Thứ sáu 27/12/2024 04:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Như Thanh (Thanh Hoá): Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc

23:03 | 10/12/2022

(Xây dựng) - Là huyện miền múi còn nhiều khó khăn, để triển khai thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM) phù hợp với đặc thù của địa phương, huyện Như Thanh đã có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, gắn xây dựng NTM với phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hỗ trợ chương trình phát triển OCOP.

Như Thanh (Thanh Hoá): Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc
Trường Mầm non xã Phượng Nghi.

Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM, ngay từ đầu năm 2022, sau khi kiện toàn lại Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ kinh phí thưởng trong xây dựng NTM và thưởng các chủ thể có sản phẩm được công nhận Ocop; hỗ trợ về ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ mô hình chăn nuôi con đặc sản và hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2026. Với mức thưởng dù còn khiêm tốn, nhưng đã mang lại tác dụng rõ rệt, tạo động lực thúc đẩy mục tiêu xây dựng NTM tại các địa phương trong huyện, góp phần đem lại những thành quả đáng phấn khởi trong phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Về kết quả thực hiện chương trình, đối với công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (điều kiện tiên quyết trong xây dựng NTM), đến nay Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Như Thanh đến năm 2045 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Về quy hoạch chung xây dựng xã, đã có 9/13 xã thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030, còn lại 4 xã đã hoàn thành Đồ án đang chờ phê duyệt.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và phát triển sản phẩm OCOP. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo theo hướng phát huy thế mạnh sẵn có như: Phát triển kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng, chăn nuôi cây con đặc sản, sản xuất rau an toàn, kết hợp xây dựng các mô hình vườn hộ, trang trại chăn nuôi tổng hợp, cùng với thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai… qua đó, trong năm 2022 toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác kết hợp nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, tích tụ tập trung ruộng đất được 381ha để tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Như Thanh (Thanh Hoá): Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc
Nhà văn hóa thôn Bái Đa, xã Mậu Lâm.

Cũng năm 2022, các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao ngày càng được phát huy và nhân rộng như: Mô hình cây thanh long ruột đỏ xã Xuân Du; mô hình trồng cam, quýt, bưởi xã Yên Lạc; mô hình rau an toàn xã Phú Nhuận, Yên Thọ; mô hình trồng rau má, nho sữa xã Xuân Du; mô hình trồng dưa công nghệ cao xã Yên Thọ, mô hình cây thức ăn xanh cho trang trại bò sữa, mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại. Trong đó, đáng chú ý là những mô hình, trang trại chăn nuôi lớn như trang trại bò sữa quy mô 2.000 con, trang trại chăn nuôi lợn ngoại tập trung quy mô 11.000 con… Cùng với đó, đến nay toàn huyện đã có 574,7ha thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, liên kết sản xuất vùng chuyên canh mía 158,3ha, lợi nhuận 30 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất trồng ngô thức ăn chăn nuôi 392,2 ha, lợi nhuận 50-60 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất trồng rong riềng 10ha; các mô hình trồng thanh long ruột đỏ, trồng nho sữa đem lại thu nhập cao. Cũng trong năm 2022, huyện đã xây dựng thành công 4 chuỗi sản xuất, 2 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn và 2 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm, đạt 100% kế hoach. Nhờ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng mức thu nhập bình quân toàn huyện năm 2022 lên 49,5 triệu đồng/người/năm.

Đối với Chương trình phát triển sản phẩm OCOP, nhờ có mục tiêu phù hợp, phát triển sản phẩm dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, năm 2022, toàn huyện có thêm 3 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh gồm: Thanh long ruột đỏ xã Xuân Du, mật ong thiên nhiên Phượng Nghi và nem ống An Cúc, nâng tổng số đạt OCOP toàn huyện lên 7 sản phẩm. Với kết quả đạt được, Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Như Thanh đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân các dân tộc, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM của huyện. Đáng phấn khởi hơn, thông qua công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hiện tại cả 7 sản phẩm OCOP của huyện đều đã có mặt tại các cửa hàng tại địa bàn huyện, thành phố Thanh Hóa và các chợ đầu mối của tỉnh cũng như trên sàn thương mại điện tử.

Như Thanh (Thanh Hoá): Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc
Như Thanh (Thanh Hoá): Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc
Một góc làng quê xã NTM Mậu Lâm.

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, năm 2022, tổng giá trị huy động xây dựng NTM toàn huyện đạt trên 442 tỷ đồng. Trong đó giá trị huy động từ cộng đồng dân cư đạt xấp xỉ 280 tỷ đồng, chiếm 63,3% tổng nguồn vốn. Qua đó, đã xây mới, mở rộng, nâng cấp hàng trăm km đường giao thông nông thôn, đường trục thôn, nội thôn, xây mới và cải tạo 98 cầu, cống dân sinh, kiên cố hóa nhiều km kênh mương, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, trạm điện. Làm mới và nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa trung tâm xã, trung tâm thể thao văn hóa thôn, bản, trường học, trạm y tế, bể thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt…

Như Thanh (Thanh Hoá): Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc
Mở rộng, nâng cấp, xây dựng rãnh thoát nước đường ngõ xóm tại xã Hải Long.

Cùng với xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng 13/13 xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường cũng được chú trọng, đến nay trên địa bàn huyện đã có 99,64% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, 79,94% hộ gia đình được sử dụng nước sạch. 11/13 xã tổ chức thu gom, xử lý rác tập trung. Cùng với đó, các thôn, bản đều có hương ước về bảo vệ môi trường và duy trì thường xuyên các hoạt động giữ gìn vệ sinh khu vực nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, không xả nước sinh hoạt, chăn nuôi ra ngoài, thu gom rác thải, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nói không với túi ni lông, cải tạo cảnh quan, trồng hoa, cây xanh, tổ chức và duy trì dọn vệ sinh, nạo vét rãnh thoát nước, kênh mương.

Về kết quả thực hiện mục tiêu của chương trình, về xã NTM: Tổng tiêu chí xã NTM toàn huyện đạt 191 tiêu chí, bình quân 14,69 tiêu chí/xã. Về xã NTM nâng cao: Tổng toàn huyện đạt 111 tiêu chí, bình quân 8,53 tiêu chí/xã. Về đạt chuẩn NTM, đến nay toàn huyện có 9/13 xã đã về đích NTM (69,2%). Kết quả NTM nâng cao: Dự kiến năm 2022, Như Thanh sẽ có thêm 1 xã đạt NTM nâng cao, nâng tổng số đạt NTM nâng cao lên 3 xã (đạt 23,07%).

Về xây dựng thôn, bản NTM: năm 2022, toàn huyện dự kiến có thêm 2 thôn, bản đạt NTM, nâng tổng số thôn, bản đạt chuẩn NTM của huyện lên 78 đơn vị. Nhưng do sáp nhập các thôn, bản nên toàn huyện còn 71 thôn, bản đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 49,65%. Về xây dựng NTM kiểu mẫu, dự kiến năm 2022 có thêm 5 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 17 thôn, bản, tỷ lệ đạt 11,88%.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện Như Thanh đặt mục tiêu năm 2023, thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; thêm 2 thôn đạt chuẩn NTM và 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load