(Xây dựng) - Ngày xuân, người thì trảy hội cầu may, giới văn nghệ sỹ lại có thú vui khám phá trầm tích văn hóa cổ xưa. Theo chân nhà thơ lớn Trần Nhuận Minh, tôi và nhà văn Dương Hướng đến một vùng đất, nơi quần cư lâu đời của nhà nông bên dòng sông Kinh Thầy, đất “địa linh nhân kiệt”.
Căn nhà, nơi sinh ra nhà thơ Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa, ở thôn Điền Trì, nay là Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách (Hải Dương) được dùng làm nơi bảo tồn hiện vật cổ và không gian văn hóa, trưng bày tác phẩm văn học thành đạt của hai anh em nhà thơ. |
Chúng tôi dừng chân ở một khu dân cư của thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách (Hải Dương) khi nắng xuân đã ấm sương đêm, nhà thơ Trần Nhuận Minh hướng dẫn vào một khoảnh nhà vườn rộng khoảng 800m2 và bảo đây là chứng tích của thửa đất cổ có từ thời Trần, khi cụ Đại thượng tổ, thuộc dòng Chiêu Minh Đại vương, Thái sư Trần Quang Khải, ở Tức Mặc - Nam Định - để tránh sự truy sát của Hồ Quý Ly trong cuộc binh biến chiến tranh kế vị cung đình khi đó mà chính sử đã nêu, đã trốn về đây ẩn cư. Sát tường phía Bắc, là nhà thờ của dòng họ Trần Điền Trì (con cháu trải qua 24-25 đời), đã được Nhà nước công nhận, cùng với phần mộ của 3 vị Tiến sỹ có công lớn với đất nước, là Di tích lịch sử quốc gia.
Trong khoảnh nhà vườn rộng 800m2, có căn nhà xây dựng kiểu nhà cấp 4 bằng vật liệu mới mái lợp ngói đất sét nung bắt mắt, nhà thơ Trần Nhuận Minh bảo trước đây căn nhà cũ mà ông bà để lại, chỉ rộng khoảng hơn 60m2, mình đầu tư sửa sang lại, cơi nới thêm 2 gian với hàng hiên như vậy. Hình thức là xây dựng lại nhưng thực tế là trùng tu giữ nguyên dáng vẻ cũ; và thận trọng bảo tồn, lưu giữ lại những đồ gia dụng cũ của tiền nhân để lại có niên đại trên nửa thế kỷ, thế kỷ và có vật dụng còn lâu hơn nữa. Trong căn nhà cổ, có không gian riêng trưng bày các tác phẩm được vinh danh, đồ lưu niệm, tượng nghệ thuật và tranh ảnh có giá trị về hai nhà thơ lớn của Việt Nam là Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh bên giàn trầu (trồng lại trên nền cũ) đã vào trang thơ của Trần Đăng Khoa năm 8 tuổi. |
Năm 1959, Trần Nhuận Minh rời làng, khi ấy Trần Đăng Khoa mới có 1 tuổi. Năm 1962, ông về Khu mỏ Hồng Quảng dạy học cấp 2, rồi đi học tiếp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trần Nhuận Minh thành đạt trong sự nghiệp văn chương, trực tiếp tham gia thành lập Hội Văn Nghệ Quảng Ninh và sau đó, nhiều năm làm Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Nay ở tuổi Đại thọ, nhà thơ Trần Nhuận Minh vẫn sung sức trong sáng tác, có năm, như năm 2024 này với sự tham gia của Hội đồng dịch thuật châu Âu, cùng một số dịch giả Việt Nam, ông đã xuất bản 6 tác phẩm ra tiếng nước ngoài, trong đó có 3 tác phẩm xuất bản và phát hành ở Cannada, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh có một gia sản văn chương đồ sộ, mới đây (12/2024) Nhà thơ Iakovos của Hy Lạp giới thiệu Nhà thơ Trần Nhuận Minh trên tạp chí văn chương Santorini (Hy Lạp): “Trần Nhuận Minh đã xuất bản 65 cuốn sách tại Việt Nam và quốc tế, trong đó có 49 tập thơ. Các tác phẩm của ông được nhiều người yêu thích, một số tác phẩm được tái bản từ 5 đến 34 lần chỉ riêng tại Việt Nam, giúp ông giành được Giải thưởng Kỷ lục Việt Nam cho nhà thơ được tái bản nhiều nhất trong thời kỳ Đổi mới kể từ năm 1986. Thơ và tiểu luận của ông đã được đưa vào sách giáo khoa trung học từ năm 1980 đến nay”.
Thơ của Trần Nhuận Minh có nét khác biệt, chạm vào những nỗi trắc ẩn trong tâm hồn con người theo lối phá cách, không ủy mị - đắm đuối, cũng không tung hô gân guốc, mà đi vào lòng người, vừa giản dị hồn nhiên như văn hóa dân gian, vừa sâu sắc uyên bác của tư duy hiện đại. Trần Nhuận Minh còn được người hâm mộ văn hóa biết đến như một nhà thơ có tâm, có tầm trong lý luận phê bình văn học, trong nghiên cứu sử học ở Quảng Ninh và Hải Dương, một nhà hùng biện chân chính, bảo vệ khách quan các giá trị văn hóa và lịch sử. Vì thế, 3 tác phẩm của ông ở thể loại này đã được trao giải Đào Tấn năm 2023.
Không gian văn chương trưng bày kỷ niệm và các tác phẩm, tư liệu văn học, thư từ của nhà thơ Trần Đăng Khoa từ năm lên 8 tuổi đến nay. (Ảnh: Nhà thơ Trần Nhuận Minh và nhà văn Dương Hướng) |
Người em của Trần Nhuận Minh là Trần Đăng Khoa, hồn thơ và cây bút nổi danh “thần đồng” từ khi 8 tuổi, thì đài nói, báo đăng đã nhiều, nay càng kể càng như thấy thiếu. Nhưng không thể không nhắc lại người xưa cảnh cũ, với nỗi nhọc nhằn của cậu học trò nghèo, mà theo hồi ức của Trần Đăng Khoa thì lúc nào cũng đói. Khoa nói, tôi xung phong vào bộ đội, một phần vì ý thức bảo vệ Tổ quốc, một phần vì nghĩ rằng, ở đó, mình sẽ được “ăn vã cơm” nghĩa là được ăn no cơm mà cơm không phải độn ngô hay gốc rau muống già phơi khô.
Trần Nhuận Minh thuật lại trong tác phẩm “Đối thoại văn chương”, năm hơn 1 tuổi, Trần Đăng Khoa có lần đã lả đi vì đói tưởng xuôi tay không cứu được, may mà có một thầy thuốc của làng kịp đến cứu chữa. Trần Đăng Khoa đang học lớp cuối cấp 10/10 (mùa xuân 1975) thì xung phong đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và Campuchia, rồi lên biên giới phía Bắc, ra đảo Trường Sa. Trần Đăng Khoa là nhà thơ Việt Nam duy nhất từng là chiến sỹ cầm súng chiến đấu bảo vệ đảo Trường Sa. Sau khi học ở Học viện Văn học thế giới Macxi Goocki ở Liên Xô, Trần Đăng Khoa về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trần Đăng Khoa chuyển ngành sang làm Giám đốc Hệ phát thanh có hình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi sang làm Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Trần Đăng Khoa có đức tính khiêm tốn, giữ nếp quê nhà trong trẻo hồn nhiên của thời thơ ấu, nên ở đâu cũng được bầu bạn đồng chí tin yêu quý mến.
Tủ sách trưng bày các tác phẩm chính (trong số 65 tác phẩm) của nhà thơ Trần Nhuận Minh. |
Ngày xuân lòng người thanh thản, đặt chân vào căn nhà nhỏ nơi phát tích hai nhà thơ lớn, căn nhà nay làm mái nhà chung, trưng bày di tích gia tiên, không gian văn hóa khoa cử hậu duệ. Sắc xuân ấm lại những kỷ niệm thăng trầm của lịch sử, khi nhà văn Dương Hướng ngắm nghía một hồi, rồi hỏi nhà thơ Trần Nhuận Minh về chiếc chum nước cũ, vết nứt chằng chịt, vít bằng xi măng đặt ngay ngắn ở góc nhà. Trần Nhuận Minh nghẹn lòng bảo, đây là quả thực được chia cho gia đình mình thời cải cách ruộng đất được quy thành phần bần nông. Đây là Di vật một thời đau thương và nước mắt, chiếc chum vỡ này vốn là tài sản của một nhà nông cùng xóm bị quy thành phần địa chủ, bị tịch thu tài sản chia cho mọi người trong làng. Nghiệt ngã thay, nhà nông này có một mẹ già và người con là liệt sỹ vừa hy sinh trong chống Pháp, giải phóng làng quê. Gia đình liệt sỹ ấy nghèo đến mức có cái chum vỡ như thế này, đội cải cách cũng tịch thu để chia cho gia đình mình.
Trần Đăng Khoa khi ấy còn trẻ cũng thấy sự ngang trái, khi sửa sai người mẹ liệt sỹ nghèo xét lại thành phần xuống diện trung nông lớp dưới thì từng mang cái chum này đến trả lại, nhưng bà cụ dứt khoát không nhận lại. Trần Nhuận Minh khi trưởng thành thì nâng niu cái chum này như gia bảo, lưu giữ làm kỷ niệm để giáo dục truyền thống văn hóa cho con cháu.
Trong nhà trưng bày nhiều hiện vật quý giá, cũng rất hiếm có, trong đó có chiếc tràng kỷ bằng tre đã gãy hết nan tre, mà như vẫn còn ấm hơi người, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhiều nhà thơ lớn Việt Nam, nhiều quan khách, nhà văn hóa lớn quốc tế ở Liên Xô (cũ), Cu Ba, Pháp… và các đoàn nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ, Canada, Pháp, Đài Loan (Trung Quốc) đã ngồi tràng kỷ này. Bộ tràng kỷ nhỏ, căn nhà nông nhỏ, nhưng từng diễn ra những sự kiện văn hóa lớn.
Khi thăm gian trưng bày truyền thống gia đình, chúng tôi thấy trong tủ, ngoài các tác phẩm kinh điển về lịch sử, có những đóng góp đặc sắc của các cụ tổ của nhà thơ Trần Nhuận Minh được ghi lại từ thời Lê, thời Nguyễn, còn có các trước tác cũng có tính kinh điển của 4 đời nhà văn là các cụ tổ nhà Trần Nhuận Minh, từ nhà thơ Nhuận Phủ (Trần Thọ) có thơ bang giao với nhà Thanh trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn (1690). Khi làm Tả thị lang bộ Hộ, cụ đã 2 lần sang sứ Trung Quốc đòi đất 4 châu biên giới bị nhà Thanh lấn chiếm, mà Vị Xuyên còn tên đến ngày nay; bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam “Minh Nông chiêm phả” do Tham tụng thượng thư - Thái bảo Trần Cảnh biên soạn (1749); các tác phẩm sử học, truyện và ký của Phó đô Ngự sử - Thương thư Trần Tiến, trong đó có tác phẩm “Đăng khoa lục sưu giảng và Niên phả lục - Trần Khiêm Đường niên phả lục”. Với tác phẩm này, Trần Tiến đã khai sinh ra thể ký tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ 1764 và tập “Tục Công dư tiệp ký” của Công bộ viên ngoại lang, Trợ giáo Thái tử (người thứ 2 dạy con vua học) Trần Trợ (sách giáo khoa ghi Trần Quí Nha)…
Vì có 7 đời ăn cơm mặc áo của nhà Lê, 2 đời ăn cơm mặc áo của nhà Nguyễn, từ năm 1670 đến năm 1877, với 1 tước Công, 5 tước Hầu, 4 tước Bá, 3 vị tiến sỹ 3 lần làm Tể tướng, 6 lần làm Thượng thư ở triều Lê, 2 đời làm Tri phủ thời Nguyễn, vì thế, khi vua Hàm Nghi phát “Hịch Cần Vương” kêu gọi con cháu các quan triều, cùng các sĩ phu, hãy theo vua chống Pháp, cụ nội Trần Nhuận Minh là Trần Tấn đã đi theo Nguyễn Thiện Thuật. Khi cụ Tán Thuật sang Trung quốc cầu cứu nhà Thanh kháng Pháp, trao quyền chỉ huy cho con trai, Trần Tấn là tiểu tướng của vị chỉ huy mới này và đã hỹ sinh trong trận chống càn cuối cùng của giặc Pháp vào căn cứ Bãi Sậy. Điều này có ghi trong sách “Địa chí Hải Dương”.
Chính vì lẽ đó, khi sang thăm Trung Quốc, Trần Nhuận Minh đã tìm đến bằng được gian phòng cụ Tán Thuật đã sống những ngày cuối cùng và chết ở đó… Trần Nhuận Minh có ghi lại sự kiện này trong tác phẩm “Đối thoại văn chương”, Giải thưởng Đào Tấn, in lần thứ 2, đang trưng bày trong tủ sách Lưu niệm gia đình. Nhà lưu niệm còn có một giường sách, ngày xưa gọi là “Thư tịch”, gồm các tác phẩm của 2 anh em nhà thơ và các nhà văn, nhà thơ khác, làm thư viện nhỏ để mở, cho các thầy cô giáo và các cháu học sinh địa phương đến đọc…
Lại nhớ trước đây, nhà thơ lớn Xuân Diệu đã đi lại nhiều lần trên cái sân này mà ông coi là sân khấu của bài thơ “Mưa” rất “xuất sáo” của Trần Đăng Khoa (chữ của Xuân Diệu, ông coi là cao hơn “xuất sắc”) nay tôi và Dương Hướng cùng đi trên sân này và hình dung trước đây, đã từng qua đây vua Lê Hiển Tông, các Danh nhân lớn, như Nguyễn Nghiễm, thân phụ đại thi hào Nguyễn Du, Lê Hữu Kiều, phu quân nhà thơ Đoàn Thị Điểm, Lê Trọng Thứ, thân phụ nhà bác học Lê Quí Đôn… cùng 45 nhà thơ khác của triều đình còn để lại thơ trong “Niên phả lục” của Trần Tiến đã 2 lần xuất bản, mà lần đầu trên Báo “Nam Phong” của cụ Phạm Quỳnh… mà hình dung tại đây, khi Thái bảo Trần Cảnh mất, vua Lê viết điều văn, triều đình nghỉ việc 3 ngày… khi Phó đô Trần Tiến mất, vua sai tể tướng Nguyễn Khản, anh ruột Nguyên Du, Công bộ hữu thị lang Lê Quí Đôn về lo Lễ tang… Trần Quí Nha đã ghi những sự kiện đó trong cuối cuốn “Niên phả lục”… mà nghĩ đến những giá trị trường tồn của một vùng văn hóa xứ Đông…
Nhà văn Dương Hướng cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa đã qua đây, đều có chung nhận xét: Những hiện vật rất có giá trị bảo tồn, bảo tàng, nghiên cứu khoa học và văn chương… được trưng bày tại “Nhà lưu niệm văn chương Điền Trì” do hai anh em nhà thơ lớn Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa sáng lập. Xuân này, những âm hưởng của nó, hiển nhiên là một góc bảo tàng nhân dân, thêm điểm nhấn về Điền Trì làng cổ, trầm tích lịch sử văn hóa, không những của xứ Đông mà còn của cả Việt Nam.
Vũ Phong Cầm
Theo