(Xây dựng) - Dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh này, nếu kịp thời tháo gỡ được khó khăn thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn để đưa nền kinh tế đất nước sớm hồi phục trở lại.
Những vướng mắc trong pháp luật tại các dự án đầu tư công sẽ sớm được sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy kinh tế hồi phục (Nguồn: Internet). |
Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các Bộ, ngành và địa phương. Đây có thể nói là biện pháp cấp bách, cần thiết để Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp trong tình hình mới.
Các vướng mắc và “nút thắt”
Mới đây, Bộ Xây dựng trong quá trình rà soát các quy định pháp luật đã chỉ rõ các vướng mắc đối với các dự án đầu tư công hiện nay cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Lê Quang Hùng: “Các vướng mắc này có liên quan đến quá trình chuẩn bị đầu tư và quá trình triển khai thực hiện dự án”.
Thứ trưởng Hùng cho biết: Đối với việc xác định chi phí lập, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tại Điều 15 Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và Nghị định quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã quy định rõ về nguồn vốn cho công tác này nhưng lại chưa có quy định cụ thể về xác định chi phí lập, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C.
Bên cạnh đó, việc xác định thẩm quyền của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án quy hoạch ngành quốc gia cần phải dẫn chiếu theo 03 luật cũng chưa được thống nhất và gây nhiều khó khăn, cụ thể:
Trong Luật Quy hoạch quy định về việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch nhưng không có quy định về chủ đầu tư, người quyết định đầu tư hoặc người có thẩm quyền đối với dự án quy hoạch. Còn trong Luật Đấu thầu thì quy định dự án quy hoạch là một loại dự án đầu tư phát triển và có nhắc đến thẩm quyền của chủ đầu tư, người quyết định phê duyệt dự án.
Và Luật Đầu tư công năm 2019 lại có quy định về dự án đầu tư công, nhiệm vụ quy hoạch nhưng không quy định rõ về chủ đầu tư, người quyết định đầu tư đối với nhiệm vụ, dự án quy hoạch. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 40 của Luật này lại quy định cơ quan, tổ chức được lập dự toán nhiệm vụ quy hoạch trình người đứng đầu Bộ quyết định.
Chính điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng ở các khâu giao kế hoạch vốn đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, vướng mắc từ việc xác định thẩm quyền của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư khi triển khai các dự án quy hoạch ngành.
Đồng thời, trong công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017, một số khoản chi phí chưa được quy định cụ thể về định mức như: Chi phí gửi lấy ý kiến về quy hoạch; chi phí quản lý chung của tổ chức tư vấn; hoặc một số khoản chi phí đang vận dụng định mức đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ để xây dựng, vận dụng đối với hoạt động quy hoạch (các chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch, chi phí hội nghị, hội thảo, tham vấn, lấy ý kiến, chi phí nhân công trong công tác thẩm định quy hoạch, chi phí công bố quy hoạch)... Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật đối với việc lập dự toán, thanh quyết toán chi phí quy hoạch ngành.
Theo Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện dự án cũng gặp một số vướng mắc, nút thắt cần được tháo gỡ. Về loại hợp đồng trọn gói áp dụng đối với gói thầu quy mô nhỏ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu năm 2013 và Điều 63 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói. Tuy nhiên quy định này chưa thực sự phù hợp đối với các gói thầu thi công cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và khảo sát xây dựng quy mô nhỏ với giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng.
Đồng thời, về hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ cũng quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu là: “Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công”. Tuy nhiên, tại điểm e khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu năm 2013 lại quy định: “Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.
Như vậy, có thể thấy rằng đối với gói thầu xây lắp có quy mô nhỏ (cải tạo, sửa chữa, nâng cấp) có giá trị trên 01 tỷ đồng, theo quy định hiện hành phải tổ chức đấu thầu, điều này chưa thực sự phù hợp với thời giá hiện nay, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, hiện nay quy định pháp luật về nghiệm thu, quản lý chất lượng, thanh toán cũng cần điều chỉnh về thời gian. Theo đó, để thanh toán khối lượng hoàn thành thì phải tổ chức nghiệm thu khối lượng công tác đó trước; để nghiệm thu được khối lượng, theo quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, nhà thầu phải tập hợp, trình đủ hồ sơ chất lượng (Biên bản nghiệm thu vật liệu, thiết bị đầu vào; hồ sơ đi kèm vật tư, thiết bị đó như CO, CQ, chứng nhận hợp quy theo quy định, kết quả thí nghiệm; Biên bản nghiệm thu công việc xây dựng, kết quả thí nghiệm sản phẩm xây dựng...). Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều dự án, công tác tập hợp hồ sơ, khối lượng chưa được các đơn vị thi công, tư vấn giám sát quan tâm đúng mức, bố trí nhân lực chưa phù hợp dẫn đến thời gian làm hồ sơ nghiệm thu, thanh toán kéo dài (mặc dù đã hoàn thành thi công trên công trường), làm chậm tiến độ giải ngân thanh toán vốn đầu tư công.
Một dự án có vốn đầu tư công lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công (Ảnh minh họa: L.T). |
Nhận diện nguyên nhân và giải pháp
Theo công văn rà soát của Bộ Xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây, thì các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư xuất hiện do pháp luật thiếu quy định chi tiết, chưa rõ ràng và thiếu đồng bộ, thống nhất; đặc biệt là việc xác định chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với dự án quy hoạch, dẫn đến thực tiễn tổ chức thi hành, áp dụng pháp luật gặp khó khăn, vướng mắc, phải vận dụng quy định liên quan. Đây là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Lê Quang Hùng cũng cho biết: “Trong quá trình thực hiện dự án thì nhiều quy định phù hợp với thực tế; nhiều nhà thầu vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác tập hợp hồ sơ chất lượng, nghiệm thu, thanh toán mặc dù đã quy định trong hợp đồng và chủ đầu tư đã đôn đốc, dẫn đến thực tế tổ chức thi hành, áp dụng pháp luật gặp khó khăn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”.
“Đồng thời, hình thức hợp đồng của các gói thầu xây dựng, khảo sát xây dựng quy mô nhỏ phải thực hiện theo quy định hợp đồng trọn gói (tức là có giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng). Tuy nhiên, khối lượng công việc tại thời điểm ký hợp đồng được xác định trên cơ sở thiết kế lại khó tính toán chính xác tuyệt đối. Khi triển khai, khối lượng thực tế thi công thường tăng, giảm khối lượng so với thiết kế được duyệt. Chính điều này gây khó khăn trong công tác nghiệm thu, thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu do liên quan đến trách nhiệm giải trình của các đơn vị liên quan, cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân thanh toán vốn đầu tư”, Thứ trưởng Hùng chia sẻ thêm.
Mặt khác, quy định hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp quy mô nhỏ (cải tạo, sửa chữa, nâng cấp) chưa thực sự phù hợp, cần phải điều chỉnh để sát với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay nhằm rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân thanh toán vốn đầu tư. Mặc dù quy định hiện hành cho phép trường hợp trong kỳ thanh toán các bên chưa đủ điều kiện để thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng thì có thể tạm thanh toán (tại khoản 4 Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP) tuy nhiên chưa hướng dẫn cụ thể các trường hợp nên nhiều Chủ đầu tư lo ngại, e dè không thanh toán.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất một số giải pháp để khắc phục những vướng mắc trên. Đó là cần tổ chức rà soát quy định pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm sửa, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để có hướng dẫn chi tiết, bảo đảm thống nhất trong thực hiện và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong quá trình triển khai đầu tư dự án.
Đồng thời, rà soát quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu và đầu tư xây dựng nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư cũng như giải ngân vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của với mục tiêu chỉ ra được các vấn đề đúng và trúng, để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các nguồn lực ở các dự án đầu tư công quan trọng, thúc đẩy quá trình giải ngân vốn. Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, hi vọng các dự án đầu tư xây dựng được tháo gỡ nhiều nút thắt, góp phần đưa nền kinh tế sớm được hồi phục và phát triển trở lại./.
Trích Quyết định số 1242/QĐ-TTg: Quyết định số 1242/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các Bộ, ngành và địa phương. Bộ Xây dựng là một trong các thành viên Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các Bộ, ngành, địa phương. Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. |
Hà Khánh
Theo