(Xây dựng) - Cây cảnh không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà mà còn thanh lọc không khí, giúp không gian sống trong lành hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để chúng luôn xanh tốt? Hãy cùng tham khảo một vài bí quyết đơn giản sau đây.
Cắt tỉa cây thường xuyên
Việc cắt tỉa thường xuyên cho cây nhằm có thể loại bỏ những bộ phận già cỗi, hư bệnh hoặc phát triển èo uột, không đồng đều, không chỉ giúp cây phát triển toàn diện hơn mà còn đảm bảo vẻ đẹp thẩm mỹ cho chậu cây. Bên cạnh đó, có thể ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công từ các loại côn trùng và sâu bệnh gây hại. Hoặc có thể xén bớt rễ để rễ không phát triển vượt trội so với chậu làm nứt vỡ chậu.
Đối với các cây thân cỏ thì mỗi tháng chúng ta có thể cắt một lần. Còn đối với các cây thân cao to chúng ta cắt tỉa mỗi khi chúng lớn lên và phá vỡ hình dáng bon sai ban đầu của cây.
Chọn nơi nhiều ánh sáng
Ánh sáng là điều kiện tiên quyết để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Tùy từng đặc điểm của mỗi loại cây sẽ có lượng ánh sáng khác nhau. Có những loại cây cảnh chịu được ánh sáng thấp, nhưng có những cây cảnh cần ánh sáng tự nhiên mới phát triển được.
Tuy nhiên, dù là những cây có khả năng chịu ánh sáng thấp thì vẫn phải đảm bảo đầy đủ ánh sáng cho cây phát triển. Với những cây ngoài trời thì thường yêu cầu ánh sáng cao hơn những cây trồng trong nhà, do đó, nên chọn những vị trí có nhiều ánh sáng, gió để đảm bảo một môi trường thông thoáng cho cây quang hợp, phát huy tối đa khả năng tạo diệp lục cho lá, mang đến một bầu không khí xanh mát cho ngôi nhà.
Nếu đặt cây cảnh trong phòng khách, bạn nên đảm bảo đặt cây ở vị trí có khoảng 2 - 3 giờ có ánh sáng tự nhiên trong phòng. Hoặc bạn nên đặt cây phơi nắng 2 - 3 giờ mỗi tuần để cây phát triển tự nhiên. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm ánh sáng phát ra từ loại đèn giống như ánh sáng mặt trời giúp cây có thể quang hợp được như môi trường bên ngoài, cây sẽ phát triển tốt hơn.
Chọn chất đất tốt
Trồng cây trong chậu nhưng cũng nên lưu ý đến đất trồng, bởi đây là nơi trực tiếp nuôi sống cây và giúp cây đứng vững. Tốt nhất là nên lót một lớp xơ dừa dưới đáy chậu rồi mới cho đất thịt vào chậu và trồng cây để đảm bảo chậu vừa sạch, lại vừa không gây ngập úng nước. Một lớp xơ dừa trên cùng cũng rất quan trọng để đảm bảo độ ẩm tốt cây luôn tươi.
Chọn vị trí đặt chậu cây
Vị trí đặt chậu cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Do đó, bạn nên áp dụng quy tắc đặt chậu thông minh và khoa học, đó là chậu cao đặt bên trong, chậu thấp đặt bên ngoài, hoa thấp xen với bụi cây thấp, hoa cao chung với bụi cây cao. Cách đặt như vậy sẽ không khiến cây cao to che hết ánh sáng của cây thấp nhỏ, đồng thời giúp bạn dễ chăm sóc hơn.
Sử dụng phân bón phù hợp
Lượng phân bón cho cây cảnh phù hợp sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển của cây. Nếu bạn bón quá nhiều phân, cây nhanh phát triển, làm mất dáng và phá thế. Thậm chí còn làm chết cây. Nhưng nếu bón quá ít sẽ dẫn đến cây thiếu dưỡng chất, khó phát triển và làm chết cành. Vì vậy, cách tốt nhất là khoảng nửa tháng bón phân cho cây một lần, tỉ lệ bón 5% phân tổng hợp cho cây và nên bón cách gốc khoảng 10cm. Lưu ý sau khi bón nên tưới đẫm cho cây rồi đặt ở nơi thông thoáng. Việc này sẽ giúp cây dễ hấp thụ phân bón hơn. Ngoài ra, dùng nước vo gạo để tưới cây cũng có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của cây.
Chú ý phòng trừ sâu bệnh cho cây
Nếu như chúng ta làm tốt bước cắt tỉa cho cây thì bước này làm rất đơn giản. Khi thời tiết chuyển mùa thì thời điểm này sâu bệnh bắt đầu sinh sôi nảy nở, bạn phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Lưu ý khi phun thuốc bảo vệ thực vật, cần phải chọn loại thuốc có nguồn gốc xuất sứ đảm bảo để không ảnh hưởng đến con người.
Ngoài ra, khi cây cảnh bị sâu bệnh tấn công nhiều thì nên hỏi ý kiến của các chuyên gia để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Tóm lại, chăm sóc cây cảnh không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng về kỹ thuật, mà còn là sự quan tâm. Bạn chỉ cần lưu ý một số bí quyết trên, cây sẽ không bị sâu bệnh và phát triển tươi tốt.
Đoan Trang (Ảnh: Internet)
Theo