Mặc dù Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý I-2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước và vượt kịch bản đề ra nhưng thách thức vẫn còn rất lớn.
Do đó, các cấp, ngành chức năng cần sớm nhận diện được các lực cản tăng trưởng để đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp, thúc đẩy kinh tế phát triển ở mức tối đa, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Hàng hóa xuất khẩu tập kết tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Đức Lâm |
Còn nhiều bất lợi, khó khăn
Thực tế cho thấy, với kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I-2024 là 5,66%, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2024 là 6-6,5%, thì tốc độ tăng GDP của 3 quý còn lại phải hơn 6%. Đây là mức không dễ đạt được khi nền kinh tế còn đối diện nhiều lực cản xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Trước hết, tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong quý I-2024 ở mức cao, gấp 1,23 lần số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Thực tế này để lại một “lỗ hổng” khó bù đắp trong một sớm một chiều.
Tiếp đó, dù tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng cao nhưng chưa đạt so với thời kỳ trước dịch Covid-19. Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, khu vực dịch vụ tăng chậm lại do các hộ gia đình vẫn khó khăn về tài chính là yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng nội địa. Khu vực dịch vụ tuy đạt tốc độ tăng 6,12%, nhưng tăng chậm lại so với mức 6,79% của quý I-2023. Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn như: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ hay hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đều có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, tình trạng hạn mặn, nguy cơ hạn hán kéo dài đang hiện diện tại Đồng bằng sông Cửu Long đang đe dọa ảnh hưởng trên diện rộng và có thể làm suy giảm khả năng cung ứng nội địa cũng như tham gia xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các vấn đề như tỷ giá, lạm phát, giá vàng... cũng là những yếu tố cần cẩn trọng, cần theo dõi chặt chẽ, phản ứng linh hoạt để tránh tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, tuy nền kinh tế đã đạt nhiều chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn. Có những yếu tố đặt ra, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, công tác điều hành thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật (huyện Thanh Oai). Ảnh: Nguyễn Quang |
Làm mới các động lực tăng trưởng
Để thúc đẩy đà tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, cần tận dụng đà cải thiện trong xuất khẩu khi quý I-2024 Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD giá trị hàng hóa. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại như gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; giày dép... Nâng quy mô và kim ngạch xuất khẩu cũng có vai trò quan trọng trong bối cảnh dịch chuyển, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện cơ chế, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt. Cùng với đó, cơ quan hữu quan cũng như doanh nghiệp tiếp tục đa dạng thị trường để giảm thiểu tác động tiêu cực trong bối cảnh xung đột một số khu vực có thể gây xáo trộn hoặc biến động về giá và tận dụng triệt để cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng, phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội và góp phần hoàn thiện hạ tầng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nếu giải ngân hết nguồn vốn này, GDP sẽ tăng thêm 0,3%. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải hành động quyết liệt hơn nữa, đồng thời xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp; tập trung vốn vào các dự án lớn, cùng với rút ngắn thời gian thực hiện, sớm đưa vào khai thác…
Duy trì sức hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) cũng được các chuyên gia khuyến nghị, hướng tới sự đột phá trong thu hút vốn. Trong đó, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Khi hạ tầng giao thông, công nghiệp, công nghệ - thông tin và logistics phát triển đồng bộ, năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ được nâng cao, qua đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Về thúc đẩy tiêu dùng, nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đang được các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Cụ thể, đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm trong nước, thúc đẩy sản xuất trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được đa dạng gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hoạt động ngoại giao du lịch được khai thác triệt để để thu hút khách quốc tế kết hợp kích cầu tại các địa phương...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tiếp tục được làm mới, khai thác tối đa nhằm đưa nền kinh tế vượt qua các lực cản, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Theo Hồng Sơn/Hanoimoi.vn
Link gốc: https://hanoimoi.vn/nhan-dien-luc-can-tang-truong-kinh-te-663581.html