(Xây dựng) - Gác lửng hay gác xép trong nhà không chỉ là giải pháp nhằm nới rộng diện tích cho ngôi nhà mà còn là nơi để mọi người cảm nhận sự tiện nghi và riêng tư, đồng thời góp phần tạo điểm nhấn cho ngôi nhà. Vậy, làm sao để thiết kế nhà có gác lửng vừa tạo nên nét đẹp độc đáo, mới lạ, vừa giúp tiết kiệm diện tích, chi phí, hãy cùng Báo điện tử Xây dựng tìm hiểu một số bí quyết sau đây.
Lựa chọn tông màu sáng, nhạt
Không giống như nhà tầng, nhà cấp 4 tuy diện tích mặt bằng khiêm tốn hơn, vì vậy gia chủ nên sử dụng những gam màu như trắng, vàng nhạt, kem, be... làm màu sơn tường chủ đạo để tạo cảm giác hài hòa, thông thoáng, góp phần “ăn gian” diện tích cho ngôi nhà.
Xác định vị trí, kích thước ngôi nhà phù hợp
Vị trí hay kích thước gác lửng phụ thuộc vào không gian chung của nhà cấp 4, gác lửng phải được đặt ở vị trí sao cho ngôi nhà vẫn rộng rãi, thoải mái, không bị tù túng và bí bách. Diện tích gác lửng thường chiếm ⅔ diện tích của một tầng và tổng diện tích gác lửng không được vượt quá 80% tầng trệt.
Với những nhà cấp 4 có diện tích nhỏ, có thể sử dụng linh hoạt, tận dụng làm phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ… Mà thậm chí còn trở thành không gian vui chơi, nghỉ ngơi hoặc chứa đồ tiện lợi.
Đối với nhà cấp 4 sở hữu diện tích lớn hơn, gia chủ có thể tăng số phòng ngủ ở tầng trệt, gác lửng hoặc dùng gác lửng làm không gian sinh hoạt chung, giúp mang đến cho mọi người cảm giác về một không gian rộng rãi, hiện đại hơn.
Chọn nội thất đơn giản, đa năng
Những mẫu nhà cấp 4 có gác lửng hầu hết đều sở hữu diện tích không quá lớn, chính vì vậy hãy ưu tiên sử dụng nội thất đơn giản, đa năng tạo không gian sống thông thoáng, rộng rãi hơn.
Đặc biệt, các kệ treo tường tiết kiệm diện tích hoặc kệ góc đứng là gợi ý lý tưởng cho các gia chủ, vừa tạo không gian bề mặt sàn thoáng đãng, vừa gia tăng thêm sự tiện nghi cho mọi thành viên trong gia đình.
Xác định về chiều cao
Chiều cao của tầng lửng được xác định dựa trên chiều cao của tầng trệt ngôi nhà. Thông thường, ở nước ta, khi xây dựng nhà cấp 4 có gác lửng, chiều cao tầng trệt khoảng 7m, tầng lửng khoảng 2,2m - 2,5m.
Để tổng thể kiến trúc nhà cấp 4 có gác lửng hoàn hảo nhất và tạo cảm giác thông thoáng, các gia chủ không nên thiết kế tầng lửng thấp hơn 2m và vượt quá 3m bởi sẽ gây khó khăn cho quá trình xây dựng cũng như làm ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ đẹp thẩm mỹ toàn bộ ngôi nhà.
Quan tâm đến yếu tố phong thủy
Khi thiết kế gác lửng cho nhà cấp 4, gia chủ cần đảm bảo sự thông thoáng cho không gian này để tránh nội khí bị tù hãm. Sử dụng thiết kế kiểu lệch tầng sẽ khiến gác lửng cao hơn, đồng thời tránh khoảng không thông tầng phía trước bị dư thừa. Đây chính là giải pháp tạo thế “nở hậu theo chiều cao” để nhà có hướng đi lên, thông thoáng và bề thế hơn.
Thông thường gác lửng sẽ có mái nghiêng, thiết kế xà ngang cần tránh chèn ép trên đỉnh gác lửng bởi đây là điều tối kỵ trong phong thủy. Hoặc không nên dùng cầu thang thẳng kết nối với gác lửng mà nên thiết kế cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng lửng vừa tạo điểm nhấn cho ngôi nhà, vừa giúp khí có thể được giữ lại.
Đoan Trang (Ảnh: Internet)
Theo