Thứ bảy 09/11/2024 00:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Những điểm mới trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng

11:19 | 01/03/2021

(Xây dựng) – Cùng với việc quy định chi tiết một số nội dung của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP giải quyết những vấn đề mới phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

nhung diem moi trong quan ly chi phi dau tu xay dung 300387
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP giải quyết những vấn đề mới phát sinh, tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.

Quy định chi tiết Luật

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng và của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng; chuyển trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở từ người quyết định sang chủ đầu tư...

Nghị định đồng thời quy định chi tiết những nội dung quản lý hệ thống định mức xây dựng, sửa đổi quy định về phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn “vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác” sang “vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác” cho phù hợp với quy định tại Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 và các quy định pháp luật có liên quan.

Xác định và quản lý tổng mức đầu tư, dự toán

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP tạo sự linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo sự chính xác trong lựa chọn phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng, việc lựa chọn phụ thuộc vào nội dung, mức độ chi tiết về thiết kế công trình, dự án thể hiện trong bước thiết kế cơ sở.

Nghị định quy định giao cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án hoặc chủ đầu tư (trong trường hợp đã xác định được chủ đầu tư) tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí các công việc ở giai đoạn chuẩn bị dự án.

Loại bỏ quy định việc thẩm tra phục vụ thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng chỉ thực hiện đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A hoặc dự án có kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ cao; bổ sung, quy định rõ phạm vi, nội dung cần thẩm định đối với tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh; quy định cụ thể trường hợp cần có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, trường hợp chỉ cần các cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư kiểm tra để giảm thiểu thủ tục.

Nội dung về thẩm quyền phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh được dẫn chiếu sang Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo bao quát tất cả các trường hợp cũng như đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định.

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với dự toán gói thầu xây dựng. Theo đó, dự toán gói thầu xây dựng có thể xác định theo dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt hoặc được xác định từ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở khi người quyết định đầu tư cho phép, góp phần tạo hành lang pháp lý khi thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện các dự án xây dựng công trình theo tuyến, các dự án có quy mô lớn triển khai theo từng giai đoạn (phân kỳ đầu tư).

Quy định giao chủ đầu tư thực hiện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và các chi phí tính chung cho cả dự án, góp phần hạn chế phát sinh thủ tục không cần thiết và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP loại bỏ, sửa đổi, bổ sung tương tự như đối với các quy định về tổng mức đầu tư xây dựng đối với các quy định về việc mời tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định hoặc yêu cầu thẩm tra dự toán xây dựng công trình; phạm vi, nội dung thẩm định; thẩm quyền phê duyệt dự toán xây dựng công trình cũng được. Những vướng mắc liên quan đến sử dụng chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng đã được tháo gỡ.

Định mức, giá xây dựng công trình

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định, trong quá trình lập dự toán, tổ chức, cá nhân lập dự toán xây dựng có trách nhiệm lập danh mục các định mức dự toán mới, định mức dự toán cần điều chỉnh và tổ chức xác định các hao phí định mức; chủ đầu tư xem xét, quyết định việc sử dụng các định mức này, nhằm tháo gỡ vướng mắc và phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý thực hiện dự án.

Giới hạn lại các trường hợp phải khảo sát; quy định cụ thể các nội dung chuẩn xác lại định mức; quy định rõ mục đích của việc khảo sát, chuẩn xác lại định mức, nhằm tháo gỡ bất cập trong thực hiện các quy định trước, tiết kiệm nguồn lực, hạn chế tranh chấp và ý kiến khác nhau trong thanh quyết toán hợp đồng và vốn đầu tư xây dựng.

Quy định các nội dung về giá xây dựng công trình xác định trên cơ sở định mức dự toán và giá các yếu tố đầu vào phù hợp với mặt bằng giá thị trường; theo đơn giá xây dựng do UBND cấp tỉnh công bố; trên cơ sở giá thị trường hoặc theo giá tương tự tại các công trình đã thực hiện. Thẩm quyền công bố các thông tin về giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công xây dựng được phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng (thay vì UBND cấp tỉnh). Tần suất công bố các thông tin về giá nói trên cũng được sửa đổi theo hướng giảm để tránh lãng phí nguồn lực, phù hợp với tình hình biến động của từng địa phương.

Sửa đổi, bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng hơn các quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng, nguyên tắc xây dựng, quản lý hệ thống, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh và các chủ thể có liên quan trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống, cung cấp và kiểm soát thông tin.

Chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về thuê tư vấn nước ngoài, sửa đổi phạm vi chi phí quản lý dự án, sửa đổi quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng… Đặc biệt, việc quy định về xử lý chuyển tiếp đã bao quát các trường hợp trong thực tế, hạn chế tối đa những khoảng trống trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đi vào thực tiễn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án công, tạo thị trường xây dựng cạnh tranh, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load