(Xây dựng) - Trong lịch sử ra đời các Hội nghề nghiệp sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, thì Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam là Hội được thành lập sớm nhất.
Chúng ta đã tạo dựng những đô thị rộng lớn, những công trình hiện đại… nhưng lại rất thiếu bãi đỗ xe, công viên, bệnh viện, trường học, nhà trẻ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chính phủ và Bác Hồ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ lần thứ 2 chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay từ lúc ấy, với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi, Bác Hồ đã chủ trương tập hợp các KTS, những trí thức trẻ được đào tạo ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hiện sống tản mát ở nhiều nơi, để họ có điều kiện đem tài năng, trí tuệ phục vụ kháng chiến và chuẩn bị cho công cuộc tái thiết nước nhà sau khi kháng chiến thành công. Thực hiện chỉ đạo của Người, ngày 27/4/1948, tại vùng núi Thản Sơn ở chiến khu Việt Bắc, một số KTS nòng cốt như Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Ngọc Chân, Đoàn Văn Minh, Ngô Huy Quỳnh, Khổng Toán… đã tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam (tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay). Hội nghị đã rất vinh dự được Bác gửi Thư động viên và căn dặn.
Trong thư Bác viết: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.
69 năm đã đi qua, trải qua biết bao hy sinh, mất mát, ngày hôm nay, đất nước ta đang dần trở nên giàu mạnh, vững bước trên con đường Đổi mới và hội nhập quốc tế. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang theo hướng văn hóa, văn minh, hiện đại. Đội ngũ KTS cũng ngày càng lớn mạnh. Từ vài chục KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng, đến nay cả nước đã có gần 18 nghìn KTS trong đó hơn 6 nghìn người là hội viên Hội KTS Việt Nam. Kiến trúc đã góp phần quan trọng vào thành công của quá trình đô thị hóa và sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Kiến trúc Việt Nam cũng đã được ghi danh trên bản đồ kiến trúc thế giới. Tuy nhiên, soi chiếu những điều Bác căn dặn, thì kiến trúc Việt Nam còn nhiều vấn đề phải làm, phải suy nghĩ!
Bác dặn, KTS phải “tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”. Phải “đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch chương trình đúng với đời sống mới”. Với nông thôn, Bác nhắc nhở, phải “chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. Chúng ta đã tạo dựng nên một khối lượng kiến trúc khổng lồ với những đô thị rộng lớn, những công trình hiện đại, tiện nghi và cũng rất hoành tráng… nhưng chúng ta lại rất thiếu bãi đỗ xe, công viên, bệnh viện, trường học, nhà trẻ. Chúng ta xây rất nhiều các khu nhà ở cao cấp dành cho người giàu, nhưng lại rất thiếu nhà ở rẻ tiền cho người nghèo đô thị, công nhân các KCN. Chúng ta lấy đất của nông thôn để xây resort, sân golf… nhưng lại không quan tâm đến nhà ở của nông dân, của đồng bào nghèo các dân tộc miền núi, đồng bào vùng lũ lụt… Nhiều đồ án quy hoạch phát triển đô thị được lập với một tư duy hạn hẹp, thiếu tính dự báo, lấn át cảnh quan thiên nhiên, xa rời thực tế… Những dự án kiến trúc với vốn đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí còn để hoang, gây lãng phí… hình thức kiến trúc không phù hợp với hiện tại và cả với tương lai, làm tốn kém tiền bạc của nhân dân.
Chúng ta đang xây dựng nông thôn mới, nhưng diện mạo kiến trúc nông thôn đang bị biến đổi lệch lạc bởi đô thị hóa cưỡng bức. Làng quê truyền thống đang bị phố hóa. Nông thôn chưa có nhiều kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền, phù hợp với lối sống, điều kiện kinh tế còn khó khăn của nông dân. Chúng ta còn rất hiếm những dự án kiến trúc vì cộng đồng, vì xã hội như: Chương trình tôn nền làm nhà vượt lũ cho đồng bào các tỉnh ĐBSCL; Chương trình cải tạo chỉnh trang hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP.HCM… Trong đào tạo, chúng ta ít đổi mới, ít truyền cảm hứng sáng tạo cho sinh viên trên cái nền đòi hỏi của thực tiễn xã hội, của đời sống nhân dân. Một bộ phận KTS đã và đang chạy theo xu hướng thương mại hóa kiến trúc, xa rời bản sắc văn hóa, lối sống của dân tộc. Kinh tế thị trường đã và đang làm biến màu sáng tạo cao quý của KTS, đó là thực tế cay đắng. Thậm chí, một vài giải thưởng Kiến trúc danh giá, nơi tôn vinh tài năng cũng đang bị mất dần uy tín bởi chất lượng của các tác phẩm đoạt giải.
Thế giới ngày hôm nay đang đứng trước những hiểm họa khôn lường của chiến tranh, khủng bố, của biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên. Việt Nam cũng không nằm ngoài mối lo chung đó.
Hơn bao giờ hết, nhiệm vụ kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, thân thiện và nhân văn cho con người lại được trao cho KTS. Và đó cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ xã hội cao cả của KTS.
Những ngày này, cả nước đang tiến tới kỷ niệm 42 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, chúng ta cùng nhau đọc lại Thư của Bác để suy ngẫm, soi chiếu vào công việc của kiến trúc hôm nay, từ đó xốc lại hành trang vững vàng đi tiếp trên con đường sáng tạo đầy gian khó, để xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đại, tiên tiến, nhân văn và bản sắc.
KTS Phạm Thanh Tùng
Theo