Chủ nhật 22/12/2024 13:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Nhiều khuất tất tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên

08:00 | 31/07/2017

(Xây dựng) - Không những để xảy ra những sai phạm trong công tác đào tạo hệ Đại học, Thạc sỹ và Tiến sỹ, lãnh đạo Trường Đại học Y dược Thái Nguyên – Đại học Thái Nguyên còn bị tố thêm nhiều khuất tất trong công tác bổ nhiệm cán bộ và trục lợi cá nhân.

Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh ở bài viết trước, theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh H, quy trình tổ chức đào tạo Tiến sỹ tại Đại học Y Thái Nguyên lộ rõ dấu hiệu tiêu cực, theo đó trước khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, nghiên cứu sinh đã được “tiết lộ” danh tính người phản biện độc lập (kín) đối với luận án của mình.

Cụ thể như đối với trường hợp nghiên cứu sinh Chu Hồng Thắng, nguyên là một lãnh đạo tại Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên hiện đang công tác tại Viện trang thiết bị và các công trình Y tế - Bộ Y tế và nghiên cứu sinh Phạm Mạnh Công, (sinh năm 1978 - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) trong quá trình hoàn thiện hồ sơ bảo vệ luận án đều được lộ danh tính những người phản biện kín, vi phạm nghiêm trọng pháp luật; không tuân thủ theo quy chế đào tạo Tiến sĩ hiện hành.

Không những thế, việc PGS.TS Dương Hồng Thái hướng dẫn nghiên cứu sinh Chu Hồng Thắng thực hiện luận án Tiến sĩ: “Đặc điểm dịch tễ bệnh cao huyết áp của người Nùng trưởng thành ở tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả một số giải pháp can thiệp” thuộc chuyên ngành Vệ sinh Xã hội học và Tổ chức Y tế hoàn toàn trái với  Quyết định phê duyệt danh mục hướng dẫn nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ và danh sách các nhà khoa học tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh của Đại học Thái Nguyên bởi chuyên ngành Vệ sinh Xã hội học và Tổ chức Y tế, mã số 62720164 có 20 nhà khoa học được hướng dẫn nghiên cứu sinh không có tên PGS.TS Dương Hồng Thái. Trong Quyết định này, ông Thái chỉ được hướng dẫn chuyên ngành Nội tiêu hóa mã: 62720163.

Còn nhớ, năm 2014 cũng tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, câu chuyện một vị Phó giáo sư(PGS) giữ chức trưởng một bộ môn của trường đại học này đồng ý giúp đỡ một người chuyên buôn gỗ lấy được tấm bằng tiến sĩ y khoa với “chi phí bồi dưỡng” 200 triệu đồng cũng đã gây “bão” dư luận cả nước.Cuối năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên trong các lĩnh vực liên kết đào tạo, thu chi tài chính, công tác tổ chức cán bộ.


Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Kết luận Thanh tra của số 357 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ: Quá trình thanh tra cho thấy công tác đào tạo của Trường Đại học Y dược Thái Nguyên bộc lộ nhiều thiếu sót, lỏng lẻo. Chương trình đào tạo thạc sĩ chưa được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung hằng năm. Nhà trường vẫn sử dụng giáo trình được biên soạn từ năm 2011. Thời gian đào tạo quy định từ 1,2-2 năm, chương trình đào tạo thạc sĩ 1,5 năm dành cho đối tượng đã có bằng Bác sĩ chuyên khoa cấp I nhưng không có quy định học phần nào được miễn và thẩm quyền cho miễn các học phần…

Không những để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác đào tạo Đại học, Thạc sỹ và Tiến sỹ, lãnh đạo Trường Đại học Y dược Thái Nguyên còn bị tố cố tình không thực hiện quy trình bổ nhiệm lại kế toán trưởng để bà Nguyễn Thị Hằng Nga đương nhiên vẫn là kế toán trưởng mặc dù bà Nga đã hết nhiệm kỳ kế toán trưởng từ tháng 5/2014.

Theo phản ánh của bạn đọc, tại Đại hội Đảng bộ nhà trường ngày 22/5/2015, mặc dù Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên cố tình đưa bà Nga vào danh sách đề cử bầu Ban Chấp hành Đảng bộ trường và đoàn Đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ cấp trên nhưng bà Nga đã bị các Đại biểu Đại hội loại bỏ (với số phiếu thấp nhất trong cả 2 danh sách bầu cử).

Chỉ đến khi không thể “sắp xếp” được theo ý- cùng với thực tế dư luận nói quá nhiều về mối quan hệ “đặc biệt” giữa lãnh đạo và nhân viên, đến tháng 7/2015, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên mới thực hiện quy trình bổ nhiệm lại kế toán trưởng nhưng thực hiện không đầy đủ quy trình: không kiểm điểm đánh giá quá trình công tác trong nhiệm kỳ 2009 – 2014; không tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy phiếu tín nhiệm.

Bạn đọc Nguyễn Minh H còn “tố”: Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Nguyên cố tình bổ nhiệm ông Nguyễn Như Trang là người không có chuyên môn về Y- Dược (chuyên ngành Toán Tin) vào vị trí Trưởng phòng Quản trị phục vụ để dễ bề thao túng chỉ đạo việc mua sắm vật tư, hóa chất, súc vật, sinh vật phẩm phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường.

Chính vì vậy, trong quá trình mua sắm tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên  đã có hàng loạt những sai sót như: Từ tháng 9/2014 đến tháng 10/2016, việc mua và cung cấp vật tư hóa chất phục vụ cho đào tạo thực hành thí nghiệm của một số bộ môn có sự khác biệt lớn về giá cả (có mặt hàng chênh lên gấp hơn chục lần) mặc dù cùng một mã hàng và cùng một quy cách đóng gói (lamem 22x22 mã 2271, lamen Đức mã 0160; multistic 10 thông số mã 2530; Gluco mã 3181)…;Hoặc sự việc ông Nguyễn Văn Chiến, nhân viên hợp đồng của phòng Quản trị - Phục vụ. Ông Chiến được giao nhiệm vụ mua súc vật, sinh vật phẩm phục vụ công tác đào tạo trong trường đã gian lận chứng từ tài chính, giả mạo chữ ký để lấy ra số tiền hàng chục triệu đồng từ tháng 10/2016 với 2 số phiếu khống (phiếu xuất kho số 150 - 152), đến tháng 12/2016 nhà trường mới phát hiện được sai phạm nhưng nhà trường không xử lý. Thháng 02/2017, ông Chiến lại có biểu hiện tái phạm thì bị phát giác, sau đó mới tiến hành đưa ra xem xét kỷ luật.

Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng tại Đại học Y dược Thái Nguyên, các thành viên trong hội đồng đào tạo, đánh giá luận án Tiến sĩ và các hoạt động tài chính- kế toán đều được sắp xếp theo nhóm “lợi ích” mà bỏ qua mọi quy định của pháp luật, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như quy định của Đại học Thái Nguyên?

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load