hậu với đất liền phía Sóc Trăng.
Dự án cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 15km, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 và số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1703/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023.
Theo Ban Quản lý dự án 85, đến nay hạng mục công trình chính cầu Đại Ngãi 2 đã hoàn thành trên 70% khối lượng và được hợp long cầu đúc hẫng Đại Ngãi 2 ngay trong những ngày đầu năm 2025 (vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch).
Cầu Đại Ngãi nằm trong quy hoạch trục dọc ven biển kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các cảng biển và khu kinh tế ven biển.
Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng không chỉ phục vụ việc phát triển kinh tế, thực hiện thành công chiến lược biển mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam.
Không khí làm việc hối hả trên các công trình giao thông ở miền Tây những ngày cuối năm |
Còn tại dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua Cần Thơ (dự án thành phần 2), cũng đang được triển khai với tốc độ khẩn trương. Công trường luôn sôi động với tiếng máy móc và sự nhộn nhịp của kỹ sư, công nhân, tất cả đều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Văn Mai (SN 1972, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), chia sẻ: Khi chưa có công trình cao tốc, ông ở nhà làm 5 công ruộng trồng lúa, còn vợ thì mua bán nhỏ lẻ. Quần quật suốt năm, hai vợ chồng chỉ đủ lo cho con cái ăn học.
Sau đó, ông Mai cũng được nhận vào làm công nhân ở Gói thầu số 11. “Công việc của tôi là ở bộ phận cuộn bấc thấm với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Công trình nằm ở gần nhà, mỗi ngày đi làm rất thuận tiện, cao tốc đã giúp nhiều lao động ở địa phương có cuộc sống ổn định hơn. Mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường, anh em công nhân luôn phải cố gắng làm việc để đảm bảo tiến độ”, ông Mai cho hay.
Cuối năm, công trường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sôi động với không khí làm việc khẩn trương. Hàng chục công nhân, kỹ sư và phương tiện máy móc được huy động để thảm những mét nhựa bê tông đầu tiên, đánh dấu cột mốc quan trọng sau gần 2 năm khởi công.
Tại dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhà thầu đã huy động thiết bị chuyên dụng để thảm bê tông nhựa, dưới sự giám sát của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và tư vấn.
Hình ảnh thi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ. |
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đang thi công 21km đường và 10 cầu. Đến nay, đơn vị đã triển khai 5 mũi thi công cầu và 9 mũi thi công đường, với khoảng 500 công nhân, kỹ sư và các phương tiện máy móc được huy động tối đa để đẩy nhanh tiến độ.
Đại tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn Nam (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, đoạn thảm nhựa dài khoảng 250m. Sau khi kiểm tra chất lượng, nhà thầu sẽ thảm bê tông nhựa toàn tuyến chính và các cầu do đơn vị đảm nhận.
Việc thảm nhựa đầu tiên đánh dấu bước chuyển từ thi công nền đường sang hoàn thiện mặt đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đồng thời là cơ hội để đánh giá chất lượng, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn nếu có.
Anh Bùi Xuân Tới, cán bộ lái máy của Tổng Công ty Trường Sơn chia sẻ, đã gắn bó với công trường từ khi khởi công. Dù rất nhớ nhà, nhớ quê, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến nhưng mọi người vẫn quyết định ở lại vì công trình trọng điểm quốc gia này…
Giang sơn - Phạm Hổ
Theo